Cần có quy định, quy chuẩn chung về hạ tầng kỹ thuật khi đầu tư xây dựng

06:11, 24/11/2023

Ngày 24/11, trong phiên thảo thảo luận về dự án Luật Đường bộ, đại biểu tỉnh Vĩnh Long đề nghị cần có quy định, quy chuẩn chung về hạ tầng kỹ thuật khi đầu tư xây dựng, sửa chữa đảm bảo đồng bộ, tạo mỹ quan, tránh tình trạng các đơn vị thi công riêng lẻ như thời gian vừa qua. 

(VLO) Ngày 24/11, trong phiên thảo thảo luận về dự án Luật Đường bộ, đại biểu tỉnh Vĩnh Long đề nghị cần có quy định, quy chuẩn chung về hạ tầng kỹ thuật khi đầu tư xây dựng, sửa chữa đảm bảo đồng bộ, tạo mỹ quan, tránh tình trạng các đơn vị thi công riêng lẻ như thời gian vừa qua. Ngoài ra, cần có quy định cụ thể về chiều rộng phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ, đất hành lang an toàn giao thông đường bộ tính theo cấp đường.

* Đại biểu Trịnh Minh Bình -  cần có quy định, quy chuẩn chung về hạ tầng kỹ thuật khi đầu tư xây dựng  

Để góp phần vào hoàn thiện dự thảo, tôi xin có một số ý kiến đóng góp trực tiếp cụ thể như sau:

Thứ nhất, đối với phạm vi điều chỉnh, đề nghị cần làm rõ các khái niệm về hoạt động đường bộ, do trong dự thảo có đến 24 khái niệm, 16 khái niệm đường chuyên dùng để có cách hiểu thống nhất và thực hiện đúng theo quy định pháp luật.

Thứ hai, quy định các hành vi nghiêm cấm, đề nghị bổ sung thêm hành vi cấm “điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch cơ cấu hạ tầng giao thông đường bộ (GTĐB) trái với quy định pháp luật nhằm đảm bảo tính nghiêm minh trong hoạt động thực thi các loại quy hoạch này”.

Thứ ba, quy định tại khoản 2 Điều 13 dự thảo có ghi là “đường đô thị gồm đường phố, đường cao tốc đô thị, đường ngõ, ngách trong đô thị…”, đề nghị bổ sung thêm từ “hẻm” sau từ “ngách”, bởi vì do miền Bắc gọi là “ngách”, nhưng ở miền Nam gọi là “hẻm”. Do đó, cần bổ sung trong dự thảo để mang tính bao quát và đầy đủ hơn.

Thứ tư, đối với xây dựng, khai thác công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ tại Điều 24.

Đề nghị cần có quy định, quy chuẩn chung về hạ tầng kỹ thuật để khi đầu tư xây dựng, sửa chữa đảm bảo đồng bộ, tạo mỹ quan, tránh tình trạng các đơn vị thi công riêng lẻ như thời gian vừa qua, tới ngành nào thì ngành đó thi công, gây tốn kém chi phí, lãng phí rất lớn cho đầu tư.

Thứ năm, đối với nội dung lắp đặt biển báo đường bộ tại Điều 26. Đề nghị bổ sung thêm một khoản quy định thẩm quyền lắp đặt biển báo để đảm bảo các tuyến đường cấp nào thì do cấp đó lắp đặt theo quy định để phục vụ giao thông và đảm bảo an toàn.

Thứ sáu, về kết nối GTĐB tại Điều 34. Đề nghị cơ quan soạn thảo căn cứ vào Chỉ thị 23, trên cơ sở đó quy định cụ thể việc kết nối có hiệu quả các loại hình GTĐB, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển, đường hàng không để giảm áp lực cho GTĐB và khai thác phát huy tối đa hiệu quả các loại hình giao thông của cả nước.

Thứ bảy, đề nghị quy định rõ hơn việc phân cấp, phân quyền đối với quản lý đường bộ, quy định cụ thể hơn trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan trong quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ để có điều kiện thuận lợi cho các ngành trong việc chủ động tham mưu, phối hợp trong công tác thực hiện có hiệu quả hoạt động đường bộ.

Thứ tám, đối với nội dung nguồn tài chính để đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ. Cụ thể là tại điểm a khoản 2 Điều 45 có quy định “nguồn thu từ phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ”.

Tôi cho rằng đây là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều người dân trong xã hội, do đó cần có sự đánh giá tác động một cách đầy đủ sự cần thiết của cơ sở thực tiễn trong việc quy định loại phí này.

Thứ chín, đối với yếu tố mở rộng, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa đường cao tốc. Tại điểm a khoản 1 Điều 51 có quy định “lưu lượng phương tiện tham gia giao thông vượt quá dự báo yêu cầu đáp ứng nhu cầu vận tải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an toàn giao thông”.

Tôi cho rằng cụm từ “vượt quá dự báo” là chưa cụ thể và sẽ dẫn đến cách hiểu tùy nghi. Nếu sau này có trường hợp đề nghị mở rộng, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa đường cao tốc sẽ gặp khó khăn hoặc có thể bị từ chối do quy định chưa vượt quá dự báo. Vì vậy đề nghị cần cân nhắc nội dung này để có cách hiểu thống nhất và không gặp khó khăn sau này.

Thứ mười, đối với nhiệm vụ được giao cho UBND cấp tỉnh. Trong dự thảo có đến 18 nội dung giao cho UBND cấp tỉnh trong việc tổ chức quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì, đầu tư, xây dựng…

Đề nghị cần rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng các nhiệm vụ này để tránh trường hợp chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa UBND cấp tỉnh với Bộ GT-VT làm sao để đảm bảo triển khai thông suốt, hiệu quả trên thực tế.

* Đại biểu Nguyễn Thanh Phong- cần có quy định cụ thể về đất hành lang an toàn giao thông đường bộ

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, không đáp ứng được yêu cầu trong công tác quản lý, nhất là trước sự phát triển của hạ tầng giao thông, sự gia tăng nhanh chóng của số lượng phương tiện...

Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Đường bộ để thay thế Luật Giao thông đường bộ hiện hành là phù hợp với tình hình hiện nay.

Qua nghiên cứu Dự thảo Luật tôi có ý kiến như sau:

Tại Điều 9 cần bổ sung: Thứ nhất: Đào, khoan, xẻ đường trái phép; đặt, để các chướng ngại vật trái phép trên đường, mở đường trái phép; lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép hoặc làm sai lệch công trình bản hiệu đường bộ.

Thứ hai: Điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng GTĐB trái với quy định của pháp luật, nhằm bảo đảm tính nghiêm minh trong thực hiện các loại quy hoạch này, tránh điều chỉnh vô căn cứ dẫn đến phá vỡ các loại quy hoạch rất quan trọng trong lĩnh vực GTĐB.

Tại Điều 31 đề nghị bổ sung: Hình thức công bố công khai tải trọng, khổ quá hạn; Quyết định công bố, bản hiệu.

Tại điều 32 đề nghị nghiên cứu các chính sách đặc thù trong các nghị quyết của Quốc hội về đầu tư, xây dựng các công trình giao thông nhất là chính sách đầu tư đường bộ cao tốc tạo cơ chế đầu tư phù hợp, đa dạng để thu hút, khuyến khích đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống GTĐB; ưu tiên cho một số khu vực, một số địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế, có tỷ trọng đóng góp ngân sách nhà nước lớn, một số khu vực, địa phương có điều kiện khó khăn về kinh tế - xã hội để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển ở các khu vực, địa phương này. 

Ngoài ra, kiến nghị cần có quy định cụ thể về chiều rộng phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ, đất hành lang an toàn giao thông đường bộ tính theo cấp đường; xem xét, làm rõ đường trục chính nội đồng thuộc loại đường nào...

Song song đó, cần các biện pháp tổ chức, chỉ huy, điều khiển; tổ chức thi công, lắp đặt, xây dựng hệ thống công trình báo hiệu giao thông theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định pháp luật, nhằm đảm bảo nâng cao hiệu quả công tác chỉ huy, điều khiển giao thông, hạn chế tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, phát huy vai trò của lực lượng công an nhân dân các cấp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.

B.THANH- Đ.THI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh