Nửa nhiệm kỳ qua, chúng ta xử lý nghiêm khắc, công minh cũng là hồi chuông cảnh tỉnh những cán bộ, đảng viên đang giữ chức vụ càng cao, trách nhiệm càng lớn thì càng phải giữ mình hơn. Còn nếu lợi dụng, lạm dụng quyền lực, độc đoán, chuyên quyền thì tất yếu sẽ bị xử lý.
Nửa nhiệm kỳ qua, chúng ta xử lý nghiêm khắc, công minh cũng là hồi chuông cảnh tỉnh những cán bộ, đảng viên đang giữ chức vụ càng cao, trách nhiệm càng lớn thì càng phải giữ mình hơn. Còn nếu lợi dụng, lạm dụng quyền lực, độc đoán, chuyên quyền thì tất yếu sẽ bị xử lý.
Năm 2023, một trong những dấu ấn nổi bật là kỷ luật, kỷ cương đang dần được siết chặt, nhiều cán bộ sai phạm cho dù ở bất kỳ cương vị nào cũng bị đưa ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật.
Cùng với đó là nhiều quy định được Đảng ta ban hành đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng ngừa và phòng chống tiêu cực, tham nhũng một cách hiệu quả.
Đặc biệt, trong năm qua, Đảng ta đã liên tiếp ban hành 3 quy định về kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực: công tác cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, hoạt động thanh tra, kiểm toán và công tác điều tra truy tố, xét xử, thi hành án.
Đây đều là những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Những quy định này ra đời đã tạo ra "lồng cơ chế" hiệu quả để ngăn ngừa tình trạng lạm quyền, lộng quyền vốn dĩ đã và đang gây ra nhiều lo lắng cho xã hội.
Vì đây, chính là khởi nguồn cho tình trạng tham nhũng, tiêu cực. Phóng viên VOV phỏng vấn PGS.TS Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về vấn đề này.
PGS-TS Lê Văn Cường |
PV: Nhìn lại năm 2023 vừa qua, có một điều khá đau xót là rất nhiều cán bộ, đảng viên mắc sai phạm đã bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chịu mức án nghiêm khắc của pháp luật. Phải chăng những cán bộ này đã lạm dụng quyền lực được giao để tiêu cực, tham nhũng, thưa ông?
PGS-TS Lê Văn Cường: Quyền lực rất dễ bị tha hóa, hay nói cách khác là khi có quyền thì rất khó chống lại được những cám dỗ của quyền lực. Cho nên người ta dễ có xu hướng lạm quyền, lộng quyền, độc đoán chuyên quyền, rồi dẫn đến những hành vi sai trái.
Sai trái có thể mới biểu hiện nhẹ hoặc nặng lên là dẫn đến hành vi tham nhũng, tiêu cực, đến mức phải thi hành kỷ luật Đảng hoặc xử lý kỷ luật về hành chính hoặc cao nhất là xử lý kỷ luật về hình sự.
Nguy cơ này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở trong thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, huyện, xã ở Trung bộ vào tháng 10/1945, Bác đã nhắc nhở có một bộ phận cán bộ, công chức lẽ ra phải xác định mình là công bộc của dân, phục vụ cách mạng thì lại lên mặt quan cách mạng, cho rằng khi mình được phụ trách một vùng, được giao quyền thì tha hồ hách dịch, hoạnh họe, đối với quần chúng thì ra mặt là quan cách mạng, đối với cấp dưới thì cạy quyền lấn át. Đó chính là những biểu hiện lạm quyền, lộng quyền.
Khi những hành vi đó bị phát hiện, bị xử lý thì cũng thể hiện tính hai mặt. Thứ nhất, thể hiện quyết tâm của Đảng Cộng sản Việt Nam làm trong sạch bộ máy. Thứ hai là vẫn có những người còn xem thường kỷ cương phép nước, dẫn đến khi giao quyền thì lạm quyền, lộng quyền.
PV: Vấn đề kiểm soát quyền lực đã được Đảng ta đặt ra từ rất sớm và cụ thể là từ Đại hội XI, thế nhưng tại sao vẫn có nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm như vậy vì tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XIII đến nay thì đã có hơn 66.000 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, trong đó có tới 83 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, thưa ông?
PGS-TS Lê Văn Cường: Trong vài nhiệm kỳ gần đây, người đứng đầu Đảng ta là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: Phải "nhốt" quyền lực vào "lồng cơ chế". Và chúng ta đang hoàn thiện vấn đề về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Lạm quyền, lộng quyền thường xảy ra ở việc lợi dụng quyền lực Nhà nước là chính, là phổ biến. Về mặt khách quan, vấn đề thể chế, cơ chế vẫn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện, vẫn còn những khe hở nên cán bộ, đảng viên lợi dụng, lạm dụng.
Ví dụ khi đề cập đến vấn đề kiểm soát quyền lực, ở Cương lĩnh 1991 bổ sung phát triển năm 2011 lần đầu tiên đưa ra tại Đại hội XI; 2 năm sau, chúng ta sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992.
Hiến pháp 2013 cũng bắt đầu đưa thêm cụm từ “kiểm soát”, tức là quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát lẫn nhau. Đây là định hướng lớn và phải đưa nó thành những quy chế cụ thể thì hiện nay chúng ta vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện.
Còn về mặt chủ quan, phải thừa nhận rằng, trình độ năng lực của cán bộ, của cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ kiểm soát quyền lực cũng còn hạn chế.
Cùng với đó, cơ chế, thể chế chưa đầy đủ, đồng bộ, cho nên đôi lúc cũng còn lúng túng. Ví dụ như được giao quyền thì quyền lực đến đâu, anh được giao kiểm soát quyền lực thì kiểm soát ai, kiểm soát cái gì và kiểm soát đến mức nào; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cũng còn những biểu hiện chưa nghiêm.
Việc thực hiện quy chế dân chủ, thực hiện các nguyên tắc, nhất là tập trung dân chủ cũng chưa đầy đủ, xử lý kỷ luật chưa nghiêm nên vẫn còn cán bộ, đảng viên vi phạm.
Tổng Bí thư đã chỉ rõ, việc kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm là không có vùng cấm, không có ngoại lệ bất kể người đó là ai và khi xử lý thì cũng không chịu bất kỳ sức ép nào.
Nhìn lại nửa nhiệm kỳ, chúng ta xử lý nghiêm khắc, công minh cũng là hồi chuông cảnh tỉnh những cán bộ, đảng viên đang giữ chức vụ càng cao, trách nhiệm càng lớn thì càng phải giữ mình hơn. Còn nếu lợi dụng, lạm dụng quyền lực, độc đoán, chuyên quyền thì tất yếu sẽ bị xử lý.
PV: Trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”, nội dung kiểm soát quyền lực cũng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập nhiều lần. Theo Tổng Bí thư, tha hóa quyền lực hiện nay đang diễn ra theo hai hướng: tình trạng lạm quyền, lộng quyền và tình trạng không làm hết, không tròn vai quyền lực được giao. Tổng Bí thư nhấn mạnh, tổ chức càng lớn, chức vụ càng cao nếu xảy ra tha hóa quyền lực thì hậu quả, tác động càng rộng, tính chất càng nghiêm trọng, thậm chí là liên quan đến lợi ích sống còn của quốc gia, của dân tộc, sự tồn vong của một chế độ. Ông cảm nhận như thế nào về nội dung này?
PGS-TS Lê Văn Cường: Sang nhiệm kỳ XIII, ngoài văn kiện, các nghị quyết của Hội nghị Trung ương thì có một hoạt động rất mới mẻ đó là chúng ta xuất bản hàng loạt cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chúng ta đang trích dẫn ở đây là cuốn đầu tiên về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, trong đó đã luận giải chính xác, khoa học, dễ hiểu về những vấn đề lý luận tưởng như khô khan, cứng nhắc, đó là vấn đề về cách mạng giải phóng dân tộc, về chủ nghĩa xã hội, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Về quyền lực, lạm dụng quyền lực, Tổng Bí thư nói rất rõ, ở đâu có quyền lực thì ở đó có tha hóa về quyền lực. Tha hóa quyền lực là hiện tượng sử dụng quyền lực không đúng với chức năng, thẩm quyền được giao và diễn ra theo 2 hướng vừa nói ở trên.
Tổng Bí thư nhắc nhở chúng ta khi được giao chức trách, nhiệm vụ gì thì phải hoàn thành chức trách nhiệm vụ ấy. Tổng Bí thư chỉ rõ vấn đề là quản lý đất nước, xã hội ngày nay cần phải kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa đức trị và pháp trị.
Dùng tình cảm để giáo dục, khuyên nhủ, cảm hóa cán bộ, đảng viên là cần thiết, tuy nhiên “quốc có quốc pháp, gia có gia quy”, một gia đình cũng phải có nề nếp, kỷ cương và đương nhiên, nước phải có phép nước.
Trong cuốn sách này cần thấm nhuần sâu hơn đó là sự nhân nghĩa, nhân ái, nhân văn và bao dung độ lượng trong kỷ luật. Bởi vì Tổng Bí thư đã nói, không vui vẻ gì khi kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thế nhưng khi cần thiết thì “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, “kỷ luật một người để cứu muôn người”, “kỷ luật một tỉnh để cảnh báo cả một vùng”, thì đó là điều đáng làm.
Tôi nghĩ rằng, trong quản lý đất nước, xã hội, hơn lúc nào hết cần cố gắng thực hiện tư tưởng kết hợp giữa pháp trị và đức trị.
Cho nên trong nhiệm kỳ này chúng ta đã có hàng loạt quy định về nêu gương. Bởi vì cán bộ, đảng viên, người được giao quyền mà rơi vào tình trạng “ở trên anh chẳng chính ngôi thì ở dưới chúng tôi hỗn hào”, muốn kiểm soát được người khác thì bản thân mình phải trong, sạch, đừng để “chân mình còn lấm bê bê” thì làm sao “cầm bó đuốc đi rê chân người”.
Do đó, ngoài các quy định, quy chế cụ thể thì cũng cần phát huy một phương thức mới được tách ra tại Hội nghị Trung ương 6 vừa rồi đó là nêu gương, để trở lại truyền thống mà Đảng ta đã đúc kết đó là “đảng viên đi trước làng nước theo sau” thì lúc đó mới đưa được những chủ trương của Đảng đi vào thực tế cuộc sống.
PV: Các quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực đã có và đặc biệt trong năm 2023 vừa qua, Đảng ta liên tiếp ban hành 3 quy định về kiểm soát quyền lực trên 3 lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng. Theo ông, làm sao để những quy định này mang lại hiệu quả thực chất, phải để quyền lực thực sự bị nhốt trong lồng cơ chế?
PGS-TS Lê Văn Cường: Lần đầu tiên chúng ta thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt như vậy. Đầu tiên là Quy định 114 thay cho quy định 205 về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ ngày 11/7/2003; tiếp đó trong ngày 27/10/2023 ban hành 2 quy định là quy định 131 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; quy định 132 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Ở đây cho chúng ta thấy sự đồng bộ về mặt thể chế, tức là 3 vấn đề trọng tâm, nhạy cảm, phức tạp này đã được chỉ mặt, điểm tên và ban hành quy định. Đồng thời thể hiện quyết tâm chính trị rất cao đúng theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” và chọn đúng các lĩnh vực mà cử tri, đảng viên và nhân dân đang quan tâm.
Đó là sự hoàn thiện về thể chế mà thông qua 3 quy định này và tôi nghĩ nhân dân, cán bộ, đảng viên rất tán đồng.
PV: Xin cảm ông!
Theo PV/VOV