Nhận diện, đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc, bảo vệ lịch sử Đảng

06:10, 26/10/2022

Lịch sử Đảng là một bộ phận trọng yếu, chi phối chiều hướng phát triển của lịch sử dân tộc từ khi có Đảng lãnh đạo. Đây là lịch sử hình thành, ra đời, hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình chỉ đạo, lãnh đạo cách mạng, đất nước Việt Nam. 

Lịch sử Đảng là một bộ phận trọng yếu, chi phối chiều hướng phát triển của lịch sử dân tộc từ khi có Đảng lãnh đạo. Đây là lịch sử hình thành, ra đời, hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình chỉ đạo, lãnh đạo cách mạng, đất nước Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá dịp Đảng ta tròn 30 tuổi (1960): “Màu cờ đỏ của Đảng chói lọi như mặt trời mới mọc, xé tan cái màn đen tối, soi đường dẫn lối cho Nhân dân ta vững bước tiến lên con đường thắng lợi”, “lịch sử Đảng là cả một pho lịch sử bằng vàng”. Pho sử ấy được tô thắm, vững chãi cùng với những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng ta suốt hơn 90 năm qua. Vì vậy, bảo vệ lịch sử Đảng cũng như bảo vệ báu vật, tài sản của quốc gia, chính là thiết thực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay.

Hiện nay các thế lực thù địch thường xuyên sử dụng các thủ đoạn xuyên tạc lịch sử Đảng, bằng cách tạo ra và phát tán thông tin không đúng sự thật về các sự kiện lịch sử Đảng theo các cấp độ từ mơ hồ, phiến diện, thêm thắt, cắt xén, thổi phồng, bóp méo đến bịa đặt, hòng làm cho người tiếp nhận thông tin hiểu sai bản chất, mục tiêu, lý tưởng cách mạng, vai trò, vị thế của Đảng; qua đó, nhằm thực hiện âm mưu phá hoại nền tảng tư tưởng, phủ nhận công lao, đóng góp của Đảng, xóa bỏ chế độ một đảng lãnh đạo, thủ tiêu con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Các luận điệu xuyên tạc lịch sử Đảng tập trung vào các nội dung: xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng; đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin; kêu gọi từ bỏ lý tưởng cộng sản và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Xuyên tạc Cương lĩnh chính trị, chủ trương, đường lối của Đảng; phủ nhận vai trò lãnh đạo, công lao, đóng góp của Đảng; đòi đổi tên Đảng, kêu gọi “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập”, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang. Xuyên tạc, phủ nhận những thắng lợi, thành tựu cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Xuyên tạc những sai lầm, khuyết điểm, hạn chế, thiếu sót của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng. Xuyên tạc đoàn kết nội bộ Đảng và thân thế, sự nghiệp, tư tưởng cách mạng, đời tư của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, ra sức bảo vệ lịch sử Đảng chính là bảo vệ thành quả cách mạng; bảo vệ tổ chức và cán bộ, đảng viên của Đảng; bảo vệ thanh danh, uy tín của Đảng đối với Nhân dân và niềm tin của Nhân dân vào Đảng và chế độ cộng sản. Để thực hiện được điều đó, cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền lịch sử Đảng cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vai trò, vị thế, công lao, đóng góp, truyền thống vẻ vang của Đảng ta. Coi trọng, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, ý nghĩa bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc lịch sử Đảng đối với sự nghiệp cách mạng và bảo vệ chế độ.

Thứ hai, nâng cao chất lượng nghiên cứu, giảng dạy, học tập, vận dụng lịch sử Đảng trong hệ thống trường Đảng và hệ thống giáo dục quốc dân; tạo ra các thế hệ cán bộ, đảng viên, sinh viên “tự miễn dịch” với luận điệu xuyên tạc lịch sử Đảng. Đối với nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, cần đảm bảo khách quan, khoa học, chính xác, tránh sáo rỗng, lý luận chung chung. Đối với dạy, học lịch sử Đảng phải sinh động, tạo được sự lay động tâm hồn để biết, hiểu, tin và tích cực hành động.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, chú trọng từ các tổ đảng, chi bộ đảng, đảng viên ngay cơ quan, đơn vị, coi trọng sinh hoạt tư tưởng, sinh hoạt chuyên đề bảo vệ nền tảng tư tưởng, lịch sử Đảng trong các cuộc họp chi bộ định kỳ; giáo dục cán bộ, đảng viên thực sự là người gương mẫu, đi đầu để quần chúng tin tưởng noi theo.

Thứ tư, đa dạng hóa các hình thức đấu tranh, biên soạn chuyên đề sinh hoạt chi bộ định kỳ; tổ chức viết bài đấu tranh; các hoạt động công đoàn, đoàn thanh niên, CLB, đội nhóm; thi tìm hiểu, diễn thuyết, kể chuyện về tấm gương cán bộ, đảng viên chiến đấu, hy sinh anh dũng, tù đày, vượt ngục, sự hiên ngang khi ra pháp trường... Sử dụng nhiều phương tiện đấu tranh, đặc biệt coi trọng đấu tranh trên không gian mạng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hấp dẫn, hiệu quả.

Bác Hồ dạy rằng “Ăn quả phải nhớ người trồng cây. Trong cuộc sống an bình hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ của Đảng ta, của Nhân dân ta. ... Máu đào của các liệt sĩ ấy làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do.

Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt tất cả mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã chuyển lại cho chúng ta”. Lời dạy đó của Bác Hồ càng nhắc nhở chúng ta phải nâng cao tránh nhiệm bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ; vững tin vào thắng lợi con đường cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo.

QUYÊN TRẦN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh