Nhiệm vụ vinh quang của Công đoàn Việt Nam

05:12, 04/12/2023

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong hơn 9 thập kỷ qua, tổ chức Công đoàn Việt Nam không ngừng phát triển và trưởng thành. Hiện nay, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã trở thành điểm tựa cho đông đảo công nhân, viên chức, lao động của cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm KCN Liên hợp gang thép Thái Nguyên nhân dịp lò cao số 1 ra mẻ gang đầu tiên (1/1/1964). Ảnh tư liệu lịch sử
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm KCN Liên hợp gang thép Thái Nguyên nhân dịp lò cao số 1 ra mẻ gang đầu tiên (1/1/1964). Ảnh tư liệu lịch sử

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong hơn 9 thập kỷ qua, tổ chức Công đoàn Việt Nam không ngừng phát triển và trưởng thành. Hiện nay, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã trở thành điểm tựa cho đông đảo công nhân, viên chức, lao động của cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Sự cần thiết của việc thành lập các tổ chức công đoàn ở các nước thuộc địa, nửa thuộc địa

Trên hành trình tìm đường cứu nước (1911-1941), vào năm 1914, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham gia tổ chức “Lao động hải ngoại”, tổ chức nghiệp đoàn của những người thợ thuyền thuộc địa sống trên đất Anh. Năm 1919, Người gia nhập “Công đoàn kim khí” Quận 17 Paris tại Pháp.

Nhận thấy lợi ích của việc thành lập công đoàn, trong cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp” (1925), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Việc cần thiết hiện nay là phát động một cuộc tuyên truyền rộng lớn để thành lập các tổ chức công đoàn ở các nước thuộc địa, nửa thuộc địa và phát triển các công đoàn hiện có dưới hình thức phôi thai”.

Lúc này, giai cấp công nhân Việt Nam dưới chế độ thực dân phong kiến có một đời sống vô cùng cực khổ. Theo thống kê, vào năm 1930, giai cấp công nhân Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia) chiếm 5% dân số, đông nhất là công nhân đồn điền, mỏ, vận tải. Công nhân, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em, bị bọn thực dân Pháp bóc lột thậm tệ, ngày làm từ 11-12 giờ, có nơi tới 18 giờ nhưng tiền công rẻ mạt, không bảo đảm cho đời sống tối thiểu, lại hay bị đánh đập.

Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” (1927), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Như người thợ An Nam, làm ở mỏ than Hòn Gay, một ngày làm 11 giờ, đầu năm làm đến cuối, một ngày chỉ được 3 hào, ăn chẳng đủ ăn, mặc không có mặc, đau không có thuốc, chết không có hòm”.

Bởi vậy, trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” (1927), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ về mục đích và tổ chức, hoạt động của công hội: “Tổ chức công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình với nhau, hai là để nghiên cứu với nhau, ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ, bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân, năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”.

Để đáp ứng yêu cầu cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ, BCH Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng tiến hành Đại hội thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ vào ngày 28/7/1929. BCH lâm thời Công hội Đỏ có 7 đồng chí, do Nguyễn Đức Cảnh, Ủy viên BCH lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng đứng đầu. Công hội Đỏ là tiền thân của tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày nay.

Khi giai cấp công nhân nước ta bị lâm vào tình thế Nhật- Pháp cấu kết bóc lột thì điều kiện sống càng bi thảm hơn. Trong bài thơ “Công nhân” trên báo Việt Nam Độc lập số 108 ra ngày 11/10/1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết:

“Thành ai đắp, lầu ai xây?/ Tàu kia ai đóng, than đây ai sàng?/ Bao nhiêu của cải kho tàng/ Ai đào bạc, ai luyện vàng mà nên?/ Công nhân sức mạnh nghề quen/ Làm ra của cải cho thiên hạ nhờ/ Mà mình quần rách áo xơ/ Tiền công thì bớt mà giờ thì thêm/ Lại còn đánh chửi tần phiền/ Cúp lương tháng trước, phạt tiền hôm qua/ Càng nghĩ lại, càng xót xa/ Vì ta mất nước, mà ta phải hèn/ Để cho Pháp, Nhật lộng quyền/ Thẳng tay bóc lột thợ thuyền nước ta!”.

Bởi vậy, Người kêu gọi: “Thợ thuyền ta phải đứng ra/ Trước ta cứu nước, sau ta cứu mình/ Cùng nhau vào hội Việt Minh/ Ra tay tranh đấu hy sinh mới là/ Bao giờ khôi phục nước nhà/ Của ta ta giữ, công ta ta làm”.

Công đoàn có nhiệm vụ gìn giữ quyền lợi cho công nhân và giúp Chính phủ trong việc xây dựng đất nước

Ngay mới thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), trong bài đăng trên báo Cứu Quốc (số 390, ngày 29/10/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Công đoàn có nhiệm vụ gìn giữ quyền lợi cho công nhân và giúp Chính phủ trong việc xây dựng đất nước”.

Ngày 2/3/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 29 về quyền của những người làm công tương tự như Bộ luật Lao động ngày nay và đã dành một chương với 22 điều quy định người lao động có quyền có tổ chức công đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình.

Trong chuyến thăm và nói chuyện với cán bộ, giáo viên và học viên Trường Cán bộ Công đoàn ngày 19/1/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ 6 nhiệm vụ cơ bản là:

“1. Công đoàn phải tuyên truyền đường lối, chính sách chung của Đảng”, “2. Công đoàn phải giáo dục cho công nhân về đạo đức vô sản, đạo đức cách mạng”, “3. Công đoàn và cán bộ công đoàn phải học trước để hiểu biết khoa học”, “4. Nội bộ công nhân phải đoàn kết”, “5. Công đoàn và cán bộ công đoàn phải tìm cách này hay cách khác giải thích cho công nhân hiểu rõ tình hình trong nước và ngoài nước”, “6. Công đoàn phải lãnh đạo, hướng dẫn công nhân”.

Ngày 5/11/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 108 ban hành Luật Công đoàn do Quốc hội khóa I thông qua. Đây là chỗ dựa pháp lý đầu tiên để phát huy vai trò của tổ chức công đoàn.

Nhiệm vụ của công đoàn hiện nay là xây dựng chủ nghĩa xã hội

Ngày 14/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự Hội nghị Cán bộ công đoàn. Về sứ mệnh, nhiệm vụ của công đoàn, Người nêu tóm tắt: “Nhiệm vụ của công nhân và công đoàn hiện nay là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Muốn thế, công đoàn phải tổ chức, giáo dục, lãnh đạo công nhân đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch của Đảng và Nhà nước đề ra”.

Người kết luận: “Nói tóm lại, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có người xã hội chủ nghĩa. Công nhân phải thành người xã hội chủ nghĩa, cán bộ công đoàn trước hết phải là người xã hội chủ nghĩa. Muốn thành người xã hội chủ nghĩa, phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, phải chống chủ nghĩa cá nhân, phải có tinh thần làm chủ đất nước, chống tư tưởng làm thuê làm mướn ngày trước, vì bây giờ làm cho giai cấp mình, cho con cháu mình.

Phải đặt lợi ích giai cấp và dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, chống thói kèn cựa, suy bì, ích kỷ. Phải có lề lối làm việc xã hội chủ nghĩa là siêng năng, khẩn trương, khiêm tốn, luôn cố gắng tiến bộ...”.

Trong bài nói chuyện tại Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ II, tháng 2/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Phát minh, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cũng là vấn đề quan trọng. Phải nhận rằng đại đa số công nhân ta cần cù, thông minh và có nhiều sáng kiến hay… Nếu công đoàn biết khuyến khích, áp dụng, cải tiến và phổ biến rộng rãi những sáng kiến ấy thì năng suất lao động sẽ nâng cao không ngừng”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong hơn 9 thập kỷ qua, tổ chức Công đoàn Việt Nam không ngừng phát triển và trưởng thành. Hiện nay, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã trở thành điểm tựa cho đông đảo công nhân, viên chức, lao động của cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đặc biệt, hiện nay, tuy chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 14% dân số, 27% lực lượng lao động xã hội, song hàng năm giai cấp công nhân Việt Nam đã tạo ra trên 65% giá trị tổng sản phẩm xã hội và hơn 70% giá trị thu ngân sách nhà nước.

Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam (nhiệm kỳ 2023-2028) đã hướng đến mục tiêu: “Nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn, tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng kịp thời yêu cầu của tình hình mới, trọng tâm là đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.

Hoàn thiện mô hình tổ chức, thu hút, tập hợp đông đảo người lao động gia nhập công đoàn; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín và phương pháp công tác tốt.

Đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động của đoàn viên, người lao động; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm cán bộ, công nhân Nhà máy In Tiến Bộ (Hà Nội) ngày 13/5/1959. Ảnh tư liệu lịch sử
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm cán bộ, công nhân Nhà máy In Tiến Bộ (Hà Nội) ngày 13/5/1959. Ảnh tư liệu lịch sử

Đến cuối nhiệm kỳ, hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, khẳng định Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, là chỗ dựa tin cậy của người lao động, là cơ sở chính trị- xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước ta”.

Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam (nhiệm kỳ 2023-2028) do đó là sự kiện chính trị quan trọng đánh dấu bước phát triển mới của phong trào công nhân, viên chức, lao động, của tổ chức Công đoàn Việt Nam; khẳng định vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, truyền thống vẻ vang và những đóng góp to lớn của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam trong các giai đoạn cách mạng của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

NGUYỄN VĂN TOÀN

 

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh