Tạo chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

Cập nhật, 14:41, Thứ Tư, 04/01/2023 (GMT+7)

 

 Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh - Lê Thị Lệ Uyên phát biểu thảo luận tại hội nghị.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh - Lê Thị Lệ Uyên phát biểu thảo luận tại hội nghị.

Đó là yêu cầu đặt ra của Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội (PBXH) của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Đây là cơ sở chính trị vững chắc để MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện giám sát, PBXH nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Phát huy vai trò của nhân dân

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa tổ chức hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, PBXH của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Quán triệt nội dung của Chỉ thị số 18, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu cho biết, từ nội dung của chỉ thị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã xác định rõ, cụ thể 3 nội dung chỉ đạo trong chỉ thị.

Cụ thể, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát huy dân chủ ở cơ sở, công tác giám sát, PBXH; tạo điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò giám sát của nhân dân; đổi mới nội dung, phương thức giám sát, PBXH.

Trên cơ sở đó, đồng chí Lê Tiến Châu đề nghị hệ thống MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên bám sát kế hoạch triển khai Chỉ thị số 18-CT/TW với 11 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Từ đó, triển khai nội dung, nhiệm vụ, cách thức tổ chức thực hiện, phân công trách nhiệm cụ thể và thời gian, lộ trình thực hiện phù hợp để triển khai toàn diện các nội dung, yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác giám sát, phản biện và phát huy quyền làm chủ, phát huy trí tuệ, tâm huyết của nhân dân thông qua hoạt động giám sát, PBXH.

Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu đã bày tỏ sự thống nhất cao cũng như cùng thảo luận, nêu ý kiến đóng góp. Theo đó, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy khẳng định việc Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW là rất cần thiết, đã khẳng định được tầm quan trọng của công tác giám sát, PBXH.

Còn Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh Phan Kiều Thanh Hương thì đánh giá cao dự thảo kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đi vào chi tiết với 11 nội dung, nêu rõ từng cơ quan chủ trì, tham mưu và thời gian thực hiện từng nội dung…

Triển khai thực hiện hiệu quả

Để phát huy hơn nữa vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, PBXH của MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội; Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh - Lê Thị Lệ Uyên đề xuất Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xem xét đề xuất Trung ương nghiên cứu có ý kiến để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về lĩnh vực hoạt động giám sát, PBXH gắn với thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW.

Mặt trận Trung ương xem xét có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn về quy trình trong giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên theo Quy định 124 của Ban Bí thư. Đồng thời, tổ chức giao ban học tập, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm giữa các tỉnh, thành trong cả nước về hoạt động giám sát, PBXH.

Đồng chí Lê Thị Lệ Uyên nhấn mạnh: “Đảng đoàn MTTQ tỉnh sẽ tham mưu Tỉnh ủy sớm ban hành Chỉ thị “về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, PBXH của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội” và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ có kế hoạch tổ chức thực hiện chỉ thị này”.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh Phan Kiều Thanh Hương kiến nghị, khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW cần nghiên cứu thay đổi nhận thức các cơ quan, để khi ban hành chủ trương, chính sách có yếu tố tác động đời sống, tâm tư người dân cần chủ động, nhớ ngay tới vai trò giám sát, PBXH của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Điều này góp phần cho công tác PBXH chủ động hơn.

Đồng thời, cần nghiên cứu, xây dựng quy định về chế tài xử lý các tổ chức, cá nhân không phối hợp trong phản biện, giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội…

Nhấn mạnh việc triển khai nhiệm vụ này phải có trọng tâm, trọng điểm, mang tính xây dựng cao, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị ban thường trực ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương cần chủ động tham mưu ban hành kế hoạch của ban thường vụ tỉnh, thành ủy để triển khai thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW.

MTTQ các tỉnh, thành phố cần chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật từ đó đề xuất Ban Thường trực dự thảo, trình ra Đoàn Chủ tịch trao đổi, thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sửa đổi bổ sung, ban hành văn bản mới quy định chi tiết các hình thức giám sát, PBXH của MTTQ Việt Nam.

Bên cạnh đó, MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội cần quan tâm đến việc củng cố, nâng cao chất lượng của lực lượng làm công tác giám sát, PBXH. Cần phát huy vai trò của các hội đồng tư vấn, ban tư vấn thuộc ủy ban MTTQ các cấp; ưu tiên việc thu hút đội ngũ chuyên gia, nhân sĩ trí thức, nhà khoa học, người hoạt động thực tiễn chuyên sâu trong từng lĩnh vực tham gia công tác giám sát, PBXH.

Bài, ảnh: TUYẾT NGA