Chiều 26/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV, các đại biểu đã tranh luận về hai phương án cho phép hay không cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm cơ quan chủ quản các dự án đầu tư nhà ở xã hội.
Chiều 26/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV, các đại biểu đã tranh luận về hai phương án cho phép hay không cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm cơ quan chủ quản các dự án đầu tư nhà ở xã hội.
Theo Tờ Trình dự thảo Luật Nhà ở của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, quy định Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân được đưa ra lấy ý kiến các đại biểu quốc hội.
Trong Báo cáo Thẩm tra, Ủy ban Tư pháp đưa ra hai phương án. Phương án 1: Tiếp thu ý kiến của Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam theo hướng: quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho thuê để vừa bổ sung nguồn lực đầu tư dự án nhà ở xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp, thu hút người lao động tham gia tổ chức Công đoàn, vừa giới hạn phạm vi thực hiện (không bao gồm nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp) để nâng cao tính khả thi.
Phương án 2: Chưa quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở (sửa đổi) vì đây là vấn đề mới, quá trình thí điểm thời gian qua còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín” để quy định trong Luật. Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Đề án báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định cho thực hiện thí điểm chính sách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong Luật.
Báo cáo cho biết, đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành Phương án 1.
Chiều 26/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)
Tuy nhiên, khi đưa ra thảo luận tại hội trường, vấn đề này lại nhận được nhiều ý kiến tranh luận của các ĐBQH.
Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cho rằng, còn có nhiều ý kiến khác nhau giữa các đại biểu về việc giao Tổng Liên đoàn Lao động làm chủ tư dự án nhà ở xã hội. Hai phương án nêu ra đều có ưu, nhược điểm nên cần lấy phiếu cả hai phương án.
Tổng Liên đoàn Lao có đủ tiền đầu tư nhà ở xã hội?
Đại biểu Phạm Văn Hoà cho rằng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện chỉ có vốn khoảng 30.000 tỷ đồng, nếu muốn đầu tư nhà ở xã hội, cần phải vay thêm vốn hoặc có vốn Nhà nước. Vì vậy, vẫn phải dùng vốn Nhà nước.
Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn ĐBQH Đồng Tháp) |
"Nếu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư xây nhà ở cho công nhân thì chỉ nên dùng cho thuê, chứ không bán. Bởi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là một tổ chức chính trị và không thể nào có chức năng kinh doanh được", đại biểu đoàn Đồng Tháp nhấn mạnh.
Không ít các đại biểu cũng bày tỏ nghi vấn về việc giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Trong đó, Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội bày tỏ băn khoăn: Khi nhà ở có vấn đề thì ai là người đại diện cho người lao động nói lên tiếng nói đó? Như vậy, vô hình chung vừa cung cấp, lại vừa giám sát thì không đảm bảo khách quan.
"Tôi cũng thấy có ý kiến rằng cần tỉnh đến khi Tổng Liên đoàn đại diện cho người lao động, lại tự mình là người đứng ra cung cấp nhà ở cho người lao động, nếu giả sử sản phẩm không tốt, ai sẽ là người đứng ra phản biện?", ông Cường nói.
Đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm đồng tình để tổ chức công đoàn là chủ đầu tư nhà ở cho người lao động, nhưng đề nghị đây chỉ là những dự án mẫu để làm điển hình.
Tranh luận tại hội trường với các đại biểu lựa chọn Phương án 1 - giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản xây dựng nhà ở xã hội, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) cho rằng, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nêu mục đích giao cho Tổng Liên động Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản, nhằm thu hút người lao động tham gia tổ chức công đoàn.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) phát biểu tranh luận |
Theo đại biểu Nguyễn Hải Dũng, đây là vấn đề cần hết sức quan tâm. Bởi khi có các tổ chức đại diện cho người lao động hình thành, họ cũng có thể sử dụng rất nhiều công cụ vật chất hấp dẫn hơn để thu hút đoàn viên tham gia vào tổ chức của mình: "Như vậy, khi xảy ra tình trạng này, công cụ, biện pháp đưa ra trong dự thảo Luật sẽ không phát huy được tác dụng.
Do đó, đại biểu đề nghị chưa quy định giao Tổng Liên động Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản xây dựng nhà ở xã hội".
Đồng tình nhưng đề nghị đánh giá thận trọng
Góp ý gợi mở hơn cho vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề nghị nên mở rộng đối tượng được phép thuê nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư, bởi vì khi dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, bước vào giai đoạn vận hành cho thuê mà chỉ cho phép công nhân, người lao động thuê sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng công nhân, người lao động chưa có nhu cầu thuê hết, thì nhà cho thuê vẫn thừa mà nhiều đối tượng khác có nhu cầu nhưng không thể thuê do không thuộc đối tượng "công nhân, người lao động".
Đại biểu đoàn Hải Dương cũng khẳng định, quy định điều kiện các dự án nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư phải xuất phát từ nhu cầu thực tế và dự báo nhu cầu thực tế của công nhân, người lao động tại địa bàn đầu tư dự án.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) |
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Việt Nga, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) cho rằng, đối với các nhà do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư thì sẽ ưu tiên bố trí cho công nhân lao động nhưng cũng cần tạo điều kiện cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội được sử dụng khi quỹ nhà vẫn còn và các đối tượng này có nhu cầu để đảm bảo hài hòa, hiệu quả, chống lãng phí. Tuy nhiên, điều này cần thông qua một cơ chế phù hợp.
Dù đồng tình với Phương án 1, song đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho rằng, đây là quy định mới, theo do, đề nghị đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng, trên cơ sở yêu cầu về thực tiễn, điều kiện về nguồn lực, năng lực thực hiện, quy định chặt chẽ, đảm bảo tính khả thi, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc) cũng chia sẻ lo lắng với các đại biểu không đồng tình với phương án này. Mặc dù còn nhiều vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện đã được chỉ ra trong báo cáo của Chính phủ, tuy nhiên, đại biểu Mai Dung cho rằng, hiện nay công nhân và người lao động mong chờ Quốc hội tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc này để công đoàn có thể thực hiện tốt hơn vấn đề này.
Theo Lê Hoàng/VOV.VN