Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ trong giai đoạn mới

Cập nhật, 01:39, Thứ Ba, 14/03/2023 (GMT+7)

 

 Các nữ đại biểu HĐND tỉnh Vĩnh Long tham gia đóng góp xây dựng nhiều nghị quyết quan trọng của tỉnh.
Các nữ đại biểu HĐND tỉnh Vĩnh Long tham gia đóng góp xây dựng nhiều nghị quyết quan trọng của tỉnh.
 
“Khắc phục những hạn chế về chính sách, pháp luật, tích cực thực hiện hiệu quả các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới sát với thực tiễn Việt Nam để tạo cơ hội bình đẳng cho phụ nữ, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ phát triển đất nước”. Đây là vấn đề được đồng chí Trương Thị Mai- Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng BTC Trung ương chỉ rõ tại buổi tọa đàm về chuyên đề “Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới”. 
 
Vẫn còn khoảng cách giữa thực tế và mục tiêu đề ra
 
Hiện nay Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực về bình đẳng giới. Công tác cán bộ nữ luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm đề ra nhiều văn bản với các chỉ tiêu cụ thể để thúc đẩy công tác phụ nữ có nhiều tiến bộ.
 
Điển hình như Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới. Từ đó, hệ thống luật pháp, chính sách đối với phụ nữ và bình đẳng giới từng bước được hoàn thiện, có nhiều tiến bộ.
 
BCH Trung ương khóa XIII hiện có 19 ủy viên Trung ương là nữ (đạt 9,5%). Có 35 tỉnh, thành phố có tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên, cao nhất là Tuyên Quang (29,2%), thấp nhất là Quảng Bình (6,1%). Quốc hội khóa XV, Việt Nam có 151 nữ đại biểu Quốc hội (30,26%). Tính đến tháng 2/2023, Việt Nam xếp hạng thứ 64/193 quốc gia, cao hơn 10 bậc so với thời điểm tháng 12/2020 (74/193 quốc gia). Việt Nam có tỷ lệ 3/22 nữ bộ trưởng (13,64%)...
 
Tại Vĩnh Long, thời gian qua, Tỉnh ủy Vĩnh Long luôn quan tâm sâu sát đến chính sách đối với công tác nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng.
 
Từ các chủ trương của Đảng và Nhà nước, Tỉnh ủy đã xây dựng, ban hành kế hoạch tạo môi trường thuận lợi để phụ nữ tỉnh nhà phát triển và thúc đẩy bình đẳng giới. Hiện nay, tỷ lệ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng, chính quyền được nâng cao về số lượng và chất lượng. Trong BCH Đảng bộ tỉnh khóa XI có 7 đồng chí nữ, chiếm 14,28%; nữ đại biểu Quốc hội chiếm 33,3%; nữ đại biểu HĐND tỉnh chiếm 28%.
 
Các cấp Hội LHPN tỉnh Vĩnh Long cũng luôn tập trung rà soát quy hoạch cán bộ lãnh đạo hội để kịp thời tham mưu với cấp ủy khi có sự biến động về nhân sự và chủ động tham mưu điều động cán bộ nữ nhận nhiệm vụ mới.
Cán bộ nữ không ngừng học tập, rèn luyện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được khen thưởng từ các cấp.
Cán bộ nữ không ngừng học tập, rèn luyện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được khen thưởng từ các cấp.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Anh- Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, Đảng, đoàn Hội LHPN tỉnh đã hoàn thành công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý Hội LHPN tỉnh, nhiệm kỳ 2026-2031; trình BTC Tỉnh ủy xem xét thẩm định hồ sơ quy hoạch chức danh chủ tịch, phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh nhiệm kỳ 2026-2031. Ban thường vụ hội LHPN cấp huyện và cơ sở cũng hoàn thành công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo của hội cùng cấp đảm bảo theo quy định.
 
Tuy tỷ lệ cán bộ nữ ở nước ta có sự tăng trưởng, song tỷ lệ tăng chưa cao và thiếu tính bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng và sự đóng góp to lớn của các tầng lớp phụ nữ. Công tác cán bộ nữ cũng còn nhiều khó khăn, vẫn còn khoảng cách giữa thực tế với mục tiêu đề ra. Vì thế thời gian tới cần hơn nữa sự quan tâm đồng bộ của cả hệ thống chính trị để thực hiện tốt công tác cán bộ nữ.
 
Quan tâm thực hiện tốt công tác phụ nữ
 
Đại hội XIII của Đảng cũng nêu rõ: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”.
 
Bên cạnh, một số mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 cũng đề ra các chỉ tiêu như trong lĩnh vực chính trị đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.
 
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tỷ lệ nữ thạc sĩ trong tổng số người có trình độ thạc sĩ đạt không dưới 50% từ năm 2025 trở đi; tỷ lệ nữ tiến sĩ trong tổng số người có trình độ tiến sĩ đạt 30% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030. Trong lĩnh vực thông tin, truyền thông, từ năm 2025 trở đi 100% tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan hành chính, ban, ngành, đoàn thể các cấp được phổ biến, cập nhật thông tin về bình đẳng giới và cam kết thực hiện bình đẳng giới. 
 
Để tăng cường thực hiện tốt công tác phụ nữ và mục tiêu bình đẳng giới, từ Trung ương đến địa phương phải đề ra những chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện. Tại Vĩnh Long, ông Bùi Văn Nghiêm- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy xác định đây là trách nhiệm và nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị.
 
Vì thế phải tập trung thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới bình đẳng tham gia đóng góp trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, thúc đẩy kinh tế Vĩnh Long phát triển nhanh, bền vững. Chú trọng hơn nữa công tác quy hoạch nguồn cán bộ nữ làm công tác lãnh đạo, quản lý. 
 
Buổi tọa đàm trực tuyến về “Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới” do BTC Trung ương phối hợp với Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức vừa qua.
Buổi tọa đàm trực tuyến về “Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới” do BTC Trung ương phối hợp với Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức vừa qua.
Tại buổi tọa đàm “Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới”, đồng chí Trương Thị Mai cũng nhấn mạnh, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu và hệ thống chính trị đối với việc thực hiện có hiệu quả nghị quyết, chủ trương của Đảng đối với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và những mục tiêu, chương trình về bình đẳng giới.
 
Quan tâm phát hiện, tạo nguồn, bồi dưỡng, đào tạo, giới thiệu ứng cử đối với cán bộ nữ trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị; đảm bảo đạt được mục tiêu tỷ lệ nữ trong cấp ủy, cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, doanh nghiệp. Đồng thời động viên đội ngũ cán bộ nữ phấn đấu, rèn luyện nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất, uy tín đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới.
 
Bài, ảnh: HẢI YẾN 
Các tin khác: