Cần quy định việc cấm đối với hành vi chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội

08:11, 23/11/2023

Ngày 23/11, trong phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi), đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long cho rằng, dự thảo luật lần này có nhiều sửa đổi, bổ sung bước đầu được đông đảo Nhân dân và người lao động hoan nghênh, đồng tình; tuy nhiên cũng có một vấn đề cần quan tâm xem xét cho phù hợp hơn.  

(VLO) Ngày 23/11, trong phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi), đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long cho rằng, dự thảo luật lần này có nhiều sửa đổi, bổ sung bước đầu được đông đảo Nhân dân và người lao động hoan nghênh, đồng tình; tuy nhiên cũng có một vấn đề cần quan tâm xem xét cho phù hợp hơn.  

* Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang – Cần quy định việc cấm đối với hành vi chiếm dụng tiền đóng BHXH

Tôi tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật BHXH với các lý do đã nêu trong tờ trình của Chính phủ. Có thể nói đa số những điểm mới, dự kiến bổ sung bước đầu được đông đảo Nhân dân và người lao động hoan nghênh, đồng tình. Tham gia góp ý dự thảo luật, tôi có một số ý kiến cụ thể như sau:

Hành vi bị nghiêm cấm (Điều 8), dự thảo luật chỉ quy định hành vi bị nghiêm cấm là “Chiếm dụng tiền hưởng BHXH”.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại một số đơn vị sử dụng lao động việc các đơn vị chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT nhưng vẫn trích trừ tiền đóng của người lao động hàng tháng khi trả lương diễn ra khá phổ biến, cho thấy cần thiết phải quy định việc cấm đối với hành vi chiếm dụng tiền đóng BHXH tại Luật BHXH để làm tiền đề quy định và xử lý vi phạm đối với hành vi này.

Về những quy định hưởng BHXH một lần (điều 70 và điều 102), Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt ra yêu cầu: “Có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần”.

Dự thảo Luật BHXH lần này đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần.

Nhưng đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động và vấn đề đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là tác động rất lớn đến tâm lý xã hội, người lao động và trên thực tế đã xảy ra tình trạng phản ứng chính sách làm gia tăng số người rút BHXH một lần trong thời gian qua và dự báo sẽ tăng thêm trong thời gian tới trước khi luật ban hành chính thức.

Nguyên nhân chính của tình trạng rút BHXH một lần, được người lao động đề cập là do họ không có việc làm, không có nguồn tiết kiệm để bù đắp khi mất việc làm và một phần cũng có lo ngại vào sự ổn định của chính sách BHXH.

Trên thực tế, khi số người hưởng BHXH một lần gia tăng là đồng nghĩa với mức độ bao phủ của hệ thống BHXH bị thu hẹp, thu hẹp cả về số người tham gia BHXH và số người hưởng lương hưu, cũng đồng nghĩa giảm tính bền vững của trụ cột an sinh xã hội.

Vấn đề này hiện nay chính phủ trình Quốc hội 2 phương án, cơ quan chủ trì thẩm tra cũng phân tích ưu, nhược điểm của từng phương án nhưng các đơn vị vẫn chưa nghiên chọn phương án nào, trong khi dư luận xã hội thì có nhiều ý kiến khác nhau.

Do đó, để đảm bảo quyền lợi của người lao động và sự ổn định, bền vững của hệ thống an sinh xã hội thì cần phải cân nhắc ưu, nhược điểm của từng phướng án để đưa ra phương án tối ưu nhất, với các phương thức linh hoạt hơn, rộng mở hơn để người lao động tùy vào điều kiện, hoàn cảnh của mình mà có thể lựa chọn phương thức phù hợp và có cơ chế khuyến khích để người lao động tái tham gia BHXH khi có điều kiện.

Mức hưởng trợ cấp thai sản đối với đối tượng người lao động tham gia BHXH tự nguyện (khoản 1, điều 94). Tôi cho rằng việc bổ sung quy định “Lao động nữ khi sinh con, lao động nam có vợ sinh con được hưởng 2 triệu đồng cho một con mới sinh” thể hiện tính nhân văn sâu sắc của chính sách an sinh xã hội.

Song, theo nhìn nhận của nhiều cử tri là lao động nữ thì mức trợ cấp này còn thấp so với mức sống hiện nay, chưa đủ để thay thế thu nhập cho phụ nữ trong thời kỳ thai sản, không đủ sức thu hút người  lao động, nhất là lao động nữ trong độ tuổi sinh đẻ tham gia BHXH tự nguyện.

Vả lại, việc quy định mức trợ cấp bằng  số tiền cụ thể như trong dự thảo sẽ nảy sinh nhiều bất cập, không đảm bảo tính ổn định lâu dài của Luật trong điều kiện bối cảnh kinh tế - xã hội biến đổi nhanh chóng.

Do đó, đề nghị nên cân nhắc quy định mức trợ cấp thai sản bằng hệ số gắn với mức lương cơ sở sẽ phù hợp hơn và nếu có thể thì quy định tương đương với mức hưởng của đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì sẽ đáp ứng tốt hơn đời sống của đông đảo lao động nữ đang tham gia BHXH tự nguyện.

Các quỹ thành phần của quỹ BHXH (Điều 116). Hiện nay dự thảo chỉ quy định các quỹ thành phần của quỹ BHXH mà không có quy định thứ tự hạch toán số thu tiền đóng vào các quỹ thành phần của quỹ BHXH.

Do đó, để đảm bảo giải quyết chế độ, chính sách BHXH cho người lao động theo đúng quá trình đóng BHXH, không phụ thuộc vào người sử dụng lao động (nhất là trong trường hợp doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ sử dụng lao động bỏ trốn, mất tích, đóng BHXH không đầy đủ theo quy định, …), cần thiết bổ sung quy định về thứ tự hạch toán vào các quỹ thành phần của quỹ BHXH.

Đồng thời bổ sung Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là một quỹ thành phần của quỹ BHXH và có thể “giao Chính phủ quy định thứ tự hạch toán, phân bổ tiền đóng BHXH và tiền lãi chậm đóng BHXH vào các quỹ thành phần của quỹ BHXH trong trường hợp người sử dụng lao động đóng BHXH không kịp thời”.

* Đại biểu Trịnh Minh Bình- cho phép người lao động được rút BHXH 1 lần trong 1 số trường hợp cấp thiết

Trước hết tôi nhất trí cao với quy định bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng theo Nghị quyết số 28 để tiến dần tới mục tiêu là mọi công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng và trợ cấp xã hội hàng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện tại Điều 3 tôi thống nhất cao, tuy nhiên đề nghị bổ sung thêm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện là chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh không thuộc diện phải đăng ký kinh doanh, vì hiện tại dự thảo chỉ quy định cho đối tượng là chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh, nhằm đảm bảo sự công bằng bình đẳng giữa các cá nhân kinh doanh đều được tham gia BHXH tự nguyện, BHTN; cũng như bổ sung thêm đối tượng là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.

Về quy định việc giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm để nhằm gia tăng số người được hưởng lương hưu là phù hợp với nguyên vọng của đa số cử tri.

Vì Nghị quyết số 28-NQ/TW có nêu: “Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH”.

Ngoài ra, tôi cho rằng quy định này cũng nhằm để giảm số người hưởng BHXH một lần đã xảy ra trong thời gian qua.

Về quy định hưởng BHXH một lần, dự thảo đưa ra 2 phương án, mỗi phương án đều có tính ưu việt và mục đích cuối cùng là cũng để đảm bảo cho người lao động được hưởng các quyền và nghĩa vụ tốt nhất.

Tôi đồng tình với phương án án 2, tuy nhiên đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định thêm là cho phép người lao động được rút BHXH 1 lần trong 1 số trường hợp cấp thiết như dùng tiền đó để chữa bệnh, sinh con, nuôi cha mẹ đang bị bệnh…. trên cơ sở xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 

Quy định mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 540.000 đồng ở điều 59, Quy định Mức hưởng trợ cấp thai sản đối với BHXH tự nguyện “Lao động nữ khi sinh con, lao động nam có vợ sinh con được hưởng 2.000.000 đồng cho một con mới sinh” tôi cho rằng quy định này là không phù hợp trong điều kiện kinh tế - xã hội phát triển trong 5-7 năm tới.

Đề nghị nên quy định 1 hệ số K nào đó để khi có sự thay đổi thì người lao động sẽ không bị thiệt thòi và không cần sửa đổi luật.

Đối với quy định: “Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia BHXH đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 2 Điều 93 của luật này thì chỉ cha hoặc mẹ được hưởng chế độ theo quy định tại khoản 1 điều này”.

Tôi cho rằng quy định như trên sẽ không thu hút được người lao động tham gia BHXH tự nguyện trong thời gian tới, chưa đảm bảo nguyên tác có đóng có hưởng.

Đề nghị quy định lại là “Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia BHXH đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 2 Điều 93 của luật này thì mẹ được hưởng chế độ theo quy định tại khoản 1 Điều này, người cha được hưởng bằng ½ suất của người mẹ”.

B.THANH- Đ.THI  

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh