ĐBQH: "Tổ chức quá nhiều các cuộc thi sắc đẹp gây lãng phí nguồn lực xã hội"

08:10, 31/10/2023

ĐBQH cho rằng, việc tổ chức quá nhiều các cuộc thi sắc đẹp nhưng ít mang tính giáo dục hoặc định hướng về thẩm mỹ, đã gây ra lãng phí mà chưa được các cơ quan chức năng quan tâm, xử lý.

ĐBQH cho rằng, việc tổ chức quá nhiều các cuộc thi sắc đẹp nhưng ít mang tính giáo dục hoặc định hướng về thẩm mỹ, đã gây ra lãng phí mà chưa được các cơ quan chức năng quan tâm, xử lý.

Tình hình kinh tế xã hội của cả nước trong năm 2023 đã được cử tri và nhân dân cả nước theo dõi sát so và rất quan tâm, đặc biệt là những chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội đã đạt lẫn chưa đạt được.

Dưới sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, cộng với những chính sách đặc thù mà Quốc hội đã ban hành đã dần tháo gỡ những khó khăn, bất cập cho các cái doanh nghiệp sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, tạo động lực để cho doanh nghiệp cả nước có thể bứt phá và vươn lên.

Nhiều vấn đề cử tri và nhân dân đang hết sức quan tâm, đã được các đại biểu Quốc hội nêu ra tại phiên thảo luận chiều 31/10 về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, chiều 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác. 

Tổ chức quá nhiều các cuộc thi sắc đẹp gây lãng phí nguồn lực xã hội

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh (Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ), Phó Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cũng lưu tâm vấn đề lãng phí nguồn lực xã hội, gây thất thoát lớn.

"Một vấn đề nữa chúng tôi thấy cử tri hết sức là quan tâm là công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là chống lãng phí các nguồn lực xã hội, gây thất thoát lớn cho ngân sách Nhà nước.

Ví dụ như việc tổ chức quá nhiều các cuộc thi sắc đẹp nhưng ít mang tính giáo dục hoặc định hướng về thẩm mỹ vừa qua. Trên thực tế, điều này đã gây ra lãng phí mà chưa được các cơ quan chức năng quan tâm, xử lý", nữ đại biểu đoàn Cần Thơ nói.

Cũng theo đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh, vấn đề trật tự an toàn xã hội, nạn bạo hành, bắt cóc trẻ em… là những nội dung được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm.

Những vụ cháy nổ gây hậu quả thương tâm thời gian qua cũng khiến người dân lo lắng cho sự an toàn của mình, nhất là ở những thành phố lớn, những nơi tập trung đông dân cư. 

Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh (Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ), Phó Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao đổi bên hành lang Quốc hội
Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh (Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ), Phó Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao đổi bên hành lang Quốc hội

"Người dân cũng thấy bất an khi tham gia giao thông mà không lường trước được những rủi ro, những sự cố nào có thể xảy ra.

Do đó, thông qua thảo luận tại kỳ họp, những vấn đề xã hội nêu trên sẽ được đại biểu tập trung phản ánh, kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự và an toàn xã hội, tăng cường các điều kiện chăm sóc trẻ em…", đại biểu Ngọc Ánh nhấn mạnh.

Lo ngại tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đang có xu hướng giảm

Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) nêu mối lo ngại từ nguy cơ thiếu việc làm tại các doanh nghiệp, sẽ ảnh hưởng đến đời sống người lao động khi không có thu nhập ổn định.

Ở một số địa phương sẽ xảy ra tình trạng người dân thiếu việc làm, thu nhập khó khăn, dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo, sẽ tăng lên. 

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nêu đánh giá bổ sung các nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp tăng năng suất lao động. Theo đại biểu, vẫn còn 5/15 chỉ tiêu Quốc hội giao chưa đạt kế hoạch, trong đó, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là năm thứ ba liên tiếp không đạt.

Đại biểu lo ngại tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đang có xu hướng giảm và thấp hơn mức bình quân của giai đoạn trước. 

Đại biểu đoàn Lạng Sơn nhấn mạnh, bên cạnh những mặt tích cực, nền kinh tế có độ mở cao nhưng nếu không có những giải pháp chính sách tốt thì sẽ đem lại nhiều hệ lụy, như nền kinh tế trở nên dễ bị tổn thương, nhạy cảm với các biến động từ bên ngoài, xuất nhập khẩu nhiều nhưng chủ yếu là hàng hóa giá trị gia tăng không cao, nguy cơ là công xưởng gia công và nguy cơ rơi vào bẫy trung bình là hiện hữu… 

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn)
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn)

Đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể tác động của độ mở nền kinh tế đến nước ta ra sao; độ mở bao nhiêu là phù hợp với nước ta; nhu cầu và cơ chế kiểm soát độ mở của nền kinh tế nước ta thế nào.

Từ đó có giải pháp để xây dựng nền kinh tế tự chủ hơn, có khả năng thích ứng tốt hơn theo quan điểm phát huy nội lực là yếu tố quyết định gắn với ngoại lực và sức mạnh thời đại.

Xác định những giải pháp nào là trọng tâm, trọng điểm, có tính đột phá để tập trung thực hiện, không dàn trải và bảo đảm tính khả thi cao.

Ngoài ra, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cũng đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động trong khu vực tư từ 48 giờ/1 tuần xuống 44 giờ/ 1 tuần, tiến tới 40 giờ/1 tuần như trong khu vực công (đã được thực hiện từ 1999). Đây cũng là xu hướng tiến bộ của đa số các quốc gia trên thế giới. 

Theo Lê Hoàng/VOV.VN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh