Cơ chế, chính sách tài chính về đất đai, đặc biệt là công tác xác định giá đất cần được xây dựng hoàn thiện trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế-xã hội.
Ảnh minh họa: KT |
Cơ chế, chính sách tài chính về đất đai, đặc biệt là công tác xác định giá đất cần được xây dựng hoàn thiện trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế-xã hội.
Thống kê của Kiểm toán nhà nước cho thấy, tính riêng từ năm 2017 đến năm 2021, nguồn thu từ đất đai đóng góp từ 12% đến 14% tổng thu ngân sách nhà nước, tại nhiều địa phương, nguồn thu từ đất đai chiếm tới trên 30% ngân sách địa phương và là nguồn vốn chính cho đầu tư công.
Tuy nhiên, tổng kết Nghị quyết 19 và tổng kết thi hành Luật đất đai 2013 cho thấy, phương pháp xác định giá đất chưa phù hợp với giá thị trường, chưa phù hợp với công tác quản lý về đất đai ảnh hưởng đến nguồn thu từ đất ở các địa phương.
Còn theo kết quả kiểm toán trong thời gian qua thì việc quản lý, sử dụng đất đai chưa tạo dựng được một hành lang pháp lý rõ ràng cho công tác quản lý, sử dụng đất đai, nhất là sử dụng cho phát triển kinh tế, trong đó, giá bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất còn thấp, chưa sát với giá thị trường, việc áp dụng các phương pháp định giá đất trong thực tiễn còn bất cập.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước Khu vực 1 cho rằng: "Theo chúng tôi, cơ sở dữ liệu về giá đất thị trường hiện nay của chúng ta xây dựng luật chưa đầy đủ.
Các chỉ tiêu, các nội dung trong đó không đáp ứng được việc cần có để sử dụng cho tư vấn, Hội đồng thẩm định giá đất, cho các cấp chính quyền địa phương khi thực hiện bị thiếu rất nhiều. Thứ hai là chính sách, chế độ chúng ta quy định chưa đầy đủ, chưa đồng bộ và bị yếu".
Từ thực tế tại địa phương, bà Trần Thành Tâm, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho rằng, hiện chưa có các quy định cụ thể về điều kiện phương pháp áp dụng giá đất.
Bà Trần Thành Tâm nêu ví dụ cụ thể: "Đối với Hà Nội và các thành phố trực thuộc Trung ương với những thửa đất có giá trị dưới 30 tỷ đồng thì chúng ta thực hiện áp dụng bằng phương pháp hệ số còn đối với những thửa đất trên 30 tỷ thì chúng ta áp dụng 4 phương pháp.
Việc áp dụng với 4 phương pháp đối với các thửa đất trên 30 tỷ như vậy thì thời gian xác định giá đất cụ thể sẽ thường bị chậm và kéo dài.
Ngoài ra, đối với những thửa đất có cùng tuyến đường, cùng những điều kiện ví dụ như mật độ xây dựng cùng với hệ số sử dụng đất nhưng khi áp dụng các phương pháp định giá còn lại thì sẽ có những kết quả rất khác biệt so với phương pháp hệ số".
Để khắc phục vấn đề này, ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục quy hoạch và Phát triển Tài nguyên đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện Bộ đã trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 44 để kịp thời hoàn thiện các quy định về phương pháp định giá đất, đổi mới trình tự xác định giá đất cụ thể để bảo đảm khơi thông nguồn lực đất đai, đồng thời hướng dẫn các địa phương thống nhất triển khai thực hiện việc UBND tỉnh ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể theo quy định là cần thiết.
Ông Đào Trung Chính cho rằng: "Chúng ta đang trình Chính phủ để sửa đổi Nghị định 44 về định giá đất cụ thể, trong đó quy định về nội hàm của phương pháp này. Những trường hợp nào áp dụng phương pháp nào? vấn đề về sử dụng thông tin như thế nào?
Vấn đề về định giá chậm như thế nào? Vấn đề về giao đất theo tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng như thế nào? Tất cả những cái đó là trong dự thảo nghị định của Bộ Tài nguyên Môi trường trình Chính phủ thì đã được nghiên cứu. Theo yêu cầu của Thủ tướng thì phải ban hành trong tháng 10".
Theo Quang Huy/VOV