"Cơ bản đến hết năm nay, các mạng xã hội lớn sẽ đều có chức năng xác thực và Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thể chế hóa điều này trong một nghị định dự kiến ký trong quý 4/2023 về nội dung trên Internet", Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
“Cơ bản đến hết năm nay, các mạng xã hội lớn sẽ đều có chức năng xác thực và Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thể chế hóa điều này trong một nghị định dự kiến ký trong quý 4/2023 về nội dung trên Internet”, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Chiều 7/11, sau khi kết thúc chất vấn nhóm lĩnh vực nội chính, tư pháp, Quốc hội tiến hành hoạt động chất vấn đối với nhóm lĩnh vực: khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông.
Chính thống hóa các trang fanpage của các tổ chức, cơ quan
Chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, đại biểu Võ Thị Minh Sinh (đoàn Nghệ an) đánh giá cao nỗ lực của ngành và đồng tình với Báo cáo số 510 của Chính phủ với nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Đặc biệt, đại biểu bày tỏ tâm đắc với kết quả đột phá trong việc làm việc với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Google hay TikTok để yêu cầu các nền tảng này tuân thủ pháp luật Việt Nam, bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, cẩm nang nhận diện và xử lý thông tin giả cho người sử dụng.
Tuy nhiên, theo đại biểu, hiện nay có rất nhiều tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị đã có trang fanpage trên Facebook và có danh tính xác thực, rất có hiệu quả trong công tác tuyên truyền, tương tác với người dân nhưng chưa được cấp tài khoản có tính chính thống.
Với thực tế trên, đại biểu Võ Thị Minh Sinh đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để hỗ trợ định hướng và chính thống hóa các trang này nhằm bảo đảm an toàn, tránh rủi ro, mất kiểm soát điều hành trong khi hoạt động trang cũng như tính chịu trách nhiệm của các cái trang này đối với xã hội.
Về vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay rất nhiều cơ quan, tổ chức đều có một trang trên mạng xã hội và mong muốn trang đó có tính chính thức, thông qua sự chính thức để truyền tải đến đông đảo xã hội và thể hiện uy tín của trang.
Một số nền tảng hiện đã có sẵn chức năng xác thực, chẳng hạn như “tích xanh” của Facebook. “Khi cung cấp đầy đủ thông tin, được xác thực thì tổ chức sẽ được cấp tích xanh. Người dùng nhìn thấy tích xanh sẽ thấy được uy tín của tổ chức đó. Tuy nhiên, không phải tất cả các mạng xã hội đều có chức năng này”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, thời gian gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với một số mạng xã hội chưa có chức năng xác thực để phát triển chức năng này. Cơ bản đến hết năm nay, các nền tảng mạng xã hội lớn sẽ đều có chức năng xác thực.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thể chế hóa việc này trong một nghị định về nội dung trên Internet dự kiến sẽ ký trong quý 4/2023.
Các đại biểu Quốc hội dự phiên chất vấn chiều 7/11. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
“Ai quản lý ngoài đời thực cái gì thì quản lý cái đó trên không gian mạng”
Trả lời câu hỏi của đại biểu Tao Văn Giót (đoàn Lai Châu) liên quan đến vấn đề quảng cáo thực phẩm chức năng và thuốc sai sự thật trên không gian mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cơ bản những quảng cáo này thực hiện trên các nền tảng mạng xã hội và đặc biệt là các mạng xã hội xuyên biên giới.
Vừa qua, Việt Nam đã có cơ chế làm việc với các mạng xã hội này về việc tháo gỡ các thông tin sai sự thật, quảng cáo sai sự thật, thông tin xấu độc, đồng thời cũng đã thể chế quy định về trách nhiệm của các bên.
Hiện nay, tỷ lệ thực thi các yêu cầu của quản lý nhà nước về tháo gỡ thông tin sai sự thật trên các mạng xã hội, trong đó có cả các mạng xã hội xuyên biên giới là rất nghiêm. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải có phát hiện và báo cáo thì mới có thể tháo gỡ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, bộ, ngành, địa phương nào quản lý cái gì trong thế giới thực thì thực hiện việc quản lý đó trên không gian mạng. Nếu thực thi gặp khó khăn thì sẽ có sự hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an.
“Đây là hai bộ nòng cốt nhưng việc chính thì vẫn phải là các bộ chuyên ngành. Thí dụ như nói về thuốc, nói về thực phẩm chức năng cái nào đúng, cái nào sai, quảng cáo đúng hay sai là thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế”, Bộ trưởng nêu rõ.
Ngoài ra, hiện nay, các bộ, ngành, địa phương lên không gian mạng chưa nhiều và thường nghĩ việc quản lý trên không gian mạng là trách nhiệm riêng của Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc là của Bộ Công an. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, quan niệm này cần được thay đổi.
“Tôi nghĩ cần thay đổi nhận thức này, thế giới thực và thế giới ảo là ánh xạ 1-1, ai làm gì ở trong đời thực thì làm điều đó ở trên không gian mạng”, Bộ trưởng nói, đồng thời mong muốn các bộ, ngành, địa phương xác định trách nhiệm của mình trong thế giới thực như thế nào thì lên môi trường mạng cũng như thế.
Bộ trưởng cho biết, nếu gặp khó khăn trong quá trình thực thi việc tháo gỡ thông tin xấu độc, thông tin sai sự thật, các bộ, ngành, địa phương có thể gửi công văn đến Bộ Thông tin và Truyền thông để được hỗ trợ.
Theo VĂN TOẢN/Báo điện tử Nhân dân