Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên trường chính trị

06:11, 29/11/2023

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đối tượng học viên (HV) đa dạng hơn về lĩnh vực công tác, trình độ, năng lực đào tạo ngày càng cao. Do đó, đội ngũ giảng viên (GV) phải có sự đổi mới, nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy để đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

 

Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, viên chức trường chính trị là điều kiện nâng cao bản lĩnh chính trị cho học viên.
Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, viên chức trường chính trị là điều kiện nâng cao bản lĩnh chính trị cho học viên.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đối tượng học viên (HV) đa dạng hơn về lĩnh vực công tác, trình độ, năng lực đào tạo ngày càng cao. Do đó, đội ngũ giảng viên (GV) phải có sự đổi mới, nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy để đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đây là vấn đề được đặt ra tại tọa đàm “Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức, GV đáp ứng yêu cầu trường chính trị chuẩn và phát triển đất nước” của Trường Chính trị Phạm Hùng.

Chất lượng đội ngũ nâng cao

Nâng cao đội ngũ viên chức, GV đáp ứng yêu cầu mới, nâng tầm kiến thức chuyên môn ngang tầm nhiệm vụ đã và đang được các trường chính trị quan tâm thực hiện.

Tính đến tháng 10/2023, Trường Chính trị Phạm Hùng có tổng số 27/40 GV, chiếm 67,5% viên chức giữ ngạch GV, trong đó, trình độ chuyên môn có 25 thạc sĩ, 2 cử nhân.

ThS Nguyễn Thị Thanh Thư- Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Phạm Hùng, cho biết: “Nhà trường đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng GV; thường xuyên mở các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp soạn, giảng lý luận chính trị và tuyên truyền, giáo dục, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch...”.

Bên cạnh đó, Trường Chính trị Phạm Hùng thường xuyên triển khai đánh giá chất lượng GV thông qua các hoạt động tổ chức hội thi GV dạy giỏi, dự giờ, thao giảng,... Nhà trường đã cử đi đào tạo 2 nghiên cứu sinh, 10 cao học các chuyên ngành khoa học xã hội nhân văn, luật, kinh tế, chính sách công; cử 2 GV đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị.

Một số khó khăn của trường này hiện nay là đội ngũ cán bộ, GV còn 5 chỉ tiêu chưa đạt chuẩn mức 1. Ban giám hiệu chưa có trình độ tiến sĩ, lãnh đạo khoa giữ ngạch GV chính, có 2/6 đồng chí, đạt 33,3%; lãnh đạo phòng có trình độ chuyên môn từ thạc sĩ trở lên có 1/4 đồng chí, đạt 25%; lãnh đạo phòng giữ ngạch GV chính hoặc tương đương trở lên có 2/4 đồng chí, đạt 50%.

“Hiện nay, đội ngũ GV nhà trường đang được trẻ hóa, vì thế kinh nghiệm, kiến thức thực tiễn còn hạn chế phần nào ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường. Đặc biệt là những phần học, chuyên đề đòi hỏi tính thực tiễn cao, chuyên môn sâu”- cô Thư nói thêm.

Theo kinh nghiệm của tỉnh Hậu Giang, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang quan tâm đến công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng viên chức, GV và thực hiện tốt các chế độ chính sách. Bên cạnh đó, đặc biệt chú trọng đến việc đánh giá chất lượng GV thông qua các hoạt động tổ chức hội thi GV dạy giỏi, dự giờ, thao giảng.

ThS Nguyễn Thị Tuyết Loan- Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Để nâng cao chất lượng đội ngũ trường chính trị, trường đã tham mưu Thường trực Tỉnh ủy phối hợp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh mở lớp tại Hậu Giang cho GV. Nhờ đó, hiện nay nhà trường có tổng số 45 viên chức, trong đó, trình độ chuyên môn có 1 tiến sĩ, 24 thạc sĩ”.

Phấn đấu đáp ứng nhiệm vụ ngày càng cao

Từ thực tiễn công tác, GV trường chính trị cũng cần đổi mới và áp dụng các phương pháp dạy học để phát huy hết tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HV. Song song đó, GV cần phát huy khả năng nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm khoa học so với tiềm năng.

Cô Nguyễn Thị Tuyết Loan, chia sẻ: “Thời gian tới, Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả các quy định; nâng cao nhận thức của đội ngũ viên chức; nhiệm vụ của trường đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh, từ đó, mỗi viên chức sẽ nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tính tích cực, chủ động, quyết tâm thường xuyên quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ”.

Trong khi đó, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng (An Giang) xác định đào tạo lý luận chính trị có tính khái quát, trừu tượng cao, cần phải làm sáng tỏ vai trò dẫn dắt, soi đường của lý luận với hoạt động thực tiễn. Chính vì vậy, chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở phải phù hợp với xu thế phát triển của đất nước.

Trong đó, mỗi buổi lên lớp hoặc trong một bài học, GV lên lớp thực hiện hoạt động giảng dạy và thảo luận phải bảo đảm thời lượng dành cho lý thuyết là 3/4, thảo luận là 1/4. Giáo trình phù hợp với đối tượng của từng lớp để tạo thuận lợi cho người học, kết quả học tập cuối khóa khá cao, HV đạt loại “giỏi và khá” từ 80% trở lên.

Ban Giám hiệu Trường Chính trị Phạm Hùng xác định, trong thời gian tới, nhà trường, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án “Xây dựng Trường Chính trị Phạm Hùng đạt các tiêu chí trường chính trị chuẩn mức 1, giai đoạn đến năm 2025”, trong đó, tập trung vào xây dựng đội ngũ cán bộ, GV và công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.

Bên cạnh, các khóa học dài hạn, các trường chính trị còn phối hợp với các đơn vị đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý tỉnh theo nhu cầu của tỉnh.
Bên cạnh, các khóa học dài hạn, các trường chính trị còn phối hợp với các đơn vị đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý tỉnh theo nhu cầu của tỉnh.

Ban giám hiệu nhà trường tích cực giao lưu, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm của các trường chính trị trong việc triển khai thực hiện đề án trường chính trị chuẩn nói chung và trong việc hoàn thiện các chỉ tiêu về đội ngũ cán bộ, viên chức nói riêng, từ đó rút kinh nghiệm trong triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện của nhà trường.

Cô Nguyễn Thị Thanh Thư, nói: “Thực hiện tốt công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ, GV của trường, chú trọng lựa chọn cán bộ trẻ, có năng lực để đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn kế cận bổ sung cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý”.

Hiện nay, việc đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn GV lý luận chính trị là hết sức cần thiết để có một đội ngũ GV lý luận chính trị giỏi “vừa hồng, vừa chuyên”.

Theo quy chế GV của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 5 tiêu chuẩn: Có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần yêu nước, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Có trình độ lý luận chính trị theo quy định, có trình độ ĐH trở lên, về khoa học chính trị, khoa học hành chính, khoa học xã hội và nhân văn. Có thái độ trung thực, khiêm tốn, giản dị; tâm huyết với sự nghiệp đào tạo bồi dưỡng cán bộ của Đảng và Nhà nước. Có năng lực giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh