Cần đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế, phân bổ nguồn lực thực sự hiệu quả

Cập nhật, 21:28, Thứ Sáu, 06/01/2023 (GMT+7)

Ngày 6/1, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh có ý kiến đóng góp trong phiên thảo luận về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, quy hoạch tổng thể quốc gia lần đầu tiên được thực hiện theo Luật mới là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài. Đảng ta đã yêu cầu trong xây dựng, thảo luận, phê duyệt quy hoạch phải nhận thức đầy đủ những nội dung của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kết luận của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) về Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và thực tế phát triển kinh tế, xã hội đất nước thời gian qua.

Việc lập, ban hành Quy hoạch tổng thể quốc gia là rất cần thiết, nhằm xác định rõ mô hình phát triển theo không gian lãnh thổ mang tính kết nối, đồng bộ, thống nhất cao, tạo không gian phát triển, động lực tăng trưởng mới, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững và đạt được các mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tôi đánh giá rất cao nỗ lực, cố gắng của Chính phủ trong việc phấn đấu hoàn thành Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đã thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn và mục tiêu phát triển, đồng thời cũng xác định Định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành, lĩnh vực chủ yếu, tổ chức không gian theo vùng, lãnh thổ định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia.

Báo cáo quy hoạch đề xuất 2 kịch bản phát triển, bao gồm:

- Kịch bản thấp với dự báo tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân: 6,26%/năm giai đoạn 2021 - 2025; 6,34%/năm giai đoạn 2026-2030; 6,3%/năm cho cả giai đoạn 2021 – 2030; 6,49%/năm giai đoạn 2031 – 2050.

- Kịch bản phấn đấu với dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân: 6,63%/năm giai đoạn 2021 - 2025; 7,48%/năm giai đoạn 2026 – 2030; 7,05%/năm cho cả giai đoạn 2021 – 2030; 7,16%/năm trong giai đoạn 2031 - 2050.

Với kịch bản này, đến năm 2050, GDP bình quân đầu người của nước ta sẽ thuộc nhóm các nước có thu nhập cao với tốc độ tăng trưởng ấn tượng như tầm nhìn Đại hội Đảng XIII đã đề ra và chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Để đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn dài là một thách thức rất lớn, trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có nhiều biến động và bản thân nội tại nền kinh tế Việt Nam còn nhiều rào cản, điểm nghẽn.

Do đó đề nghị, trên cơ sở đánh giá xu hướng thế giới, những thuận lợi, thách thức, cơ hội mới trong và sau đại dịch COVID-19 từ đó có các giải pháp phù hợp để phát huy tối đa các nguồn lực cùng với sự tham gia phối hợp của cả hệ thống chính trị; trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh, đồng bộ hơn các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế, nhằm bảo đảm việc phân bổ nguồn lực thực sự hiệu quả; chủ động nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế và đối ngoại, tạo đòn bẩy cho phát triển và thực sự trở thành trụ cột của tăng trưởng kinh tế.

Nội dung Báo cáo quy hoạch cơ bản đã đánh giá được các đặc điểm điều kiện tự nhiên, yếu tố phát triển và hiện trạng phát triển quốc gia làm cơ sở để đề xuất các quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển của đất nước thời kỳ 2021 - 2030. Theo quy hoạch, bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia giao thông, năng lượng, đô thị, hạ tầng số, bảo vệ môi trường, thủy lợi, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; các vấn đề an ninh năng lượng, an ninh lương thực và an ninh nguồn nước được bảo đảm.

Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá tác động của các vấn đề môi trường như bảo vệ môi trường nước, môi trường biển, môi trường không khí, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; đánh giá sâu tác động môi trường khi thực hiện các chương trình, dự án phát triển thuộc quy hoạch từ đó có những giải pháp lâu dài và toàn diện trong đối phó với các vấn đề môi trường khu vực. Song song đó, nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách, cân đối các nguồn lực và cụ thể hóa các giải pháp để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ và định hướng về bảo vệ môi trường đã được xác định trong Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Về giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch, Quy hoạch tổng thể quốc gia xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm gồm: huy động nguồn lực, cơ chế chính sách, khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực và hợp tác quốc tế. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung nội dung về hoàn thiện thể chế, chính sách về văn hóa, đáp ứng các yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần xã hội. Các chính sách phát triển văn hóa vừa phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn, coi trọng các yếu tố đặc thù của văn hóa, vừa phải giữ gìn, kế thừa hồn cốt, các giá trị cao đẹp của văn hóa dân tộc, đồng thời, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm giàu thêm kho tàng văn hóa Việt Nam.

Bên cạnh đó, về định hướng phát triển ngành dịch vụ đề nghị nghiên cứu, bổ sung định hướng phát triển: hệ thống các khu du lịch quốc gia; hạ tầng du lịch; môi trường, tài nguyên, sản phẩm và doanh nghiệp du lịch; xây dựng các hành lang di sản, các sản phẩm trong hành lang di sản.

Nội dung 2: Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 30 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19, có thể khẳng định, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 30, trong đó có cơ chế đặc biệt đặc thù, đặc cách, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương chủ động, sáng tạo, linh hoạt điều hành, đề xuất và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch chưa từng có tiền lệ, đáp ứng yêu cầu vừa phòng, chống và ngăn chặn kịp thời dịch COVID-19. Trên cơ sở Nghị quyết 30 của Quốc hội, Quốc hội tiếp tục ban hành 6 nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 10 nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương ban hành nhiều văn bản cơ bản kịp thời, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Điểm nổi bật trong công tác phòng chống dịch COVID-19 nói chung và thực hiện Nghị quyết 30 là huy động sức mạnh của tinh thần đoàn kết. Trong khó khăn, tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc Việt Nam được phát huy mạnh mẽ, hun đúc thêm truyền thống quý báu, nét đẹp văn hóa của dân tộc ta từ bao đời nay; là sợi chỉ đỏ xuyên suốt với sự đoàn kết cộng đồng nhất là càng đứng trước những khó khăn, gian nan, thiên tai, dịch bệnh... thì tình dân tộc, nghĩa đồng bào lại càng rõ nét.

Tuy nhiên, thống nhất báo cáo thẩm tra của Ủy ban xã hội, việc quản lý, điều trị người mắc COVID-19 thời gian đầu còn một số hạn chế, một số cơ sở y tế chưa đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, việc huy động sự tham gia của y tế tư nhân còn hạn chế do thiếu cơ chế và chính sách; công tác thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 còn vướng mắc; thanh toán chế độ hỗ trợ đối với lực lượng được huy động tham gia phòng, chống dịch còn chưa kịp thời.

Từ thực tế trên, xin có ý kiến như sau:

Thứ nhất, nhất trí đề xuất của Chính phủ cho phép tiếp tục thanh toán chế độ chính sách cho người được điều động, huy động tham gia phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết 12/2021/UBTVQH15 đã thực hiện trước ngày 31/12/2022 mà chưa thanh toán xong và chi phí phòng, chống dịch COVID-19 cho cơ sở y tế và chi phí khám, chữa bệnh cho người bệnh COVID-19 theo Nghi quyết 268/NQ-UBTVQH15, được thực hiện từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Thứ hai, hiện nay, thế giới chưa tuyên bố hết dịch, liên tục biến đổi với các biến chủng mới, biến chủng phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, tránh được miễn dịch, giảm hiệu quả điều trị. Không loại trừ nguy cơ tăng nặng, tử vong trở lại nên việc phòng, chống dịch vẫn không được chủ quan, lơ là, thực hiện hiệu quả phương châm thích ứng linh hoạt, không để dịch bùng phát trở lại, đảm bảo an sinh, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Thống nhất với đề xuất Chính phủ trình Quốc hội kéo dài thêm thời gian thực hiện một số chính sách trong Nghị quyết 30, nhất là liên quan đến mua sắm thuốc, vật tư y tế để đảm bảo công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân; đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19; bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai nghiên cứu, sản xuất vaccine, sinh phẩm, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.

Thứ ba, đề nghị Chính phủ cần có rà soát, đánh giá thực trạng các Trạm Y tế cơ sở, xây dựng đề án tổng thể về đầu tư cơ sở vật chất cho Trạm Y tế trên cả nước để đáp ứng tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Đồng thời, quan tâm đầu tư nguồn nhân lực, có những chính sách đãi ngộ hấp dẫn để thu hút các bác sĩ có chuyên môn tay nghề cao về làm việc tại các Trạm Y tế. Có những chế độ, chính sách, giải pháp tăng thu nhập cho các cán bộ y tế tuyến cơ sở, qua đó giúp họ yên tâm công tác, tận tâm cống hiến với nghề, đây là giải pháp căn cơ, lâu dài để có thể nâng cao được chất lượng y tế cơ sở, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân tốt nhất, nhanh nhất và thuận lợi nhất.

Cùng với đó, cần có sự quan tâm, hỗ trợ của các bệnh viện tuyến trên trong việc tập huấn, hướng dẫn về chuyên môn cho các cán bộ y tế tuyến dưới, đáp ứng nhu cầu, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh cho người dân.

TÂM HUỲNH (ghi)