Quán triệt và triển khai thực hiện các thông báo kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thời gian qua, công tác tư pháp nói chung, thi hành án dân sự nói riêng đã tiếp tục được thực hiện chặt chẽ, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh, kịp thời giải quyết nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài.
Quán triệt và triển khai thực hiện các thông báo kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thời gian qua, công tác tư pháp nói chung, thi hành án dân sự nói riêng đã tiếp tục được thực hiện chặt chẽ, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh, kịp thời giải quyết nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài.
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long (thứ 3 từ phải sang) và các đồng chí Thứ trưởng Tư pháp điều hành hội nghị. |
Sáng 20/7, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2023 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Hội nghị diễn ra dưới sự điều hành của đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Tư pháp.
Hơn 152 nghìn tỷ đồng cần thu hồi từ án tham nhũng
Theo các báo cáo tại hội nghị, trong 6 tháng đầu năm nay, Bộ Tư pháp đã tổ chức nhiều đoàn công tác cơ sở làm việc với các địa phương, nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao; tiếp nhận, trả lời 435 kiến nghị, đề xuất, đề nghị hướng dẫn nghiệp vụ của các bộ, ngành, địa phương.
Liên quan đến công tác cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của Bộ Tư pháp năm 2022 tiếp tục duy trì nhóm dẫn đầu (đứng thứ 2) trong số các bộ, ngành.
Cụ thể hơn, về công tác xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 186 văn bản quy phạm pháp luật; các địa phương ban hành lần lượt 1.540, 1.135 và 57 văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh, huyện và xã.
Đáng chú ý, Bộ, ngành Tư pháp đã tham mưu Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; tham gia với Đảng đoàn Quốc hội xây dựng "Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật".
6 tháng đầu năm, Bộ Tư pháp đã thẩm định 18 điều ước quốc tế; góp ý 118 điều ước, thỏa thuận quốc tế; cấp 2 ý kiến pháp lý cho các hiệp định vay nước ngoài; tiếp nhận, chuyển giao các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài 1.116 hồ sơ và trả 992 kết quả thực hiện; tiếp nhận, chuyển giao cơ quan thẩm quyền trong nước 456 hồ sơ của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài và 442 kết quả thực hiện.
Các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức hơn 209 nghìn cuộc tuyên truyền pháp luật cho hơn 18,7 triệu lượt người; tổ chức hơn 3.300 cuộc thi cho hơn 3,1 triệu lượt thí sinh tham gia; phát hơn 18 triệu tài liệu tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.
Về kết quả thi hành án dân sự, tính từ đầu tháng 10/2022 đến hết tháng 6/2023, Bộ Tư pháp đã thi hành được hơn 775 nghìn việc (tăng 19,62% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó đã thi hành xong hơn 382 nghìn việc (tăng 2,18%). Tổng số tiền phải thi hành đối với án dân sự là hơn 374 nghìn tỷ đồng (tăng 19,08%), trong đó đã thi hành xong hơn 70 nghìn tỷ đồng (tăng 34,72%).
Tính riêng về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo: tổng số tiền phải thi hành án là hơn 152 nghìn tỷ đồng, trong đó đã thi hành xong hơn 75 nghìn tỷ đồng.
9 tháng qua, đã có 152 nghìn tỷ đồng tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế lớn cần thu hồi. Trong đó, số tiền đã thi hành xong là 75 nghìn tỷ đồng.
Bảo đảm tiến độ xây dựng các dự án Luật
Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2023 vẫn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành còn chậm; vẫn còn tình trạng điều chỉnh Chương trình xây dựng pháp lệnh; có dự án luật chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, tiến độ; việc hướng dẫn nghiệp vụ trong lĩnh vực tư pháp còn chậm; còn xảy ra vi phạm trong hoạt động luật sư, công chứng, bán đấu giá tài sản...
Trong 6 tháng cuối năm nay, Bộ, ngành Tư pháp xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân đã nêu gắn với 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 54 nhóm nhiệm vụ cụ thể trong các lĩnh vực công tác thường xuyên năm 2023.
Theo đó, đáng chú ý có việc tập trung xây dựng bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Thủ đô (sửa đổi); rà soát, đề xuất sửa đổi các nội dung liên quan đến Luật Giám định tư pháp; phối hợp các cơ quan có liên quan trình Chính phủ ban hành một số Nghị định trong lĩnh vực quản lý.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Đề án "Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự đối với các bản án, quyết định kinh doanh thương mại giai đoạn 2023-2028"...
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã thảo luận nhiều vấn đề đáng quan tâm như: tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các pháp lệnh, giải pháp khắc phục tình trạng "nợ đọng" văn bản; đánh giá công tác quản lý xử lý vi phạm và theo dõi thi hành pháp luật ở cơ quan, đơn vị, địa phương; kết quả, khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự tính từ đầu tháng 10/2022 đến hết tháng 6/2023; một số vấn đề liên quan công tác hộ tịch, lý lịch tư pháp, bổ trợ tư pháp.
Theo LINH PHAN/NDO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin