Ý nghĩa to lớn về vai trò lãnh đạo của Đảng

05:11, 23/11/2023

83 năm trước, đã diễn ra sự kiện lịch sử Nam Kỳ khởi nghĩa (23/11/1940-23/11/2023), đã trở thành bản anh hùng ca bi tráng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Nhân dân Nam Bộ và Nhân dân cả nước.

Nhà bia kỷ niệm thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên tỉnh Vĩnh Long.
Nhà bia kỷ niệm thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên tỉnh Vĩnh Long.
83 năm trước, đã diễn ra sự kiện lịch sử Nam Kỳ khởi nghĩa (23/11/1940-23/11/2023), đã trở thành bản anh hùng ca bi tráng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Nhân dân Nam Bộ và Nhân dân cả nước.
 
Thời cơ chưa chín muồi, kế hoạch bị bại lộ và những tổn thất trước thời điểm diễn ra, mặc dù thất bại nhưng Nam Kỳ khởi nghĩa đã để lại giá trị tinh thần bất diệt cho chiến sĩ cách mạng và Nhân dân ta.
 
Cuộc khởi nghĩa ở Vĩnh Long diễn ra rộng khắp nhưng cũng rơi vào thất bại trong hoàn cảnh lịch sử chung Nam Bộ, tuy nhiên đã góp phần cho lý luận và thực tiễn cách mạng; trong đó, nổi rõ ý nghĩa to lớn về vai trò lãnh đạo của Đảng trong Nam Kỳ khởi nghĩa ở Vĩnh Long.
 
Nam Kỳ khởi nghĩa ghi đậm dấu ấn khó phai một giai đoạn lịch sử với khí thế cách mạng sục sôi, khi đất nước chìm trong đêm tối, đời sống người dân cơ cực đến tận cùng, đã cho thấy sáng ngời lòng yêu nước nồng nàn; đặc biệt, là niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản của Nhân dân Nam Bộ. 
 
Đó là bối cảnh thế giới và trong nước cuối thập niên 1930 đầu thập niên 1940 của thế kỷ XX với những diễn biến tình hình vô cùng rối ren, phức tạp và những chuyển biến bất ngờ. Thế giới đứng trước hiểm họa phát xít, nguy cơ bùng nổ chiến tranh thế giới, sự đàn áp, bóc lột của thực dân Pháp đối với Nhân dân ta đã đến đỉnh điểm.
 
Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 (khóa I) từ ngày 6-8/11/1939 tại Bà Điểm (Hóc Môn- Gia Định), nhận định: Nhật sẽ xâm chiếm Đông Dương và Pháp sẽ đầu hàng Nhật, cách mạng Đông Dương sẽ bùng nổ; do vậy phải đoàn kết thực hiện bằng được nhiệm vụ chính là đánh đổ đế quốc, giải phóng dân tộc; chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp, giai cấp, dân tộc và các cá nhân yêu nước.
 
Trên cơ sở đó, tháng 3/1940, Ban Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ do đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư thảo ra Đề cương chuẩn bị bạo động. Ðến giữa tháng 11/1940, Xứ ủy Nam Kỳ quyết định phát động toàn Nam Kỳ nổi dậy đánh đổ chính quyền thuộc địa, giành chính quyền về tay Nhân dân.
 
Ngày 21/11/1940, Thường vụ Xứ ủy ra thông báo cho các cấp bộ đảng nhất loạt phát động Nhân dân nổi dậy vào lúc 24 giờ ngày 22/11/1940. Thời điểm hành động nhất loạt ở các tỉnh Nam Kỳ là lúc 0 giờ ngày 22, rạng 23/11/1940. 
 
Hội nghị Trung ương Ðảng họp tại Ðình Bảng (Bắc Ninh) từ ngày 6-9/11/1940 nhận định điều kiện khởi nghĩa ở Nam Kỳ và trong cả nước chưa chín muồi, đề nghị Xứ ủy Nam Kỳ chưa nên phát động khởi nghĩa.
 
Trung ương phái đồng chí Phan Đăng Lưu trở về truyền đạt quyết định của Trung ương cho Xứ ủy Nam Kỳ. Nhưng khi đồng chí Phan Ðăng Lưu về tới Sài Gòn thì bị bắt, lệnh khởi nghĩa đã ban hành tới các địa phương không thể thu hồi; một số cán bộ chủ chốt của Xứ ủy đã bị địch bắt.
 
Kế hoạch khởi nghĩa đã bị lộ, địch lùng sục bắt bớ, giữ binh lính người Việt trong trại, tước vũ khí của binh lính phản chiến, tuy nhiên, cuộc khởi nghĩa vẫn nổ ra theo kế hoạch.
 
Đêm 22 rạng sáng 23/11/1940, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra khí thế mạnh mẽ và quy mô lớn chưa từng có. Khắp vùng nông thôn Nam Bộ rung chuyển, từ Biên Hòa cho đến Cà Mau, 18 tỉnh nổi dậy cướp chính quyền. Cuộc khởi nghĩa ở Vĩnh Long diễn ra rộng khắp trên các địa bàn tỉnh lỵ Vĩnh Long và các quận: Châu Thành, Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn (lúc bấy giờ thuộc tỉnh Cần Thơ).
 
10 giờ ngày 22/11/1940, lệnh khởi nghĩa về đến cơ quan Liên Tỉnh ủy ở Tam Bình, các lực lượng sẵn sàng thống nhất đúng 0 giờ ngày 22/11/1940 sẽ hành động giành chính quyền theo kế hoạch đã định.
 
Tại tỉnh lỵ Vĩnh Long và quận Châu Thành do đồng chí Ngô Thị Huệ dẫn nhóm 50 người tấn công quận lỵ Long Hồ, phá cầu Ông Me và cầu Long Hồ, cắt đường dây điện thoại, lập các chướng ngại vật trên lộ cản đường tiến quân của địch.
 
Tại Tam Bình có 3 mũi do các đồng chí Nguyễn Văn Nhứt, Đặng Văn Chính và Phan Văn Đáng (Hai Văn) chỉ huy, tấn công vào các mục tiêu: trại lính, đồn Trà Luộc và trụ sở làng Mỹ Thạnh Trung.
 
Lực lượng khởi nghĩa ở quận Vũng Liêm cũng chia thành 3 mũi, đồng chí Nguyễn Thị Hồng chỉ huy nhóm đánh thẳng vào quận lỵ Vũng Liêm. Đồng chí Nguyễn Văn Nhung, Phan Ngọc Yến và Trần Văn Viên chỉ huy nhóm thứ 2 đánh chiếm đồn Trung Ngãi.
 
Mũi thứ 3 do đồng chí Hồ Chí Thiện và Phan Văn Hòa (tức Võ Văn Kiệt) đánh phá khu vực Bắc Nước Xoáy và ngăn đường chi viện của địch từ Vĩnh Long xuống. Tại Trà Ôn do đồng chí Đoàn Bá Lợi- Phó Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ trực tiếp chỉ huy, kết hợp với lực lượng Cầu Kè đánh chiếm quận lỵ Cầu Kè.
 
Sau khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, Vĩnh Long cũng như cả Nam Bộ rơi vào cảnh bị thực dân Pháp quay lại đàn áp, khủng bố, nhiều đảng viên, quần chúng ủng hộ cách mạng bị bắt bớ tra tấn dã man. Cơ sở cách mạng bị tan rã, phong trào tạm lắng xuống đợi thời cơ mới. Nam Kỳ khởi nghĩa là thực tiễn sinh động về phong trào đấu tranh cách mạng của Nhân dân, góp phần vào lý luận và những kinh nghiệm, bài học lịch sử quý báu.
 
Vĩnh Long cũng đã đạt được một số thắng lợi nhất định, công tác chuẩn bị, tổ chức bài bản, tập hợp được đông đảo các tầng lớp, giai cấp và quần chúng tham gia, tạo nên được khí thế, sức mạnh, đạt được một số mục tiêu đề ra.
 
Khách tham quan triển lãm ảnh nghệ thuật kỷ niệm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa tại Khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt. Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH
Khách tham quan triển lãm ảnh nghệ thuật kỷ niệm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa tại Khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt. Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH
Do Chi bộ Đảng đầu tiên thành lập ở Vĩnh Long từ rất sớm. Đội ngũ lãnh đạo là những nhà trí thức hoạt động có bài bản, đã từng gây dựng phong trào và có uy tín đối với Nhân dân Vĩnh Long. Đã xây dựng được tổ chức đảng cấp huyện và một số xã. Công tác binh vận tổ chức nắm lực lượng phản chiến trong lòng địch. Tổ chức được đội quân du kích có huấn luyện, có vũ khí tự tạo.
 
Bí thư Xứ ủy lúc này là đồng chí Tạ Uyên, hoạt động ở Vĩnh Long, từng là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, từng là Bí thư Liên Tỉnh ủy Cần Thơ. Đồng chí Quản Trọng Hoàng- Bí thư Liên Tỉnh ủy Cần Thơ đặt trụ sở hoạt động tại đường Lò Rèn bên dốc cầu Lầu (Phường 4, TP Vĩnh Long), đặt điểm liên lạc công khai là Nhà may Cây Kéo lớn số 82 đường Salicetty (nay là đường 30 Tháng 4, Phường 1, TP Vĩnh Long).
 
Những tư liệu lịch sử cho thấy, ý nghĩa to lớn về vai trò lãnh đạo của Đảng trong cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa ở Vĩnh Long. Địa phương đã có những công tác chuẩn bị, phân công, tổ chức, phương án hành động bài bản và đã đạt được một số thành công nhất định. Tuy nhiên, điều kiện chung là thời cơ chưa chín muồi để cuộc khởi nghĩa nổ ra ở Nam Kỳ cũng như trong cả nước.
NGỌC TRẢNG
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh