Chiều 24/10, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long tham gia thảo luận ở tổ về các dự án luật: Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Chiều 24/10, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long tham gia thảo luận ở tổ về các dự án luật: Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.
* Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long- Nguyễn Thị Minh Trang:
Tôi cơ bản nhất trí với tờ trình của Chính phủ và báo cáo của cơ quan thẩm tra về sự cần thiết sửa đổi luật phòng, chống rửa tiền để cụ thể hóa chủ trương lãnh đạo của Đảng đối với việc hoàn thiện pháp luật về phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng sát với thực tiễn của đất nước, bảo đảm sự độc lập, tự chủ về kinh tế cũng như bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn tài chính quốc gia và phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Qua nghiên cứu dự thảo luật, tôi xin tham gia một số ý kiến cụ thể như sau:
1. Giải thích từ ngữ (điều 3): Đề nghị bổ sung giải thích từ ngữ đối với các cụm từ “tiền ảo”, “giao dịch liên quan đến tiền ảo”, “Tổ chức có hoạt động mua bán, trao đổi tiền ảo”. Khoản 3, giải thích cụm từ "tài sản"; giải thích cụ thể, rõ ràng cụm từ “vô hình” nhầm tránh gây hiểu nhầm, khó xác định. Khoản 4, giải thích cụm từ "giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo" đề nghị thay thế cụm từ “bằng hoặc vượt mức do Thủ tướng Chính phủ quy định” bằng quy định giá trị cụ thể hoặc tương đương, phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, nhất là Bộ luật hình sự, chứ không nêu chung chung và lại tiếp tục giao Thủ tướng Chính phủ quy định.
Đối với quy định về Hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền (điều 6), tại điểm a khoản 2 đề nghị thay cụm từ “người phạm tội rửa tiền” bằng cụm từ “người thực hiện hành vi rửa tiền”. Vì khi xác định có hành vi rửa tiền thì có thể phong tỏa tài sản ngay chứ không cần phải đợi xác định có phạm tội rồi mới áp dụng phong tỏa tài sản, như vậy sẽ mất thời gian, thậm chí người thực hiện hành vi rửa tiền có đủ thời gian để tiêu hủy chứng cứ hay tẩu tán tài sản.
Điểm c khoản 2 điều 6 đề nghị bổ sung cụm từ “theo quy định pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế” như thế sẽ đầy đủ ý và chính xác hơn. Cụ thể như sau: “Yêu cầu trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin không có đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế.”
Về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phòng, chống rửa tiền (từ điều 47 đến điều 62): Liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước được giao thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống rửa tiền, hiện nay việc chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành, ngân hàng cấp trên, cấp dưới với nhau chưa được thực hiện một cách đầy đủ và chặt chẽ. Luật sửa đổi lần này phải thiết kế theo hướng tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có liên quan, đặc biệt giữa Ngân hàng Nhà nước với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Hải quan, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng để có thêm nhiều cơ chế chặt chẽ hơn và có chú trọng phát huy hiệu quả của công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành và chế tài nghiêm minh đấu tranh có hiệu quả loại hình tội phạm rửa tiền.
* Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Phong:
Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động Phòng, chống rửa tiền hiện nay góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền; xây dựng hệ thống pháp luật về phòng chống rửa tiền phù hợp với các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác về phòng chống rửa tiền tại Việt Nam trong thời gian tới. Đồng thời, thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước đối với công tác phòng, chống rửa tiền, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hành lang pháp lý.
Tôi nhất trí cao với sự cần thiết xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền(sửa đổi). Tuy nhiên qua nghiên cứu dự thảo luật tôi có ý kiến như sau:
Bổ sung quy định về quản lý “tiền ảo” trong dự án Luật Phòng, chống rửa tiền vì trên thực tế, mặc dù không phải là sản phẩm công nghệ mới, thế nhưng với lợi thế dễ dàng trao đổi trên phạm vi toàn cầu, tiền ảo là một kênh hữu hiệu để tội phạm lợi dụng rửa tiền, tài trợ khủng bố. Các đối tượng tội phạm dễ dàng chuyển đổi các khoản tiền thu được thông qua những hoạt động bất hợp pháp thành tiền “sạch” hoặc chuyển các khoản tài trợ cho khủng bố thông qua việc mua bán, trao đổi đồng tiền ảo ở các quốc gia khác nhau.
Tại khoản 1 điều 8 đề nghị sửa cụm từ “trợ giúp” thành cụm từ “giúp sức”; tại khoản 2 điều 8 đề nghị chỉnh sửa bổ sung thành “thiết lập, duy trì, sử dụng tài khoản vô danh hoặc tài khoản đăng ký bằng giấy tờ giả mạo, giấy tờ của người, tổ chức khác, giấy tờ không do cơ quan có thẩm quyền cấp”. Đề nghị chỉnh lý “thư ký cho doanh nghiệp” tại điểm đ khoản 4 điều 4 và điểm đ khoản 2 điều 9 của dự thảo thành “thư ký giám đốc doanh nghiệp”.
Về quy định nhiệm vụ của Cục Phòng, chống rửa tiền (điều 25, 33, 34, 35, 36, 37, 43), đề nghị cân nhắc lại việc quy định trực tiếp Cục phòng, chống rửa tiền được thực hiện các nhiệm vụ quy định tại các điều 25, 33, 34, 35, 36, 37, 43 của dự thảo luật vì đây là chức năng nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và nếu có việc phân công nhiệm vụ thì phải được quy định trong nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của ngân hàng.
Tại khoản 3 điều 45, đề nghị bổ sung “phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam định kỳ thực hiện đánh giá rủi ro về rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản; kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản; sàn giao dịch bất động sản theo quy định tại điều 7 luật này”.
* Đại biểu Quốc hội Trịnh Minh Bình:
Đối với nội dung nghị quyết ban hành nội qui kỳ họp Quốc hội sửa đổi, dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, tôi thống nhất cao nội dung dự thảo trên cơ sở tiếp thu chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên cơ sở góp ý của các đại biểu Quốc hội cũng như các ý kiến đã góp ý trong buổi thảo luận tại tổ.
Riêng đối với Luật Phòng, chống rửa tiền, tôi thống nhất sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng chống rửa tiền như nội dung dự thảo và để hoàn thiện nội dung dự thảo luật tôi có một ý kiến góp ý cụ thể như sau: Điều 17- cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị là người giữ chức vụ cấp cao trong các cơ quan, tổ chức của nước ngoài và tổ chức quốc tế… cần làm rõ khái niệm chức vụ cấp cao trong các cơ quan, tổ chức của nước ngoài và tổ chức quốc tế để có cách hiểu thống nhất trong quá trình triển khai thực.
TÂM HUỲNH (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin