Theo Bộ Ngoại giao, ngoại giao kinh tế (NGKT) đã và đang được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ rộng khắp các trụ cột đối ngoại, bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, đóng góp quan trọng vào tạo dựng cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế mà đất nước ta chưa bao giờ có được như ngày nay.
(VLO) Theo Bộ Ngoại giao, ngoại giao kinh tế (NGKT) đã và đang được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ rộng khắp các trụ cột đối ngoại, bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, đóng góp quan trọng vào tạo dựng cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế mà đất nước ta chưa bao giờ có được như ngày nay.
Việt Nam đến nay là nền kinh tế lớn thứ 11 châu Á, nằm trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, 30 nền kinh tế có thương mại lớn nhất, là một trong 3 nước thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất trong ASEAN và có mạng lưới liên kết kinh tế sâu rộng, đa tầng nấc, trong đó đã ký 16 hiệp định thương mại tự do bao trùm tất cả các nền kinh tế chủ chốt của thế giới.
Các hoạt động đối ngoại của tỉnh Vĩnh Long đã được triển khai có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao vị thế, hình ảnh của tỉnh trong quan hệ quốc tế. Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long tại lễ ký kết bản ghi nhớ thúc đẩy giao lưu hợp tác giữa tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Nigata (Nhật Bản). |
Tại phiên toàn thể về NGKT phục vụ phát triển đất nước trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao 32 với chủ đề “Phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng”, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao- Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, từ Hội nghị Đối ngoại toàn quốc và Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 đến nay, tình hình thế giới và khu vực đã trải qua những biến động lớn, phức tạp, tác động nhiều chiều đến phát triển kinh tế- xã hội của nước ta.
Trong bối cảnh đó, bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, phát huy mạnh mẽ bản sắc “ngoại giao cây tre Việt Nam”, vừa kiên định về nguyên tắc, vừa uyển chuyển về sách lược, linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên cường vì lợi ích quốc gia, dân tộc, ngành ngoại giao đã khắc phục nhiều khó khăn, thử thách, cùng các ngành, các cấp triển khai đồng bộ, hiệu quả các trụ cột, binh chủng đối ngoại và ngoại giao.
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, các hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động, rộng khắp các châu lục trên cả bình diện song phương và đa phương.
Trong 3 năm qua, đã tổ chức thành công 45 chuyến thăm của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt tới các nước láng giềng, các nước đối tác chiến lược, nhiều đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống và tham dự nhiều diễn đàn đa phương quan trọng, đồng thời đón gần 50 chuyến thăm của lãnh đạo các nước đến Việt Nam, trong đó có những chuyến thăm mang tính lịch sử.
Cùng với đó, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao, khuôn khổ quan hệ với nhiều đối tác quan trọng được nâng lên tầm cao mới, mạng lưới quan hệ đối ngoại đã đạt được những bước phát triển mới về chất, củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi.
Ngành ngoại giao đã cùng với quốc phòng và an ninh giữ vững trật tự, an toàn xã hội bên trong, môi trường hòa bình, ổn định bên ngoài, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Trong bối cảnh thế giới nhiều bất ổn, cộng đồng quốc tế coi Việt Nam là điểm sáng để đầu tư, làm ăn kinh doanh, mở ra cơ hội để chúng ta đẩy mạnh huy động các nguồn lực bên ngoài cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Từ những thành quả to lớn cũng như từ toàn bộ hoạt động NGKT sôi động trong 3 năm qua đã mang lại cho ngành ngoại giao nhiều bài học quý về triển khai đối ngoại và NGKT”- ông Bùi Thanh Sơn cho biết.
Cũng tại hội nghị, các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã trình bày các tham luận quan trọng, chia sẻ những xu hướng mới về đầu tư, thương mại, đổi mới sáng tạo, tiềm năng của ngành công nghiệp bán dẫn, các tiêu chuẩn quy định mới ở các thị trường truyền thống, hay cơ hội và thách thức mới ở các thị trường mới khai phá...
Đánh giá cập nhật triển vọng kinh tế thế giới, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng chỉ ra ba xu hướng nổi trội mà chính phủ và doanh nghiệp Hoa Kỳ đang hết sức quan tâm.
Đồng thời, sẽ tiếp tục làm tốt vai trò cầu nối, tư vấn, phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức trong nước để tìm kiếm, thương lượng với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tương ứng ở Hoa Kỳ; vận động được sự ủng hộ của Quốc hội, chính quyền Hoa Kỳ để có kinh phí cho các hoạt động hợp tác giữa hai nước.
Trong khi đó, để NGKT có thể phát huy tốt vai trò tiên phong trong thu hút nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh: Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới.
Đây là giai đoạn phát triển với thế và lực mới, với tầm nhìn và mục tiêu đặt ra cụ thể hơn và khát vọng hơn về phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc; là giai đoạn phát triển mang tính bền vững hơn, bao trùm hơn, dựa nhiều hơn vào nâng cao hiệu quả các nguồn lực và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi nhanh, mạnh và khó lường.
Vì vậy, vai trò tiên phong của NGKT trong thu hút nguồn lực bên ngoài cho thực hiện các đột phá chiến lược nhằm phát triển kinh tế số và kinh tế xanh được phát huy tốt sẽ góp phần giúp đạt được các mục tiêu.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, công tác NGKT thời gian qua có nhiều thành tựu, nổi bật là tiếp tục đổi mới tư duy, thay đổi nhận thức về NGKT; kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại nhằm huy động nguồn lực bên trong và thu hút nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, góp phần giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân như: khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực, biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19...; góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển...
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, thời gian tới cần tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối đối ngoại tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Bám sát xu thế, tập trung vào trọng tâm, trọng điểm để tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức.
Hoàn thiện thể chế, cơ chế hợp tác và phải tổ chức thực hiện hiệu quả. Đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng và thị trường quốc tế. Đồng thời, phát huy tính tự lực tự cường của dân tộc. Tăng cường phối hợp giữa các ngành, các địa phương, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ...
Năm 2023, tỉnh Vĩnh Long chủ động định hướng tuyên truyền, nhất là đối với các các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình hợp tác quốc tế của tỉnh với Bộ Ngoại giao và Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài nhằm giúp tuyên truyền, quảng bá địa phương đến đối tác nước ngoài. Tiếp tục duy trì và củng cố các quan hệ hữu nghị truyền thống, phát triển và mở rộng mối quan hệ hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc. Thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý đoàn ra, đoàn vào, giải quyết lãnh sự, quản lý người nước ngoài. |
Bài, ảnh: TRÀ MY