Những bài học kinh nghiệm từ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại

05:11, 06/11/2023

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: "Đi theo con đường do Lênin vĩ đại vạch ra, con đường của Cách mạng Tháng Mười, Nhân dân Việt Nam đã giành được những thắng lợi rất to lớn. Chính vì vậy mà mối tình gắn bó và lòng biết ơn của Nhân dân Việt Nam đối với Cách mạng Tháng Mười vẻ vang, đối với Lênin vĩ đại… là vô cùng sâu sắc".

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh (thứ nhất bên trái) cùng với các đại biểu dự Đại hội V của Quốc tế Cộng sản tại Thủ đô Moscow của Liên Xô vào năm 1924. Ảnh tư liệu lịch sử
Chủ tịch Hồ Chí Minh (thứ nhất bên trái) cùng với các đại biểu dự Đại hội V của Quốc tế Cộng sản tại Thủ đô Moscow của Liên Xô vào năm 1924. Ảnh tư liệu lịch sử

Trong bài “Cách mạng Tháng Mười vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc” viết cho báo Sự thật (Pravda) của Liên Xô số ra ngày 1/11/1967 nhân kỷ niệm lần thứ 50 Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định:

“Đi theo con đường do Lênin vĩ đại vạch ra, con đường của Cách mạng Tháng Mười, Nhân dân Việt Nam đã giành được những thắng lợi rất to lớn. Chính vì vậy mà mối tình gắn bó và lòng biết ơn của Nhân dân Việt Nam đối với Cách mạng Tháng Mười vẻ vang, đối với Lênin vĩ đại… là vô cùng sâu sắc”.

Về con đường cứu nước, từ chủ nghĩa yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến với ánh sáng của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã khẳng định con đường cứu nước, giải phóng dân tộc do Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm ra là đúng đắn!

Người nhấn mạnh: “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Đó là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác- Lênin ở một nước thuộc địa nửa phong kiến. Cách mạng đã đập tan xiềng xích của thực dân Pháp và phát xít Nhật, lật nhào chế độ quân chủ phong kiến thối nát trên đất nước ta, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á”.

Về chính đảng cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Kinh nghiệm bản thân của Việt Nam chứng tỏ rằng chính là nhờ Đảng của những người Bôn-sê-vích và của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại mà ở Việt Nam có một đảng mác-xít-lê-nin-nít”.

Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” (1927), Người cũng đã chỉ rõ: “Cách mạng Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mạng thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc. Phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo Mã Khắc Tư và Lênin…”. Đảng cách mạng đó được Người sáng lập ngày 3/2/1930. Đó là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Về xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền, V.I.Lênin tuyên bố: “Cần phải đuổi ra khỏi Đảng những kẻ gian giảo, những đảng viên cộng sản đã quan liêu hóa, không trung thực, nhu nhược và những người Mensêvích, tuy “bề ngoài” đã được phủ một lớp sơn mới, nhưng trong tâm hồn thì vẫn là Mensêvích”.

Tiếp thu kinh nghiệm của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh về việc xây dựng Đảng: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”.

Về phương diện xã hội, trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” (1927), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn lại lời V.I.Lênin, rằng: “Đảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết làm việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công”. Bởi vậy, Người nhận định: “Lênin dạy chúng ta: phụ nữ là một nửa xã hội. Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng cả”.

Tại một buổi nói chuyện với lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện vào ngày 18/1/1967, đánh giá về kết quả sự nghiệp giải phóng phụ nữ ở Việt Nam, Người khẳng định: “Trong hàng ngũ vẻ vang những anh hùng quân đội, anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến đều có phụ nữ. Phụ nữ tham gia ngày càng đông và càng đắc lực trong các ngành kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Thế là dưới chế độ tốt đẹp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phụ nữ đã thật sự làm chủ nước nhà”.

Tháng 5/1968, trong đoạn viết bổ sung vào Di chúc năm 1965, Người không quên nhắc tới sự nghiệp giải phóng phụ nữ: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.

V.I.Lênin đã chỉ rõ: “Theo một ý nghĩa nào đó, có thể nói rằng nhiệm vụ thật sự xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa, chính là của thanh niên”. Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc rèn luyện thanh niên Việt Nam.

Trong bài nói chuyện tại Đại hội Toàn quốc lần thứ III của Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, ngày 24/3/1961, Người nhắc nhở: “Thanh niên ta cần phải thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà và trau dồi đạo đức của người cách mạng. Đạo đức cách mạng là bất kỳ ở cương vị nào, bất kỳ làm công việc gì, đều không sợ khó, không sợ khổ, đều một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của Nhân dân, đều nhằm mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

V.I.Lênin từng kêu gọi: “Học, học nữa, học mãi”. V.I.Lênin cũng khẳng định: “Không có sách thì không có tri thức, không có tri thức thì không có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”. Bởi vậy, vào lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thường xuyên kêu gọi cán bộ và Nhân dân đọc sách để nâng cao kiến thức và lý luận cách mạng. Bản thân Người cũng là một tấm gương sáng về việc đọc sách.

Ngay khi bắt tay vào xây dựng chế độ mới, V.I.Lênin đã coi trọng việc nâng cao năng suất lao động bằng công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong “Sáng kiến vĩ đại” được viết năm 1919, V.I.Lênin nhận định: “Chủ nghĩa cộng sản có nghĩa là năng suất lao động cao hơn (so với năng suất lao động dưới chế độ tư bản) của những công nhân tự nguyện tự giác, liên hợp với nhau, sử dụng kỹ thuật hiện đại”.

V.I.Lênin cũng nêu rõ: “Chủ nghĩa cộng sản là chính quyền Xô viết cộng với điện khí hóa toàn quốc... Chỉ khi nào nước ta đã điện khí hóa, chỉ khi nào công nghiệp, nông nghiệp và vận tải đã đứng vững trên cơ sở kỹ thuật của đại công nghiệp hiện đại, thì lúc đó, chúng ta mới có thể đạt được thắng lợi hoàn toàn”.

Thắng lợi ở đây chính là sự thắng lợi của chế độ mới. Theo V.I.Lênin: “Việc đặt nền móng cho sự thực hiện kế hoạch điện khí hóa vĩ đại là cái sẽ cho phép chúng ta khôi phục nền đại công nghiệp và ngành vận tải trên một quy mô và một cơ sở kỹ thuật khiến có thể hoàn toàn và vĩnh viễn chiến thắng nạn đói kém, cảnh nghèo cùng”.

Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười là ngôi sao soi đường cho chúng tôi trong sự nghiệp xây dựng một cuộc đời hạnh phúc cho Nhân dân Việt Nam”.

Tiếp bước con đường của V.I.Lênin, Người nhận ra rằng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa để xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa cũng cần phải có nguồn điện lực dồi dào. Tính đến cuối năm 2021, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), quy mô hệ thống điện Việt Nam vươn lên đứng đầu khu vực Đông Nam Á với tổng công suất là 76.620MW. Chính nhờ nguồn năng lượng từ điện, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước ta đã có những bước đi nhanh nhưng vững chắc.

Tại Đại hội Đảng Cộng sản Nga lần thứ X (1921), V.I.Lênin đã đề ra Chính sách kinh tế mới (NEP) để thay thế Chính sách cộng sản thời chiến. “Từ nước Nga của Chính sách kinh tế mới sẽ nảy sinh nước Nga xã hội chủ nghĩa”- V.I.Lênin nhận định. Do đó, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử và toàn diện trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... Tại cột mốc năm 2020, quy mô nền kinh tế Việt Nam đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Việt Nam là 1 trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới vào năm 2021. Theo công bố của Tổng cục Thống kê, Bộ KH-ĐT cho thấy quy mô GDP của Việt Nam năm 2022 ước đạt 9,513 triệu tỷ đồng, tương đương 409 tỷ USD, GDP bình quân đầu người của nước ta năm 2022 tương đương 4.110 USD.

Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới thuộc tất cả các châu lục, trong đó, 3 nước có quan hệ đặc biệt, 18 đối tác chiến lược (5 đối tác chiến lược toàn diện, 13 đối tác toàn diện); có quan hệ kinh tế thương mại với hơn 230 nước và vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng đang là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong nhiều cơ quan quan trọng của Liên hiệp quốc.

Việt Nam hiện là một trong những Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hiệp quốc khóa 77 (nhiệm kỳ 2022-2023) đại diện cho khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Kết quả này phản ánh sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam.

  Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (1960).  Ảnh tư liệu lịch sử
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (1960). Ảnh tư liệu lịch sử

Đại hội Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra mục tiêu: Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định rằng: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”.

NGUYỄN VĂN TOÀN

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh