Ngày 24/10, trong phiên thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2024, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh có ý kiến tham gia đóng góp thảo luận.
(VLO) Ngày 24/10, trong phiên thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2024, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh có ý kiến tham gia đóng góp thảo luận.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, cử tri và nhân dân cả nước đánh giá rất cao sự đổi mới sáng tạo, và những quyết sách kịp thời hiệu quả. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bám sát thực tiễn, lắng nghe ý kiến phản ánh, góp ý của các địa phương, nhân dân, các tổ chức, chuyên gia tư vấn, nhà khoa học, doanh nghiệp, các cử tri để tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực.
Trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023 phấn đấu có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó nổi bật là có thể hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội.
Bên cạnh kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm…, điểm sáng nền tảng nhất là về đầu tư công, đã triển khai, hoàn thành một số công trình hạ tầng trọng điểm quan trọng, như các cao tốc Cao Bồ- Mai Sơn, Mai Sơn- QL45, Cam Lộ- La Sơn, Trung Lương- Mỹ Thuận, Vân Đồn- Móng Cái…, qua đó giúp năng lực vận chuyển được cải thiện, giảm chi phí logistics vốn là trở ngại lớn đã tồn tại trong nhiều năm.
Đáng chú ý, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai sôi động, liên tục và là điểm sáng nổi bật của năm 2023, đạt nhiều thành tựu quan trọng có tính lịch sử, tạo thời cơ, vận hội mới, để phát triển đất nước và nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đến nay, nước ta đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và nhiều nước G20; góp phần duy trì được môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
ĐBSCL với 13 tỉnh, thành phố với diện tích tự nhiên gần 40.000 km2 (khoảng 13% diện tích cả nước), dân số khoảng 18 triệu người (19% cả nước) có nhiều tiềm năng và lợi thế cạnh tranh nổi trội đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo với nhiều chủ trương, chính sách.
Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị được ban hành một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán và sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến sự phát triển bền vững ĐBSCL, quyết tâm xây dựng và phát triển để ĐBSCL thực sự trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và cả nước.
4 vấn đề được đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh đề nghị, đó là:
- Thứ nhất, đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư, định hướng rõ hơn về phát triển bền vững, đặc biệt là thực trạng và tác động của hạn mặn, ngập lụt đến vùng ĐBSCL thời gian qua và những dự báo trong thời gian tới.
Thực tế tại ĐBSCL năm 2022 cho thấy hiện tượng ngập lụt, sụt lún đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng và khó lường. Điều này đã gây thiệt hại đến nuôi trồng, sản xuất, chế biến nông sản cũng tác động đến nhiều mặt đời sống của người dân, cản trở sự phát triển của cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng.
Theo dự báo của Viện Tài nguyên thế giới, nếu mực nước biển dâng cao thêm 1m mà không có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu, thì khoảng 40% diện tích ĐBSCL bị ngập, lũ lụt sẽ khiến gần 50% diện tích đất nông nghiệp không còn khả năng canh tác.
Chính vì thế cần phải có sự đầu tư lớn về nguồn lực và sớm triển khai thực hiện Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021- 2030, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.
- Thứ hai, đề nghị Thủ tướng tiếp tục quan tâm hỗ trợ các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long; chuẩn bị đảm bảo các điều kiện triển khai dự án cầu Đình Khao, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật theo hướng kết nối đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội.
Phát triển giao thông theo hướng liên hoàn, kết nối nội tỉnh và liên vùng; gia tăng năng lực sản xuất, từng bước hình thành không gian phát triển mới, các hành lang, tuyến kinh tế, đô thị, công nghiệp, du lịch trọng điểm trong tỉnh; tăng khả năng giao thương, mở rộng thị trường, kết nối thông suốt với các địa phương vùng ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ.
- Thứ ba, đề nghị Quốc hội nghiên cứu hỗ trợ tăng 2% chi ngân sách nhà nước cho các tỉnh chưa cân đối được ngân sách.
Việc các chính sách tăng, giảm đối tượng trong giai đoạn ổn định là yếu tố khách quan, tuy nhiên đối với 45 tỉnh chưa cân đối được ngân sách, không bảo đảm được nguồn lực đối với kinh phí phát sinh tăng thêm sẽ gặp nhiều khó khăn.
Do đó, đề nghị Ủy ban của Quốc hội nghiên cứu có cơ chế cho này các tỉnh trong điều kiện các tỉnh đang trong giai đoạn khó khăn có thể giải quyết các nội dung về an sinh, chế độ cho cán bộ cơ sở hiện nay rất thấp.
- Thứ tư, đối ngoại Việt Nam đã có những đóng góp trực tiếp vào thành tựu chung của đất nước, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Đề nghị Chính phủ và Bộ ngoại giao cần quan tâm và hỗ trợ nâng cao vai trò, nhiệm vụ của đối ngoại địa phương trong giai đoạn phát triển mới, nhất là vị trí tiên phong của đối ngoại địa phương trong tăng cường và làm sâu sắc quan hệ hữu nghị, hợp tác với các đối tác; huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội và nâng cao vị thế, uy tín của các địa phương trong hội nhập quốc tế.
Trong việc triển khai đối ngoại địa phương cần nắm bắt tốt các xu thế vận động, các diễn biến mới của tình hình quốc tế và trong nước; vận dụng sáng tạo, chủ trương, đường lối phát triển kinh tế- xã hội và đối ngoại của Đảng và điều kiện đặc thù của từng địa phương; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại tại địa phương.
B.THANH- Đ.THI (ghi)