Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật

08:11, 01/11/2023

Ngày 1/11, tham gia đóng góp tại phiên thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 6, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long- Nguyễn Thị Minh Trang nhấn mạnh, trong nửa nhiệm kỳ qua, đặc biệt là trong năm 2023 dưới sự điều hành linh hoạt chủ động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Ban Bộ ngành Trung ương, địa phương, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

(VLO) Ngày 1/11, tham gia đóng góp tại phiên thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 6, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long- Nguyễn Thị Minh Trang nhấn mạnh, trong nửa nhiệm kỳ qua, đặc biệt là trong năm 2023 dưới sự điều hành linh hoạt chủ động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Ban Bộ ngành Trung ương, địa phương, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Theo báo cáo của Chính phủ, ước cả năm 2023 có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 68 (năm 2022 đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu), trong đó Chính phủ đánh giá sẽ cơ bản hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội với những thành tựu nổi bật về thực hiện các chính sách xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, với dự báo sẽ có 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra (năm 2022 chỉ có 2/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra), trong đó có nhiều chỉ tiêu quan trọng trên lĩnh vực kinh tế phản ánh chất lượng tăng trưởng như: tốc độ tăng năng suất lao động xã hội, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP;

tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn, thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao (tính chung 9 tháng, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 135,1 ngàn doanh nghiệp, bình quân một tháng có 15 ngàn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường); tình trạng người lao động mất việc làm, thiếu việc làm tại nhiều khu công nghiệp.... là những yếu tố có tác động sâu sắc, tiêu cực đến cục diện kinh tế - xã hội nói chung.

Từ thực tiễn địa phương và qua tiếp cận nghiên cứu các báo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của các Uỷ ban thuộc Quốc hội, tôi xin tham gia một số ý kiến cụ thể như sau:

Một là, đối với việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo tinh thần Nghị quyết số 101 của Quốc hội: Đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt cải cách thủ tục hành chính; lãnh đạo rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, hướng dẫn thực thi pháp luật, nhất là trên lĩnh vực kinh tế để nhanh chóng khắc phục, chấn chỉnh những bất cập, chồng chéo hoặc thiếu khả thi của quy định pháp luật trên các lĩnh vực: đầu tư, tín dụng, đất đai, bất động sản, nhà ở, xây dựng, quy hoạch, làm gia tăng thời gian, thủ tục và chi phí không chính thức để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Đồng thời tập trung lãnh đạo tháo gỡ những nút thắt “nóng”, có sức lan tỏa cao để tạo động lực cho thị trường, tạo công ăn việc làm cho người lao động, gỡ khó cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, tiếp tục nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển thực chất, ổn định, lâu dài thông qua các giải pháp kích thích tiêu thụ hàng hóa nội địa, các giải pháp về tài khóa như kéo dài thời gian giảm 2% thuế VAT, hỗ trợ giảm thuế nhập khẩu, giảm các loại thuế, phí lệ phí.

Đồng thời, khuyến khích, xem xét sửa đổi cơ chế hoạt động của các quỹ tài chính ngoài ngân sách như Quỹ Bảo lãnh tín dụng, Quỹ Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Đổi mới khoa học công nghiệp; nghiên cứu hạ lãi suất trên cơ sở ổn định tình hình kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng, kiềm chế lạm phát và giữ ổn định tỷ giá, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được tham gia vào các dự án đầu tư công và phát triển nhà ở xã hội, để huy động được đa dạng nguồn lực xã hội vào sự nghiệp phát trển kinh tế.

Hai là, về công tác kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy: Thời gian qua, cùng với việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Chính phủ cũng đã triển khai quyết liệt việc sắp xếp các thôn, tổ dân phố nhằm giảm đầu mối, giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách, tăng cường hiệu quả hoạt động đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội.

Tuy nhiên, thực tế địa phương cho thấy sau sắp xếp, quy mô của một số thôn, tổ dân phố được mở rộng hơn rất nhiều (cả về dân số và diện tích) nên công tác của người hoạt động không chuyên trách tại thôn, tổ dân phố gặp rất nhiều khó khăn, áp lực hơn và nảy sinh nhiều vướng mắc trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Vì vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, bổ sung đánh giá sát sao về vấn đề này đồng thời với việc chỉ đạo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính đã triển khai trong giai đoạn 2019 - 2021 để kịp thời chấn chỉnh bất cập, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản chỉ đạo, cũng như có chủ trương phù hợp, thống nhất chính sách đãi ngộ cán bộ, nhất là cán bộ không chuyên trách ở cơ sở, ấp, khóm, khu, thôn, tổ dân phố về lương, phụ cấp, đào tạo, bồi dưỡng....

Việc này không chỉ động viên, khuyến khích đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách yên tâm cống hiến công sức, trí tuệ vào việc hiện thực hoá chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước mà còn giúp cho việc tổ chức thực hiện mục tiêu sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện trong giai đoạn tiếp theo thuận lợi và đạt hiệu quả cao hơn.

Ba là, trong công tác quản lý trật tự xã hội: Hiện nay tình trạng xây dựng không phép, sai phép, trái phép, tự ý chuyển đổi công năng thành nhà ở nhiều căn hộ (thường gọi chung cư mini), nhà trọ với mật độ người ở cao tại một số địa bàn có mật độ xây dựng cao, chưa được quản lý, giám sát chặt chẽ, chưa được pháp luật điều chỉnh bằng những quy định cụ thể, chi tiết đã gây khó khăn cho công tác quản lý, có nguy cơ mất an toàn và xảy ra nhiều hệ lụy đáng tiếc thời gian qua đã được nhiều đại biểu quốc hội đề cập trong các phiên thảo luận và được nhiều cử tri quan tâm.

Cho thấy cần thiết phải nhanh chóng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng cháy chữa cháy (PCCC), cứu nạn cứu hộ (CNCH) bằng những quy định mới về tiêu chuẩn, tiêu chí phòng cháy, chữa cháy phù hợp bối cảnh, điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam, đáp ứng tốt yêu cầu quản lý nhà nước và đảm bảo tính khả thi trong áp dụng.

Gắn với đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng về PCCC, CNCH, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH theo phương châm 4 tại chỗ để bảo vệ an toàn tín mạng và tài sản của nhân dân, bảo vệ an toàn, an ninh xã hội trong mọi tình huống.

Bốn là, về giáo dục, hiện nay, quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giáo dục có nhiều đổi mới, chủ trương đổi mới, căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW tiếp tục được khẳng định tính hiệu quả, đặc biệt, lãnh đạo ngành giáo dục, đào tạo đã nghiêm túc, cầu thị lắng nghe ý kiến của cử tri và Nhân dân, không né tránh trách nhiệm, đối diện với khó khăn, vượt qua thách thức để củng cố, kiện toàn đội ngũ, nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, sắp xếp lại quy mô, mạng lưới trường lớp, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục....

Song, từ thực tiễn xã hội và sự quan tâm của cử tri, giáo viên, phụ huynh học sinh, tôi kiến nghị Chính phủ, Bộ GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo rà soát, đánh giá kỹ lưỡng để có chủ trương sớm khắc phục những bất cập trong triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Vì hiện nay vẫn còn một số vướng mắc chưa được tháo gỡ triệt để, nhất là trong dạy học môn tích hợp ở cấp THCS; việc lựa chọn tổ hợp môn học và chuyên đề học tập ở cấp THPT; cũng như việc biên soạn, lựa chọn, quản lý giá sách giáo khoa; công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh chưa hiệu quả.

Ngoài ra, mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ở nhiều cơ sở giáo dục vẫn chưa đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục; việc mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu ở các địa phương còn chậm và gặp nhiều vướng mắc, chất lượng giáo dục thường xuyên chưa được cải thiện nhiều; chất lượng giáo dục nghề nghiệp chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.

Năm là, về y tế, năm 2023 là năm Chính phủ đã chủ động, quyết liệt nhất trong lãnh đạo đưa ra các giải pháp hữu hiệu và trình Quốc hội ban hành các văn bản xử lý những bất cập, vướng mắc của lĩnh vực y tế sau đại dịch COVID-19, ngành y tế cũng chủ động đề xuất ban hành nhiều cơ chế đặc thù để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện công lập; thanh quyết toán các khoản hỗ trợ, chi phí điều trị COVID-19.

Tuy nhiên, đến nay một số vướng mắc trong thanh toán, quyết toán bảo hiểm y tế chưa được giải quyết triệt để, vẫn còn tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập.

Điều này làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, làm cho công tác tuyên truyền vận động thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân gặp khó khăn hơn.

Đáng quan tâm hơn thời gian gần đây nhiều địa phương ở ĐBSCL vẫn gặp khó khăn trong đấu thầu thiết bị y tế phục vụ tiếp nhận máu, thiếu túi đựng và sinh phẩm xét nghiệm máu à phong trào hiến máu tình nguyện phải bị hoãn và làm tăng áp lực thiếu nguồn máu điều trị ở nhiều bệnh viện khu vực miền Tây Nam bộ.

Bên cạnh đó, cử tri ngành y tế cũng chia sẻ là thực tế chính sách cho đội ngũ y bác sỹ chưa tương xứng với nhiệm vụ, công tác đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, dẫn đến khả năng cung ứng dịch vụ y tế ở tuyến huyện, tuyến xã, tuyến y tế dự phòng chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe cơ bản của Nhân dân.

Tất cả những bất cập, vướng mắc này không phải mới phát sinh, Chính phủ đã thấy, Bộ Y tế đã rõ nhưng chưa giải quyết triệt để, nhân dân buồn, địa phương lo, nên ngành y tế cần tiếp tục có những chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ hơn bằng những giải pháp căn cơ, chiến lược hơn về vật lực và nhân lực ngành y tế, nhất là y tế khu vực công nhằm bảo đảm thực hiện tốt công tác chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.

B.THANH- Đ.THI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh