Gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục, sôi nổi, vượt qua bao nhiêu cam go thử thách, từ một thanh niên yêu nước đến khi trở thành Thủ tướng Chính phủ, cuộc đời Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đi cùng năm tháng hào hùng của Đảng, Nhà nước, Nhân dân. Vị Thủ tướng trong lòng dân là "ánh sao rực sáng trong công cuộc đổi mới".
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các cơ quan Trung ương và địa phương cùng các nhà khoa học về dự hội thảo. |
Gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục, sôi nổi, vượt qua bao nhiêu cam go thử thách, từ một thanh niên yêu nước đến khi trở thành Thủ tướng Chính phủ, cuộc đời Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đi cùng năm tháng hào hùng của Đảng, Nhà nước, Nhân dân. Vị Thủ tướng trong lòng dân là “ánh sao rực sáng trong công cuộc đổi mới”.
Người của những quyết sách lớn, bước ngoặt lớn
Tại Hội thảo cấp quốc gia “Đồng chí Võ Văn Kiệt - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam”, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã nói, với 86 tuổi đời, 69 tuổi Đảng, gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục trải qua nhiều hy sinh, gian khổ, gắn liền với những chặng đường lịch sử vẻ vang của Đảng và dân tộc, đồng chí Võ Văn Kiệt với phẩm chất đạo đức cách mạng và tài năng của một nhà lãnh đạo xuất sắc, đã để lại những dấu ấn quan trọng và những cống hiến to lớn, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta làm nên những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam, từ cách mạng giải phóng dân tộc, đấu tranh giành độc lập, thống nhất Tổ quốc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.
Theo TS Phan Công Khanh - Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực IV, dấu ấn của người lãnh đạo thể hiện ở nhiều cấp độ, trước tiên là những công trình cụ thể có giá trị về phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tiếp nữa là những quyết sách có ý nghĩa định hướng trên các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại... giúp tăng cường nguồn lực, giải phóng sức sản xuất, mở ra một hướng đi mới, từ đó làm giàu cho đất nước. Hơn nữa là thay đổi, đưa quê hương, đất nước lên một trình độ phát triển mới, từ nghèo nàn, lạc hậu thành giàu có, hiện đại. Đây là 3 mức độ của dấu ấn lãnh đạo. Dấu ấn Võ Văn Kiệt đã đạt đến một phần căn bản của mức độ thứ ba, khi mà đất nước ta đang trên con đường đi đến mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” một cách vững chắc. Ông Ban Ki-moon - Tổng Thư ký thứ VIII của Liên hiệp quốc từng nhận xét: “Như một động lực chính cho những cải cách kinh tế tại Việt Nam, ngài Võ Văn Kiệt đã mở đường cho sự chuyển mình của đất nước từ đói nghèo sang một thập kỷ tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng”.
Riêng đối với ĐBSCL, Thủ tướng Võ Văn Kiệt để lại nhiều dấu ấn trước, sau kháng chiến và nhất là thời đổi mới. Những công trình và quyết sách do ông gợi ý và chỉ đạo đã làm thay đổi một vùng đất rộng lớn, đem lại sinh kế cho nhiều người, góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Có thể kể ra một số công trình chính như: chương trình khai hoang Đồng Tháp Mười, dự án thoát lũ ra biển Tây - ngọt hóa Tứ giác Long Xuyên, cầu Mỹ Thuận, Nhà máy Khí điện đạm Cà Mau, cải tạo kênh Quan Chánh Bố cho tàu trọng tải lớn tiếp cận Cảng Trà Nóc, Cảng Cái Cui... Có những công trình tưởng như không thể nào thực hiện được hoặc có sự tranh luận nhiều chiều về hiệu quả, mà nếu người lãnh đạo không quyết đoán và không dám chịu trách nhiệm thì có lẽ vẫn còn đang bàn thảo. Có những công trình được coi là lựa chọn sống còn cho một vùng đất và hàng triệu con người.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh xem ấn phẩm sách về Thủ tướng Võ Văn Kiệt. |
TS Phan Công Khanh chia sẻ: “Dấu ấn lớn nhất của ông Võ Văn Kiệt có lẽ là dấu ấn trong lòng dân. Đi với cách mạng, tức là đi với nhân dân, ông lấy bí danh Sáu Dân, đặt tên con gái là Hiếu Dân. Cả đời ông yêu dân, hiếu dân, sống gần gũi dân, hết lòng hết sức lo cho dân”.
Cả một đời trăn trở vì dân
Có cả một chặng đường dài gắn bó, ông Trần Hữu Phước là thư ký thân cận khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt làm Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng và cố vấn BCH Trung ương Đảng. Hồi tưởng nhiều kỷ niệm khó quên, ông Trần Hữu Phước đầy xúc động nói: Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người truyền ngọn lửa lớn nhất cho bản thân ông và người dân cả nước bởi sự lăn xả, khí phách, vượt mọi khó khăn.
Ông Trần Hữu Phước kể: Giai đoạn sau giải phóng, đất nước còn nghèo, người dân còn đói khổ, người ta gọi ông là chủ tịch “heo”, chủ tịch “gà” vì ông đi khắp các địa phương mua lương thực cứu đói cho dân. Ông còn động viên cấp dưới, các xí nghiệp, công ty phá rào để tự cứu lấy mình và bảo nếu có ở tù thì tôi mang cơm cho các anh. Chính khí phách như thế của Thủ tướng đã khơi dậy cả phong trào đổi mới để tháo gỡ khó khăn, làm cách mạng xanh vì nước vì dân. Từ đó, nhân dân Nam Bộ gọi ông là hiện tượng Võ Văn Kiệt, là ánh sao băng sáng rực trong công cuộc cách mạng đổi mới xây dựng đất nước.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên chia sẻ: “Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã rời xa chúng ta 14 năm, để lại cho đời gia tài đồ sộ, khối di sản mang ý nghĩa lịch sử và thời đại. Khi mọi người nhắc về chú Sáu Dân cũng đều có thầm mong muốn đất nước chúng ta làm sao có nhiều con người như chú Sáu. Nhắc nhở rằng các thế hệ nối tiếp phải biết tự học, học thật làm thật, sống thật với nhân dân, với Đảng, biết vận dụng sáng tạo vào bối cảnh mới, yêu cầu mới, nhiệm vụ mới”.
Ông Trần Hữu Phước có thời gian dài làm thư ký và có nhiều kỷ niệm gắn bó cùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt. |
Đối với quê hương Vĩnh Long, theo Bí thư Tỉnh ủy - Bùi Văn Nghiêm, sau khi đất nước thống nhất, được giao đảm nhiệm những trọng trách của Đảng, Nhà nước, trở thành người đứng đầu Chính phủ, dù bộn bề nhiệm vụ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt vẫn luôn dành tình cảm sâu nặng và tâm huyết cho quê hương. Thủ tướng nhắc nhở các đồng chí lãnh đạo tỉnh phải luôn chú ý vai trò quyết định của công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Mỗi chuyến về quê hương Vĩnh Long, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đều đề nghị xuống thăm cơ sở, khi thì một gia đình nông dân sản xuất giỏi xã Chánh An, huyện Mang Thít; lúc là bà con lao động TT Vũng Liêm; đến tận nơi khảo sát việc phòng, chống lũ, bảo vệ vườn cây ăn trái các xã cù lao; nghe chuyện cạp bờ sông Cổ Chiên phát triển lò gạch, gốm sứ, xí nghiệp đóng tàu…
“Với quê hương, đất nước, chú Sáu Dân đã sống trọn vẹn nghĩa tình. Ông đã cống hiến biết bao tâm huyết, sức lực cho khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc và sự vươn lên mạnh mẽ của một dân tộc anh hùng. Sẽ còn mãi vang vọng đến mai sau lời căn dặn ân tình của đồng chí: Còn dân là còn tất cả. Có dân sẽ làm nên tất cả”- đồng chí Bùi Văn Nghiêm chia sẻ.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin