Cần mở rộng đối tượng được tòa án hỗ trợ thu thập chứng cứ

05:11, 23/11/2023

Trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức tòa án Nhân dân (sửa đổi), đại biểu Trịnh Minh Bình (tỉnh Vĩnh Long) đã có ý kiến đóng góp.

(VLO) Trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức tòa án Nhân dân (sửa đổi), đại biểu Trịnh Minh Bình (tỉnh Vĩnh Long) đã có ý kiến đóng góp.

Đại biểu Trịnh Minh Bình
Đại biểu Trịnh Minh Bình

Theo đó, về nội dung Tòa án thực hiện quyền tư pháp (khoản 1 Điều 3), đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để quy định đầy đủ, cụ thể nội dung Tòa án thực hiện quyền tư pháp; làm rõ đặc trưng quyền tư pháp; quy định rành mạch về chức năng, nhiệm vụ của Tòa án và Nghị quyết 27 cũng không quy định về nội dung Tòa án thực hiện quyền tư pháp.

Và theo quy định của Hiến pháp năm 2013 thì quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Không có văn bản nào quy định: chỉ duy nhất Tòa án thực hiện quyền tư pháp và nội hàm quyền tư pháp chưa rõ; những quy định tại Điều 2, Điều 3 chỉ là một bộ phận của hoạt động tư pháp; nhiều cơ quan cũng thực hiện quyền tư pháp như Viện kiểm sát, cơ quan điều tra,... 

Về thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử (Điều 15), đối với quy định Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ; nếu đương sự là người yếu thế trong xã hội thì Tòa án hỗ trợ đương sự thu thập chứng cứ.

Đề nghị làm rõ người yếu thế; người yếu thế trong dự thảo luật này có khác với các đối tượng được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý hay không.

Đề nghị nghiên cứu mở rộng đối tượng cần được Tòa án hỗ trợ thu thập chứng cứ trong điều kiện trình độ dân trí nước ta như hiện nay, cần quy định cụ thể trách nhiệm, chế tài đối với các cơ quan có liên quan trong việc cung cấp các thông tin, tài liệu khi các bên đương sự có yêu cầu liên quan trong hoạt động xét xử.

Đề nghị cần quy định nội dung Tòa án có nghĩa vụ thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử, do trong 1 số trường hợp, nếu Tòa án không thu thập chứng cứ thì không đủ cơ sở để xác định sự thật khách quan.

Đối với vụ việc dân sự, vụ án hành chính, và có những chứng cứ mà ngoài Toà án thì đương sự không thể tiếp cận được như một số đại biểu đã phân tích và sẽ dẫn đến kiện tụng tranh chấp kéo dài, vượt cấp, làm ảnh hưởng đến quyền và lợin ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân

Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử (điểm đ khoản 2 Điều 3 và Điều 30), nội dung này còn nhiều đại biểu băn khoăn.

Đối với quy định thẩm quyền giải thích áp dụng pháp luật thì tại khoản 2 Điều 74 Hiến pháp năm 2013 thì việc “giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh” là nhiệm vụ, quyền hạn của ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Do đó đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo quy định rõ trong dự thảo là việc giải thích áp dụng pháp luật chỉ là giải thích, làm rõ đối với nội dung bản án chứ không phải việc giải thích Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh như đối với nhiệm vụ, quyền hạn của ủy ban Thường vụ Quốc, để có cách hiểu thống nhất khi triển khai trong thực tế.

Đối với quy định Toà án quyết định những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của luật.

Tôi cho rằng, quyền con người, quyền công dân là quyền hiến định. Tòa án chỉ quyết định những vấn đề về quyền con người, quyền công dân trên cơ sở những đạo luật đã ban hành và nội hàm của quy định này cũng còn rất rộng, cần giới hoặc làm rõ nội dung những vấn đề liên quan đến thẩm quyền xét xử của Tòa án và cũng cần làm rõ phạm vi, nội dung những vấn đề liên quan đến quyền con người.  

Về việc đổi mới (đổi tên) Tòa án nhân dân (TAND) cấp tỉnh, TAND cấp huyện theo thẩm quyền xét xử (khoản 1 Điều 4). Tôi thống nhất với ý kiến việc đổi tên từ TAND tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm nhưng không thay đổi chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, thẩm quyền theo địa lý là chưa hợp lý.

Đồng thời, việc đổi tên sẽ dẫn tới phát sinh nhiều chi phí trong công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để cán bộ công chức, người dân biết, thực hiện và việc đổi tên dẫn đến chưa tương thích với các cơ quan khác như Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra cùng cấp, ... 

Về tổ chức bộ máy của Tòa án, thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt, tôi còn băng khoăn về nội dung này do: việc thành lập Tòa án chuyên biệt có dẫn tới việc làm tăng bộ máy hay không; cần làm rõ Tòa án chuyên biệt có gì khác Tòa án chuyên trách hiện nay hay không?

Đề nghị làm rõ: thành lập bao nhiêu Tòa án chuyên biệt, tại những địa hạt pháp lý nào; vấn đề trụ sở, vấn đề tổ chức, biên chế, thẩm phán, việc bầu Hội thẩm nhân dân, quan hệ với các cơ quan tố tụng địa phương, quan hệ với cấp ủy, HĐND địa phương; Tòa án này tương đương với Tòa án cấp nào; Tòa án nào xem xét kháng cáo, kháng nghị của bản án của Tòa án chuyên biệt; vấn đề thi hành án đối với bản án của Tòa án chuyên biệt;...

Về Thẩm phán TAND. Tuổi bổ nhiệm Thẩm phán (khoản 2 Điều 95): Tôi không đồng ý với dự thảo Luật về tuổi bổ nhiệm Thẩm phán từ 28 tuổi và 45 tuổi đối với Thẩm phán TANDTC, vì sẽ thu hẹp điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán bởi vì có trường hợp tốt nghiệp đại học sớm hơn và làm việc tốt nên không nhất thiết phải yêu cầu cứng nhắc độ tuổi.

Do vậy đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ để quy định cho phù hợp, nâng cao chất lượng Thẩm phán vì Thẩm phán không chỉ có kinh nghiệm mà cần phải được đào tạo bài bản, chuẩn hoá và phải có kiến thức pháp luật chuyên sâu.  

Về Hội thẩm nhân dân. Hội thẩm nhân dân là thành phần rất quan trọng trong hoạt động xét xử. Hội thẩm nhân dân là người đại diện cho nhân dân tham gia phiên tòa để giám sát hoạt động xét xử của Tòa án, đồng thời góp phần bảo đảm việc xét xử đúng đường lối, chính sách và pháp luật, nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Do đó đề nghị quy định rõ ràng về tiêu chuẩn Hội thẩm (đạo đức, kiến thức, năng lực, trình độ, khả năng xem xét hồ sơ, đánh giá chứng cứ...), cần quy định tiêu chuẩn rõ ràng về kiến thức pháp luật nhằm nâng cao trình độ chuyên môn của Hội thẩm.

Cần quy định rõ về thẩm quyền, trách nhiệm, chế độ, quyền lợi của Hội thẩm; quy định để bảo đảm tính độc lập của Hội thẩm trong quá trình xét xử.

B.THANH- Đ.THI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh