Phan Văn Đáng tấm gương ngời sáng về đạo đức cách mạng

05:10, 22/10/2023

Đồng chí Phan Văn Đáng (1918-1997), tên thường gọi Hai Văn, một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng miền Nam.

 

 

Chân dung đồng chí Phan Văn Đáng. Ảnh: TL
Chân dung đồng chí Phan Văn Đáng. Ảnh: TL

Đồng chí Phan Văn Đáng (1918-1997), tên thường gọi Hai Văn, một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng miền Nam.

Xuất thân từ vùng đất giàu truyền thống cách mạng Mỹ Lộc (Tam Bình), cả gia đình gồm cha, mẹ, anh, em (em gái, em trai và em dâu, em rể) đều tham gia và có những cống hiến xuất sắc cho các phong trào yêu nước và cách mạng ở địa phương.

Các thành viên trong gia đình với những trọng trách khác nhau gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của Đảng ta và xuyên suốt trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xứng đáng là gia đình cách mạng tiêu biểu có một không hai ở tỉnh Vĩnh Long.

Cha ông là liệt sĩ Phan Văn Hòa, một nhân sĩ tiến bộ yêu nước, đứng trước cảnh đất nước bị đô hộ, Nhân dân lầm than, ông đã sáng tác những bài vè, câu hò có nội dung chống giặc Tây và bọn cường hào ác bá. Hưởng ứng phong trào Duy Tân ông đã vận động lập ra cửa hàng tạp hóa “Nam Hiệp Thành” theo nghĩa “Người Việt Nam phải liên kết lại tranh đấu thì mới có thành công”.

Đây là một cơ sở bí mật của Đảng ở Tam Bình. Năm 1929, ông tham gia tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Năm 1930 chính ông là người “bơi xuồng đi tìm Đảng”, và 1 trong 7 người trực tiếp đứng ra thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Cái Ngang. Trong lúc ráo riết chuẩn bị cho cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ thì ngày 10/9/1939, ông bị địch bắt và đày đi Côn Đảo. Ngày 23/12/1942, người chiến sĩ lão thành cách mạng kiên cường Phan Văn Hòa đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà tù Côn Đảo bởi đòn tra tấn dã man của địch.

Từ sự dìu dắt và noi gương ông Phan Văn Hòa, vợ ông là bà Nguyễn Thị Ngân- thân mẫu đồng chí Phan Văn Đáng, tham gia đóng góp vào hoạt động cách mạng của chồng từ năm 1930 và bị địch bắt sau cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ 1940. Sau khi ra tù bà tiếp tục tham gia hoạt động ở các cơ quan Đảng qua các thời kỳ cho đến tháng 7/1964 bà qua đời tại cơ quan Binh vận R- Trung ương Cục miền Nam, xem như bà đã đi theo cách mạng cho đến suốt cuộc đời.

Hai người em của đồng chí Phan Văn Đáng là bà Phan Thị Tốt (Ba Tốt) và ông Phan Văn Trạch (Tư Trạch) đều có nhiều cống hiến cho cách mạng. Bà Phan Thị Tốt tham gia hoạt động cách mạng khi mới 15 tuổi, kết nạp Đảng khi mới 17 tuổi, có thâm niên 68 năm hoạt động cách mạng, trải qua hai lần bị địch bắt với tổng thời gian 11 năm bị giam cầm, tra tấn trong nhà tù của đế quốc thực dân nhưng bà luôn giữ vững khí tiết, quyết một lòng đi theo Đảng.

Có thể nói đây là một mẫu người nữ chiến sĩ trung kiên tiêu biểu, tuyệt vời về ý chí, đức hạnh và nghị lực phi thường. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước chồng và con gái bà đã anh dũng hy sinh (chồng là đồng chí Nguyễn Hùng Sơn- Khu ủy viên Khu 9, Phó Bí thư Tỉnh ủy Rạch Giá, hy sinh năm 1966; con gái Nguyễn Việt Hồng- nữ chiến sĩ biệt động, hy sinh 1969 khi mới vừa tròn 19 tuổi và được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân).

Đồng chí Phan Văn Trạch, người em trai út trong gia đình của đồng chí Phan Văn Đáng, noi gương cha mẹ và anh, chị cũng sớm giác ngộ và tham gia cách mạng, là một chiến sĩ ngoan cường, anh dũng hy sinh trong nhà lao của đế quốc. Vợ ông (em dâu đồng chí Phan Văn Đáng) đồng chí Tư Mai cũng là một nữ chiến sĩ tích cực tham gia hoạt động cách mạng trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và từng bị địch bắt, giam cầm nhiều lần.

Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, đồng chí Phan Văn Đáng đã sớm được hun đúc tinh thần yêu nước và tích cực tham gia các phong trào cách mạng ở địa phương.

Tháng 9/1939, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Được đứng vào hàng ngũ của Đảng, đồng chí càng ý thức trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp đấu tranh cách mạng, cùng với người em gái đi diễn thuyết nhiều nơi trong vùng và trực tiếp tham gia cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Cái Ngang. Sau Khởi nghĩa Nam Kỳ, thực dân Pháp tiến hành khủng bố trắng phong trào cách mạng ở Đông Dương.

Cuối năm 1940, đồng chí bị bắt, qua nhiều nhà giam, nhiều trận đòn và mua chuộc, chúng không khai thác được gì, cuối cùng chúng kết án khổ sai đày ra Côn Đảo. Cách mạng tháng 8/1945 thành công, đồng chí Phan Văn Đáng từ Côn Đảo trở về, tiếp tục hoạt động.

Tại cuộc họp cán bộ tỉnh Vĩnh Long tổ chức tại Ngã tư Long Hồ, đồng chí Phan Văn Đáng được chỉ định vào BCH Đảng bộ tỉnh, được phân công về chỉ đạo quận Tam Bình. Tháng 7/1946, Tỉnh ủy lâm thời Vĩnh Long được thành lập gồm 7 người, đồng chí Phan Văn Đáng được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Đến khi tỉnh Vĩnh Trà được thành lập (1951), đồng chí được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Trà.

Năm 1954, Trung ương Đảng quyết định thành lập Xứ ủy Nam Bộ ở miền Nam để chỉ đạo sát tình hình cách mạng trong điều kiện mới. Đồng chí Phan Văn Đáng được bầu làm Ủy viên Thường vụ Xứ ủy rồi Phó Bí thư kiêm Thường trực Xứ ủy. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng họp từ ngày 5-13/9/1960 tại Hà Nội, đồng chí Phan Văn Đáng được bầu làm Ủy Viên BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng từ năm 1975-1976, đồng chí được cử làm Phó Ban Đại diện Đảng và Chính phủ tại miền, tiến hành tổ chức hiệp thương thống nhất đất nước. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV/1976, đồng chí Phan Văn Đáng được bầu làm Ủy viên BCH Trung ương Đảng, giữ chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kiêm Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Trong cuộc sống, ông là người rất tình cảm, gần gũi; trong công việc thì nghiêm túc, sâu sát, nhạy bén và luôn được đồng chí, bạn bè, đồng nghiệp và Nhân dân yêu quý. Đồng chí Phan Văn Đáng đã hoàn thành xuất sắc những trọng trách mà Đảng và Nhân dân giao phó. Đồng chí còn là sứ giả của phong trào Đồng Khởi năm 1960, với quyết tâm đấu tranh vũ trang phải đồng khởi để cách mạng còn sống.

Từ khi nghỉ hưu năm 1983, đồng chí viết nhiều bài báo có giá trị về xây dựng đảng, nói lên mối quan hệ máu thịt không thể tách rời giữa Nhân dân với Đảng, tầm quan trọng của công tác vận động quần chúng là vấn đề sống còn của một đảng cầm quyền. Với vị trí và uy tín của mình, đồng chí đã được cử làm Chủ nhiệm CLB Kháng chiến TP Hồ Chí Minh. Ngày 9/5/1997 đồng chí lâm bệnh nặng và từ trần tại TP Hồ Chí Minh.

Hơn 50 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Phan Văn Đáng đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác cùng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Đồng chí Phan Văn Đáng- một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, đã góp phần làm rạng danh quê hương Vĩnh Long, một vùng đất địa linh, nhân kiệt.

DUY DẪN

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh