Đại biểu Quốc hội đề nghị áp dụng thủ tục rút gọn để sửa đổi, bổ sung khi phát hiện nội dung bất cập, vướng mắc trong văn bản pháp luật; đồng thời làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân.
Đại biểu Quốc hội đề nghị áp dụng thủ tục rút gọn để sửa đổi, bổ sung khi phát hiện nội dung bất cập, vướng mắc trong văn bản pháp luật; đồng thời làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân.
Quốc hội cần tiếp tục yêu cầu rà soát
Thảo luận trên hội trường chiều 31/10, tại Kỳ họp thứ 6, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa - Ủy viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội đánh giá cao kết quả rà soát hệ thống pháp luật mà Chính phủ và Tổ công tác của Quốc hội đã thực hiện.
Đây là một việc rất lớn, rất khó, có thể coi là một đợt tổng rà soát văn bản theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và chỉ trong một thời gian ngắn, các cơ quan, bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa |
Bà cũng nhất trí với báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật, nhất là những nguyên tắc được đề ra như việc đánh giá phải thận trọng, kỹ lưỡng; việc rà soát phải bảo đảm khách quan; và kiến nghị sửa đổi phải thích đáng, thận trọng, hạn chế đề xuất một luật sửa nhiều luật.
“Trên cơ sở kết quả theo dõi, giám sát về lĩnh vực phụ trách, các cơ quan của Quốc hội đã có ý kiến đánh giá về kết quả rà soát và bổ sung một số nội dung để Chính phủ và các bộ ngành nghiên cứu, sửa đổi” – bà Mai Thoa nói và đồng tình Quốc hội tiếp tục quy định nội dung này vào Nghị quyết kỳ họp thứ 6.
Nhấn mạnh một số nội dung cần quan tâm, bà Nguyễn Thị Mai Thoa cho rằng, hoạt động rà soát văn bản phải được tiến hành thường xuyên theo đúng quy định để lấy dữ liệu đầu vào cho công tác tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Trong đó, sử dụng có hiệu quả kết quả pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật để hỗ trợ cho hoạt động rà soát thường xuyên. Hiện nay, theo số liệu trên cổng thông tin điện tử pháp điển của Bộ Tư pháp, Bộ pháp điển Việt Nam đã hoàn thành 267/271 đề mục, và bên cạnh mục đích là để phục vụ việc tra cứu, áp dụng, thì pháp điển hoá hệ thống quy phạm pháp luật còn nhằm mục đích để phát hiện ra những chồng chéo, mâu thuẫn của các quy phạm pháp luật ở các văn bản khác nhau cùng quy định về một nội dung.
“Đây là nguồn tư liệu rất quan trọng, làm cho việc rà soát thường xuyên của các cơ quan, địa phương dễ dàng, thuận lợi hơn rất nhiều trong điều kiện nhân lực có hạn” – nữ đại biểu nói.
Bên cạnh đó, đại biểu lưu ý củng cố lực lượng pháp chế để thực hiện công tác xây dựng pháp luật nói chung và công tác rà soát thường xuyên theo quy định, cần có những điều chỉnh về số lượng biên chế, tiêu chuẩn tuyển chọn, việc áp dụng chính sách thu hút nhân tài và đãi ngộ một cách xứng đáng hơn.
Ngoài ra, cần tăng cường thực hiện quy trình rút gọn trong xây dựng pháp luật hoặc xây dựng quy trình đặc biệt để nhanh chóng giải quyết các vấn đề phát hiện sau rà soát văn bản và có sự thống nhất của các cơ quan liên quan.
“Đối với những nội dung phát hiện qua rà soát là có vướng mắc, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp thì cần xác định là trường hợp cấp bách và áp dụng thủ tục rút gọn hoặc thủ tục đặc biệt khi sửa đổi, bổ sung”, theo bà Nguyễn Thị Mai Thoa.
Cần xác định rõ trách nhiệm
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang cũng đánh giá cao kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, từ đó tập trung chỉ đạo, quyết liệt tổ chức thực hiện và đạt được kết quả đáng ghi nhận.
Đại biểu cho biết, kết quả rà soát đã được Chính phủ tổng hợp trong Báo cáo số 587 và 26 Phụ lục kèm theo, đã đánh giá được quá trình tổ chức thực hiện, kết quả rà soát chung và kết quả cụ thể trên từng lĩnh vực. Đồng thời đã chỉ ra tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề ra các kiến nghị, đề xuất rất xác đáng.
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà |
Để giải quyết tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp với thực tiễn trong các văn bản quy phạm pháp luật, bà đề nghị Chính phủ đánh giá sâu sắc hơn nữa những tồn tại, hạn chế trong công tác này, trong đó rất cần phải đặt trong mối quan hệ biện chứng giữa công tác rà soát văn bản với công tác xây dựng, hoàn thiện, kiểm tra, giám sát văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.
“Đồng thời cần xác định rõ nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, trong đó cần xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để từ đó đề ra những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực hơn, hiệu quả hơn” – bà Đỗ Thị Việt Hà nói.
Nữ đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ tăng cường siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương và xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này.
Cùng với đó, thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là hoạt động rà soát văn bản phải được tiến hành thường xuyên ngay khi có căn cứ rà soát, không bỏ sót văn bản rà soát và kịp thời xử lý kết quả rà soát tuân thủ đúng trình tự, thủ tục rà soát.
Theo Ngọc Thành/VOV.VN