Đại tướng Đoàn Khuê- nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là một chiến sĩ cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo, chỉ huy xuất sắc, có uy tín lớn của quân đội ta.
Đồng chí Đoàn Khuê (giữa), Tư lệnh kiêm Chính ủy Khu 5 làm việc với Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 2 Gia Lai- Kon Tum ở Đồn 21 dịp Tết Mậu Ngọ 1978. |
Đại tướng Đoàn Khuê- nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là một chiến sĩ cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo, chỉ huy xuất sắc, có uy tín lớn của quân đội ta.
Đồng chí không chỉ là cán bộ chính trị mẫu mực, tài năng mà còn là người lãnh đạo, chỉ huy xuất sắc, có nhiều cống hiến to lớn đối với cách mạng Việt Nam.
Người chỉ huy mưu lược, có nhiều đóng góp to lớn trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế
Năm 1939, mới 16 tuổi, đồng chí Đoàn Khuê giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng trong phong trào Thanh niên phản đế. Năm 1940, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, giam tại nhà lao Quảng Trị, rồi nhà đày Buôn Ma Thuột. 5 năm phải chịu sự giam cầm, đày ải, tra tấn tàn bạo của kẻ thù, đồng chí vẫn một lòng kiên trung, giữ vững ý chí chiến đấu của người chiến sĩ cách mạng.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Đoàn Khuê lần lượt giữ các chức vụ: Chính trị viên, Bí thư Hiệu ủy Trường Lục quân trung học Quảng Ngãi; Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy nhiều trung đoàn chủ lực.
Bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú, tác phong chỉ huy sâu sát, đồng chí đã cùng tập thể cấp ủy, chỉ huy lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các đơn vị vững mạnh, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, lập nên nhiều chiến công vang dội trên chiến trường Tây Nguyên, tiêu biểu là chiến thắng Măng Đen, Chư Đrếch (1954)...
Năm 1963, đồng chí Đoàn Khuê được Quân ủy Trung ương cử vào chiến trường miền Nam, lần lượt đảm nhiệm các chức vụ: Phó Chính ủy Quân khu 5, Phó Bí thư Quân khu ủy, Ủy viên Thường vụ Khu ủy Khu 5. Đồng chí đã cùng tập thể Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam vào thực tiễn; chỉ đạo quân và dân ta lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ.
Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, nhờ nắm chắc tình hình, đánh giá đúng tương quan lực lượng, đồng chí đã đề xuất kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị và nổi dậy của quần chúng thay cho dùng chủ lực tiến công TX Quy Nhơn (Bình Định), góp phần vào thắng lợi của quân và dân Khu 5.
Cuối năm 1974, khi bàn kế hoạch đánh địch ở đồng bằng Khu 5, trong Quân khu ủy Khu 5 có ý kiến đề nghị đánh vào phía Nam đồng bằng (Nam Quảng Ngãi, Bắc Bình Định), nơi địch yếu hơn, để bảo đảm chắc thắng, đồng chí Đoàn Khuê khẳng định chủ lực ta đủ sức giành thắng lợi ngay cả ở những nơi địch mạnh và đề xuất đánh vào khu vực phía Bắc đồng bằng (Nam Quảng Nam) để có thể tiến nhanh đến Đà Nẵng, kịp thời phối hợp với lực lượng của trên tiêu diệt vị trí này.
Thực tế, với nhận định chính xác và tầm nhìn chiến lược trong đề xuất của đồng chí Đoàn Khuê, Quân khu 5 đã nhanh chóng giải phóng khu vực rộng lớn ở phía Nam Quảng Nam, mở lối tiến nhanh đến Đà Nẵng, kịp phối hợp với lực lượng chủ lực của bộ tiêu diệt căn cứ này vào ngày 29/3/1975; góp phần vào “bước chân thần tốc” của quân và dân cả nước giải phóng miền Nam ngay trong tháng 4/1975.
Đất nước được thống nhất, trên cương vị Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu 5, Ủy viên Quân ủy Trung ương, đồng chí đã cùng tập thể Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 nghiên cứu nguồn gốc, tính chất hoạt động của lực lượng FULRO, kịp thời chuyển từ chủ trương “truy quét FULRO” thành “giải quyết vấn đề FULRO” với nhiều giải pháp đồng bộ về chính trị, quân sự, kinh tế- xã hội... góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn chiến lược Quân khu 5.
Khi tập đoàn phản động Pol Pot- Ieng Sari mở cuộc tiến công xâm lấn biên giới Tây Nam, đồng chí Đoàn Khuê cùng Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng vũ trang tăng cường lực lượng bảo vệ tuyến biên giới, đánh bại các cuộc tiến công xâm lược của địch.
Tiếp đó, chỉ huy các đơn vị chủ lực Quân khu phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu, phá vỡ hoàn toàn tuyến phòng ngự cơ bản của địch, giải phóng một số tỉnh miền Đông Campuchia, góp phần cứu giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, hồi sinh đất nước.
Từ năm 1983-1986, đồng chí giữ các chức vụ: Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh 719, Phó trưởng ban rồi Trưởng ban lãnh đạo Đoàn chuyên gia giúp bạn Campuchia kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh 719.
Đồng chí Đoàn Khuê đã chỉ đạo quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam khắc phục mọi khó khăn, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ giúp cách mạng Campuchia phát triển lực lượng vũ trang, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, góp phần vun đắp mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước Việt Nam- Campuchia.
Đóng góp quan trọng trong xây dựng lực lượng vũ trang, nòng cốt là quân đội nhân dân
Những năm đầu đất nước đổi mới, trên cơ sở nhận định mối đe dọa đối với nước ta lúc này là xung đột, xâm lấn chủ quyền biên giới đất liền, biển, đảo và bạo loạn lật đổ, gây mất ổn định an ninh chính trị nội địa, trên cương vị Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng chí Đoàn Khuê thống nhất chủ trương, đề xuất Bộ Quốc phòng và Đảng ủy Quân sự Trung ương tiến hành điều chỉnh tổ chức biên chế của quân đội theo hướng tinh, gọn, từng bước hiện đại, có cơ cấu và quân số hợp lý; thành lập, sáp nhập, giải thể nhiều cơ quan, đơn vị theo phương châm quân số thường trực giảm nhưng chất lượng được nâng cao một bước; xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân, tự vệ vững mạnh, rộng khắp, có trọng điểm.
Trong xây dựng lực lượng vũ trang, nòng cốt là quân đội nhân dân, đồng chí đặc biệt chú trọng công tác Đảng, công tác chính trị, thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng bộ quân đội trong sạch, vững mạnh; chỉ đạo toàn quân đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đồng thời đẩy mạnh huấn luyện bộ đội theo phương châm “cơ bản, thiết thực”; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Trước âm mưu “diễn biến hòa bình”, đòi phi chính trị hóa quân đội của các thế lực thù địch, đồng chí Đoàn Khuê nhấn mạnh nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội và chỉ rõ nhiệm vụ của quân đội không chỉ là bảo vệ Tổ quốc mà còn là bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; kiên quyết đấu tranh làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, phản động.
Để giải quyết đồng bộ vấn đề vũ khí, trang bị kỹ thuật cho nhiệm vụ hiện đại hóa quân đội, Đại tướng Đoàn Khuê đề xuất áp dụng thành quả, tiến bộ về khoa học kỹ thuật của công cuộc đổi mới vào xây dựng quân đội và cơ sở hạ tầng của nền quốc phòng toàn dân.
Từ quan điểm này, Bộ trưởng Đoàn Khuê chỉ đạo đẩy mạnh đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học trình độ trên ĐH ở các nhà trường, học viện trong quân đội và mở rộng, phát triển các công ty, binh đoàn làm kinh tế. Trong đó, đáng chú ý là việc thúc đẩy thành lập Công ty Điện tử viễn thông quân đội (1995), nay là Tập đoàn Công nghiệp- Viễn thông quân đội (Viettel).
Tham mưu và chỉ đạo thực hiện xuất sắc nhiệm vụ quân sự, quốc phòng bảo vệ Tổ quốc những năm đầu đổi mới
Từ giữa thập kỷ 80, nhất là từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô lâm vào khủng hoảng, tan rã. Ở trong nước, công cuộc đổi mới bắt đầu trong bối cảnh tình hình kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại gặp muôn vàn khó khăn.
Đứng trước những thời cơ, thách thức mang tính bước ngoặt đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với tầm nhìn chiến lược, tư duy chính trị- quân sự sắc sảo, đồng chí Đoàn Khuê đã góp phần quan trọng vào việc đánh giá tình hình thế giới, khu vực và trong nước, đề xuất, tham mưu với Đảng, Nhà nước về kế sách giữ nước một cách toàn diện, đồng bộ, đồng thời trực tiếp chỉ đạo thực hiện xuất sắc những quyết sách đó.
Trên phương diện lý luận, Đại tướng Đoàn Khuê đã đưa ra những quan điểm mới, chính xác trong nhận định tình hình, đánh giá bạn- thù, nhận diện rõ đối tượng, đối tác; nhạy bén phát hiện được âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, phản động, những nguy cơ tiềm ẩn, đe dọa đến an ninh quốc gia; xác lập những quan điểm, nhiệm vụ cơ bản của quân đội, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong điều kiện mới; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng...
Trong củng cố quốc phòng, đồng chí nhấn mạnh tập trung xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố. Khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố cùng các binh đoàn chủ lực cơ động là nền tảng của quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.
Xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố trước tiên cần giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, hoàn thiện cơ chế quản lý của Nhà nước, thể chế hóa các chế độ, chính sách về quân sự, quốc phòng.
Đồng chí cũng chỉ ra rằng, để có khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững mạnh cần có xã vững mạnh, huyện vững mạnh, tỉnh/thành phố vững mạnh; chú trọng xây dựng thế trận lòng dân, xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, trong đó, xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ vững mạnh, rộng khắp nhằm chủ động, nhanh chóng ứng phó kịp thời các tình huống xảy ra.
Trên phương diện chỉ đạo thực tiễn, song song với điều chỉnh tổ chức biên chế, quy mô quân đội, giảm quân số thường trực, Đại tướng Đoàn Khuê chỉ đạo bố trí lại lực lượng bảo đảm khả năng phòng thủ trên phạm vi cả nước, nhất là trên các địa bàn chiến lược, vùng biển, đảo; xây dựng các sư đoàn bộ binh thành các sư đoàn bộ binh cơ giới, có khả năng cơ động cao, chiến đấu trên các địa hình, thời tiết phức tạp...
Là người lãnh đạo chịu trách nhiệm chính trên lĩnh vực quân sự, quốc phòng, vừa là đại biểu Quốc hội, Đại tướng Đoàn Khuê luôn chú trọng, xây dựng hoàn thiện cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ; từng bước cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành các chương trình, kế hoạch, chế độ, chính sách, pháp luật về quân sự, quốc phòng; đề xuất nhiều biện pháp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững mạnh; tham mưu và trực tiếp chỉ đạo xử lý linh hoạt, kịp thời, thắng lợi các tình huống, không để bị động, bất ngờ. Đồng thời, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của quân đội và đất nước trên trường quốc tế...
Thiếu tướng, TS NGUYỄN HOÀNG NHIÊN-
Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự