Nhiều kết quả tích cực đạt được trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

01:10, 30/10/2023

Tiếp tục chương trình nghị sự kỳ họp thứ 6, sáng 30/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia.

Tiếp tục chương trình nghị sự kỳ họp thứ 6, sáng 30/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trước khi thảo luận, Quốc hội nghe Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm, Đoàn giám sát đã hoàn thành nội dung, kế hoạch giám sát, bảo đảm theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát giữa kỳ, đồng thời với 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, có phạm vi rộng, cùng với những yêu cầu đổi mới, Đoàn giám sát đã giải quyết nhiều nhiệm vụ, khối lượng công việc lớn với cách tiếp cận và cách làm mới phù hợp.

Việc xác định nội dung trọng tâm là giám sát, đánh giá tiến trình chính sách và công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện là hướng đi đúng đắn, nhất là trong bối cảnh các chương trình đang bị chậm tiến độ theo mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Đoàn giám sát đã chuẩn bị kỹ từ kế hoạch chi tiết, đề cương báo cáo, thành lập, phân công tổ giúp việc, các tổ, đoàn công tác, tiến hành giám sát trực tiếp Chính phủ, 11 bộ, ngành và 15 tỉnh đại diện cho các vùng, miền và mức độ thụ hưởng các chương trình; tổ chức nhiều cuộc làm việc với các bộ, ngành, Chính phủ; sử dụng tối đa kết quả kiểm toán, thanh tra và ý kiến của các bộ, ngành, các địa phương.

Quá trình giám sát Đoàn giám sát đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội (đặc biệt là đồng chí Chủ tịch Quốc hội), Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự tham gia của các cơ quan Quốc hội và các đoàn đại biểu Quốc hội, thể hiện tình thần đồng hành, giám sát để kiến tạo của Quốc hội.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (nhất là đồng chí Phó Thủ tướng, Trưởng ban chỉ đạo 3 Chương trình) đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt; các bộ, ngành, địa phương có nhiều cố gắng, nỗ lực chuẩn bị tốt các nội dung phục vụ hoạt động giám sát, đồng thời tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Phong trào xây dựng nông thôn mới đã bám sát mục tiêu

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua chủ trương tại Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021, có tổng kinh phí tối thiểu là 196.332 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương 39.632 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 156.700 tỷ đồng).

Ngoài chính sách chung, chương trình còn có 6 chuyên đề trọng tâm và thực hiện trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố cả nước.

Liên quan đến kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh, kế thừa và phát huy kết quả các giai đoạn trước, phong trào xây dựng nông thôn mới của cả nước đã bám sát mục tiêu "gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững".

Tổ chức bộ máy thực hiện chương trình nông thôn mới được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương, cơ bản giữ ổn định như giai đoạn trước. Hệ thống văn bản thực hiện từ Trung ương đến địa phương được ban hành tương đối đầy đủ, có đổi mới, cơ bản phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

Một số địa phương đã chủ động nghiên cứu, ban hành các chính sách đặc thù, có cách làm hay, mô hình tốt, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân.

Công tác lập kế hoạch, phân bổ vốn đảm bảo nguyên tắc và đúng theo quy định. Các tỉnh nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương đã thực hiện cơ bản nghiêm túc việc đối ứng từ ngân sách địa phương các cấp. Về giải ngân vốn, theo số liệu của Bộ Tài chính lũy kế đến hết tháng 6/2023, vốn đầu tư công năm 2022 chuyển sang thực hiện năm 2023 giải ngân đạt khoảng 83%; vốn thực hiện năm 2023 đạt khoảng 44,5%.

Tính đến 30/6/2023, cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn nông thôn mới, 1.331 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 176 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 263/644 đơn vị cấp huyện (40,8%) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới; 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó, có 5 tỉnh hoàn thành chương trình nông thôn mới).

Bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã; có 2 tiêu chí đã vượt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 (Tiêu chí số 14 về giáo dục và đào tạo và tiêu chí số 16 về văn hóa), 8 tiêu chí đánh giá là gần đạt được mục tiêu.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững  giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 24/2021/QH15, có tổng vốn tối thiểu là 75.000 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương 48.000 tỷ đồng; ngân sách địa phương 12.690 tỷ đồng, vốn huy động hợp pháp khác là 14.310 tỷ đồng). 

Chương trình gồm 7 dự án với 11 tiểu dự án, được thực hiện trên địa bàn cả nước (có 48 tỉnh sử dụng vốn ngân sách Nhà nước).

Về kết quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, giai đoạn 2021-2025, mục tiêu về giảm nghèo cao hơn so với các giai đoạn trước, gắn với các mục tiêu phát triển bền vững nhưng địa bàn, đối tượng thực hiện chương trình lại tập trung vào các "lõi nghèo" khó khăn nhất của cả nước. 

Kết quả triển khai thực hiện chương trình đã cơ bản bám sát mục tiêu "thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững"; tuân thủ các nguyên tắc, giải pháp theo Nghị quyết 24. Nhiều địa phương có mô hình hay, cách làm sáng tạo đạt hiệu quả trong quá trình tổ chức thực hiện.

Đến tháng 9/2022, đây là chương trình đầu tiên trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện ở cấp Trung ương. Các địa phương đã cơ bản ban hành đầy đủ văn bản theo quy định.

Việc lập, giao kế hoạch vốn thực hiện chương trình tuân thủ theo quy định pháp luật. Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình từ tháng 12/2021 đến năm 2023 là 23.130,261 tỷ đồng, chiếm tỉ lệ 30,84% tổng nguồn vốn 5 năm, trong đó chủ yếu là nguồn vốn ngân sách Trung ương chiếm khoảng 95%. Vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đến 30/6/2023 lũy kế là 34.527 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 10,8%.

Năm 2021, tỉ lệ hộ nghèo giảm 0,52% so với năm 2020, tuy chưa đạt so với mục tiêu Quốc hội giao, nhưng trong bối cảnh cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức 2,58%, thấp nhất trong vòng 30 năm qua thì kết quả giảm nghèo cũng là một nỗ lực được ghi nhận. 

Năm 2022, tỉ lệ hộ nghèo giảm 1,17% và ước thực hiện năm 2023 giảm 1,1%, tỉ lệ giảm nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%, đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Nghị quyết 24 của Quốc hội đã đề ra.

Chương trình đã thực hiện cơ bản đạt mục tiêu giảm tir lệ hộ nghèo, tỉ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số hằng năm theo Nghị quyết 24 đề ra; bước đầu cải thiện mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân. 

Các địa phương đã sử dụng nguồn lực của chương trình thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững, nhất là tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng xã hội tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, dự kiến khi hoàn thành các công trình này sẽ góp phần phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản được tăng cường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đạt và vượt mục tiêu kế hoạch giao

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Quốc hội phê duyệt Chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020, có kinh phí tối thiểu làm tròn là 137.664 tỷ đồng, (trong đó vốn đầu tư 50.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 54.323 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 10.016 tỷ đồng, vốn vay tín dụng chính sách 19.727 tỷ đồng, vốn huy động hợp pháp khác 2.967 tỷ đồng). Chương trình gồm 10 dự án, 14 tiểu dự án thực hiện trên địa bàn 49 tỉnh.

Về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho hay, quá trình triển khai thực hiện đã bám sát mục tiêu tổng quát của chương trình là "giảm nghèo nhanh, bền vững, giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn, sắp xếp ổn định dân cư, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, thu hẹp dần khoảng cách mức sống, thu nhập so với bình quân chung của cả nước...". 

Chương trình thực hiện đã tích hợp trên 118 văn bản chính sách dân tộc ở giai đoạn trước, do đó bước đầu khắc phục được tình trạng manh mún, dàn trải để tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết những vấn đề cấp thiết về kinh tế, xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng đặc biệt khó khăn.

Đến tháng 6/2023, các văn bản chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện chương trình cơ bản đã hoàn thành với khối lượng khá lớn. Các bộ, ngành Trung ương đã ban hành khoảng 58 văn bản, ở mỗi địa phương ban hành từ 40-50 văn bản liên quan.

Vốn ngân sách Trung ương đã phân bổ hết cho các địa phương, đảm bảo theo quy định hiện hành; địa phương phân bổ ngân sách đảm bảo theo tiêu chí, định mức và hướng dẫn của Trung ương. 

Tình hình giải ngân năm 2023 đã có tiến bộ, nhất là vốn đầu tư công. Giải ngân vốn đầu tư công Trung ương đến tháng 6/2023 (bao gồm cả vốn 2022 kéo dài sang năm 2023) đạt 22%, ước đến tháng 9/2023 đạt 52%, nhiều địa phương giải ngân trên 60%.

Mặc dù còn nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện, nhưng theo Báo cáo của Chính phủ, tỉ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2022 giảm 3,4%, đạt và vượt mục tiêu kế hoạch giao; nhiều chỉ tiêu về hạ tầng, kinh tế-xã hội khác cơ bản đều đạt so với mục tiêu của chương trình.

Theo Hải Liên/Báo điện tử Chính phủ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh