Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa có báo cáo bổ sung, làm rõ một số vấn đề về thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn, thuộc lĩnh vực nội vụ, trong đó có vấn đề về chính sách tiền lương.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa có báo cáo bổ sung, làm rõ một số vấn đề về thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn, thuộc lĩnh vực nội vụ, trong đó có vấn đề về chính sách tiền lương.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà |
Thuận lợi và khó khăn khi thực hiện cải cách tiền lương
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, Chính phủ đã báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ để báo cáo Ban Chấp hành Trung ương, báo cáo Quốc hội về kết quả và lộ trình cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Từ ngày 01/7/2023, đã tăng mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng (tương ứng tăng 20,8%).
Đề cập thuận lợi khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương, bà Phạm Thị Thanh Trà cho biết đã bố trí đủ nguồn ngân sáchđể triển khai đồng bộ cả 6 nội dung của chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW; đồng thời đảm bảo mức lương thấp nhất của khu vực công bằng mức lương thấp nhất bình quân vùng của khu vực doanh nghiệp; đời sống của người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước được cải thiện
Hạn chế tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc hoặc chuyển việc từ khu vực công sang khu vực tư; tạo động lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Đặc biệt từ khi thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương Sáu khóa XII và Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị đến nay tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở Trung ương đã giảm 17 Tổng cục và tổ chức tương đương; giảm 08 Cục và 145 Vụ/Ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; ở địa phương giảm được 07 sở, 06 tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh; 2.572 tổ chức cấp phòng và tương đương; giảm 7.732 đơn vị sự nghiệp công lập; giảm 08 ĐVHC cấp huyện, 563 ĐVHC cấp xã.
Đồng thời biên chế công chức giảm 10,01%, biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước giảm 11,67% là cơ sở tạo nguồn để thực hiện cải cách chính sách tiền lương.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng thẳn thắn chỉ ra những khó khăn. Theo đó, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương Bảy khóa XII đã xác định cải cách chính sách tiền lương từ năm 2021.
Tuy nhiên, do bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam có nhiều khó khăn, đặc biệt là chịu tác động năng nề của đại dịch Covid-19 dẫn đến khó khăn trong việc bố trí nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách cải cách tiền lương.
Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị “là giải pháp căn bản mang tính tiền đề để thực hiện cải cách tiền lương” làm cơ sở xây dựng bảng lương mới vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.
Bên cạnh đó, việc “thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII và các Đề án đổi mới, cải cách trong các ngành, lĩnh vực có liên quan là công việc rất quan trọng để cải cách đồng bộ chính sách tiền lương”.
Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế như: Một số văn bản quy phạm pháp để thể chế các Nghị quyết của Trung ương liên quan đến cải cách tiền lương thực hiện còn chậm.
Hướng dẫn thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập chưa kịp thời và chưa đồng bộ. Việc đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước chưa đạt yêu cầu đề ra.
“Ngoài ra, việc thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới đối với người giữ chức vụ lãnh đạo phức tạp do ở nhiều bậc lương cũ, ngạch, chức danh nghề nghiệp khác nhau xếp vào một mức lương chức vụ mới... dẫn đến có người cao hơn, có người thấp hơn (phải bảo lưu chênh lệch để bằng mức hiện hưởng)” – bà Phạm Thị Thanh Trà thông tin.
5 giải pháp chủ yếu
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng nêu 5 giải pháp chủ yếu để thực hiện cải cách chính sách tiền lương đồng bộ, kịp thời vào thời điểm từ ngày 01/7/2024.
Một là trình cấp có thẩm quyền thông qua danh mục vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã.
Hai là, tập trung triển khai Nghị quyết của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV về cải cách chính sách tiền lương ngay sau khi được Quốc hội thông qua.
Ba là, thực hiện các giải pháp tài chính để tạo nguồn bảo đảm thực hiện cải cách chính sách tiền lương bền vững; xây dựng quy định về cơ chế quản lý tiền lương mới của khu vực công trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bốn là, tiếp tục thực hiện việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và giảm số lượng người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo làm cơ sở để thực hiện chế độ tiền lương mới.
Năm là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo đồng thuận xã hội, các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị về cải cách chính sách tiền lương; đặc biệt tránh lợi dụng tăng lương để tăng giá làm mất cân đối thị trường.
Trong năm 2014, sau khi cấp có thẩm quyền thông qua lộ trình cải cách chính sách tiền lương và các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới, Bộ Nội vụ tham mưu ban hành Nghị định về chế độ tiền lương mới đối với đối tượng thuộc thẩm quyền của Chính phủ; đồng thời phối hợp trình Ban Bí thư ban hành Quyết định về chế độ tiền lương mới đối với khu vực Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về chế độ tiền lương mới đối với đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Nam Sơn/VOV.VN