Tăng cường công tác bảo vệ và đấu tranh trên lĩnh vực nhân quyền trong tình hình mới

06:12, 14/12/2023

Chiều ngày 14/12/2023, BCĐ về nhân quyền tỉnh Vĩnh Long hội nghị tổng kết và tập huấn công tác nhân quyền năm 2023.

(VLO) Chiều ngày 14/12/2023, BCĐ về nhân quyền tỉnh Vĩnh Long hội nghị tổng kết và tập huấn công tác nhân quyền năm 2023.

Theo báo cáo, thời gian qua, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh có nhiều bước chuyển biến tích cực, quốc phòng, an ninh được đảm bảo.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Các chủ trương, chính sách được triển khai kịp thời, hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân nhất là trong công tác xóa đói, giảm nghèo; thực hiện đẳng giới; tự do tín ngưỡng, tôn giáo...

Công tác đấu tranh với các hoạt động lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo đạt hiệu quả tích cực. Cụ thể như: công tác xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả nổi bật; đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 đạt 0,48% (vượt 0,07% kế hoạch năm), toàn tỉnh hiện còn 2.836 hộ nghèo (tỷ lệ 0,96%).

Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người yếu thế và gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi, trẻ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa trên 22,9 tỷ đồng, đạt 270% kế hoạch; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 540/428 căn nhà cho người có công, đạt 126% kế hoạch.

Không ngừng được mở rộng diện bao phủ BHXH và BHTN; tỷ lệ tham gia BHXH năm 2023 đạt 31,2% và bảo hiểm thất nghiệp đạt 25,1% lực lượng lao động trong độ tuổi; tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện ngày càng tăng, đến nay đạt 22.107 người, chiếm 4,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; người dân tiếp cận ngày càng tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản. 

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được thúc đẩy; hiện toàn tỉnh có 17 tổ chức thuộc 8 tôn giáo khác nhau với trên 296.555 tín đồ, trên 517 chức sắc, khoảng 2.649 chức việc; trên 386 cơ sở thờ tự; hàng năm ở nước ta có trên 8.000 lễ hội về tín ngưỡng, tôn giáo, riêng tỉnh Vĩnh Long có trên 400 lễ hội, quy tụ hàng vạn tín đồ tham gia; cơ quan Nhà nước tạo điều kiện tối đa cho các hoạt động tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng pháp luật.

 Công tác tuyên truyền, đấu tranh phản bác các hoạt động lợi dụng dân chủ, nhân quyền để xuyên tạc, chống phá được đặc biệt quan tâm và thực hiện thường xuyên, liên tục và hiệu quả, góp phần đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm được triển khai quyết liệt, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, góp phần răn đe các loại tội phạm và tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế-xã hội.

 Bảo đảm tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị và lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm, làm việc tại tỉnh. Chủ động phát hiện và giải quyết kịp thời các vấn đề về an ninh trật tự từ khi mới phát sinh, ngay tại cơ sở.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, khó khăn nhất định như: kinh tế-xã hội vẫn chưa phát triển bền vững; phục hồi và phát triển kinh doanh trên địa bàn tỉnh còn chưa thật sự ổn định; đôi khi còn xảy ra tình trạng thiếu cục bộ thuốc, vật tư y tế gây ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh cho người dân; tình hình an ninh, trật tự còn tiểm ẩn yếu tố phức tạp để các thế lực thù địch lợi dụng, tạo cớ xuyên tạc, vu cáo; công tác nghiên cứu, dự báo còn chưa theo kịp diễn biến nhanh, phức tạp của tình hình thực tiễn, chưa xây dựng, thực hiện được các kế hoạch đấu tranh, tuyên truyền dài hạn trên địa bàn tỉnh; việc thực hiện chế độ thông tin báo cáo của một số sở, ban, ngành tỉnh chưa đầy đủ thông tin, tình hình dẫn đến khó khăn trong việc tổng hợp thông tin, tham mưu, đề xuất.

Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Thị Quyên Thanh- Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ về nhân quyền tỉnh Vĩnh Long đề nghị lãnh đạo các sở, ngành là thành viên BCĐ, các cơ quan, đơn vị liên quan cần tiếp tục xác định công tác nhân quyền là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài; chú trọng việc kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, giữ vững ổn định bên trong, phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quyền con người trên tất cả các lĩnh vực để tạo cơ sở vững chắc cho công tác đấu tranh chống các luận điệu vu cáo, xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là trên không gian mạng.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về thành tựu đảm bảo quyền con người trên địa bàn tỉnh; kịp thời phản bác và phê phán những luận điệu xuyên tạc, vu cáo, can thiệp của các thế lực thù địch, giúp người dân có cái nhìn đúng đắn về tình hình dân chủ, nhân quyền.

Tổ chức tốt việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực kiến thức của đội ngũ cán bộ, công chức phụ trách về các nội dung quyền con người; phát hiện và đấu tranh với các hoạt động lợi dụng dân chủ, nhân quyền để chống phá.

Thúc đẩy quyền con người trong tình hình mới góp phần tích cực vào công tác bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Chủ động làm tốt công tác nắm tình hình, nâng cao cảnh giác, phá hiện âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền tại địa phương để tiến hành các hoạt động chống phá; kịp thời đề xuất các biện pháp đấu tranh phù hợp, giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự ngay tại cơ sở; kịp thời thông tin báo chí các vụ việc được dư luận quan tâm, không để các đối tượng phản động lợi dụng “khoảng trống” để kích động, chống phá.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Quyên Thanh đặc biệt lưu ý các thành viên duy trì công tác giao ban, trao đổi thông tin định kỳ; tham mưu chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, điều phối hoạt động giữa các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc thực hiện, giải quyết những vấn đề có liên quan đến công tác nhân quyền tại địa phương. 

PHẠM QUANG CHIẾN (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh