Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát thì những biểu hiện tiêu cực sẽ không có chỗ để manh nha, phát triển; những biểu hiện suy thoái của cán bộ các cấp cũng được ngăn chặn kịp thời.
Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát thì những biểu hiện tiêu cực sẽ không có chỗ để manh nha, phát triển; những biểu hiện suy thoái của cán bộ các cấp cũng được ngăn chặn kịp thời.
Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị là một trong những nội dung quan trọng được thảo luận tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII. Dự kiến, Trung ương sẽ có một Nghị quyết về nội dung này.
Trong 5 phương thức lãnh đạo của Đảng hiện nay, công tác kiểm tra, giám sát được đánh giá là một trong những phương thức có ý nghĩa sống còn của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, không kiểm tra là không lãnh đạo.
Ông Nguyễn Ngọc Lâm |
Kiểm tra, giám sát kém hiệu quả sẽ dẫn tới nhiều sai phạm
Ông Nguyễn Ngọc Lâm, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chỉ ra rằng, thực tiễn quá trình lãnh đạo của Đảng trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn quan tâm, chăm lo đến việc xây dựng đường lối, chủ trương đúng đắn.
Đi liền với đó là công tác kiểm tra, giám sát, bởi nếu không chú trọng công tác này, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng có thể vẫn đi vào cuộc sống nhưng những mặt trái sẽ tác động và làm phương hại, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, đến lòng tin của nhân dân với Đảng.
Việc đề ra đường lối, chủ trương đúng đắn, đi liền với công tác kiểm tra, giám sát là điều tất yếu, khách quan, không thể không làm, mà phải làm thường xuyên, liên tục.
Phân tích thêm về vai trò quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nhấn mạnh, kiểm tra, giám sát kém hiệu quả sẽ dẫn tới nhiều sai phạm. Và việc kiểm tra giám sát của Quốc hội vừa rồi về lãng phí tiêu cực theo ông Ngô Văn Sửu là một minh chứng rõ nét.
“Quốc hội đã chỉ ra lãng phí, tiêu cực ở hàng trăm, hàng nghìn dự án “treo” kéo dài từ năm này sang năm khác. Theo tôi, tình trạng lãng phí tồn tại trong một thời gian dài như thế khiến người dân không có nhà ở, đất ở đã cho thấy quyết định lãnh đạo, chủ trương đường lối đã bị buông lỏng kiểm tra, giám sát, hoặc kiểm tra, giám sát không hiệu quả.
Quá trình ra một quyết định lãnh đạo cũng mất nhiều công đoạn để làm sao quyết định phải đúng, phải chính xác, phải phù hợp với quy luật phát triển của đất nước, tình hình thực tiễn của đất nước.
Khi đã ban hành quyết định rồi thì phải kiểm tra xem quyết định đó có được thực hiện không, được thực hiện thế nào, vướng mắc ở đâu, không thực hiện được do lý do gì. Theo tôi, những vấn đề rất cơ bản về lý luận xây dựng Đảng chưa được các cấp ủy quán triệt tốt”, ông Sửu nhấn mạnh.
Ông Ngô Văn Sửu |
Từ kinh nghiệm trong quá trình làm công tác kiểm tra, ông Sửu cũng cho rằng, trong thực tiễn, nếu kiểm tra sâu sát, khách quan, trung thực, không nể nang, né tránh thường sẽ có va chạm. “Cho nên nếu không có bản lĩnh, người làm công tác kiểm tra, giám sát sẽ không làm đến nơi đến chốn được.
Người ta quà cáp, mời mọc, đút lót có khi anh cho qua, kết luận hời hợt, kết luận cho xong. Thời tôi người ta hay nói là đi đóng dấu chất lượng chứ không phải đi kiểm tra, họ sai mà không dám quyết là sai, không dám xử phạt”, ông chia sẻ.
Những năm trước đây, theo ông Sửu, công tác kiểm tra, giám sát đã xử lý được nhiều sai phạm. Để làm tốt công tác kiểm tra, giám sát đòi hỏi người đứng đầu phải có quyết tâm, chỉ đạo sát sao, xử lý mạnh.
Nhìn nhận một cách toàn diện, ông Nguyễn Ngọc Lâm, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, công tác kiểm tra giám sát có nơi còn xem nhẹ hoặc buông lỏng.
Chính vì vậy, việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng đã không đi vào cuộc sống một cách đầy đủ và có ý nghĩa, dẫn đến những vi phạm của cán bộ, đảng viên các cấp, đặc biệt là cán bộ cấp cao trong quá trình thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Tại Hội nghị Trung ương 6, đánh giá công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng thời gian qua, Tổng Bí thư cho rằng, đã có nhiều đổi mới, đột phá trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhưng kết quả đó chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; chất lượng, hiệu quả chưa đều ở các cấp, việc tự kiểm tra, giám sát còn nhiều hạn chế...
Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại này đã được chuyên gia chỉ ra, đó là thiếu cơ chế để kiểm tra, đánh giá và nhắc nhở thường xuyên nên mới dẫn tới sự tùy tiện, “vượt rào” của không ít cán bộ đảng viên.
Hay việc lựa chọn không đúng người làm công tác kiểm tra, giám sát, giao nhiệm vụ không đúng cũng dễ dẫn đến tiêu cực. Trong khi tiêu cực xảy ra trong quá trình kiểm tra, giám sát sẽ dẫn đến hiệu quả vô cùng lớn.
Một số chuyên gia cho rằng, trong các hạn chế, tồn tại không thể không nói tới trách nhiệm của cơ quan kiểm tra các cấp khi không kiên quyết xử lý ngay từ đầu, có nơi nhân nhượng để cho các tổ chức đảng được tự kiểm điểm, tự khắc phục, nhưng thực tế về cơ sở đã không thực hiện được, khiến cho những biểu hiện tiêu cực, sai phạm từ lúc manh nha đã không được phát hiện sớm để chấn chỉnh kịp thời.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII (Ảnh: Trọng Phú) |
Kiểm tra, giám sát chặt sẽ phát hiện, ngăn chặn sớm tiêu cực
Để đổi mới thành công phương thức lãnh đạo của Đảng, trong đó có phương thức lãnh đạo bằng công tác kiểm tra, giám sát, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị phải chủ động tích cực, có quyết tâm chính trị cao, đồng thời cũng cần thận trọng, có bước đi vững chắc, vừa làm vừa tổng kết rút kinh nghiệm, vấn đề nào đã rõ thì kiên quyết đổi mới, vấn đề nào cần thiết nhưng chưa rõ, còn ý kiến khác nhau thì phải nghiên cứu thí điểm, không nóng vội nhưng cũng không bỏ qua hoặc để quá chậm ảnh hưởng đến sự phát triển, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Phải kế thừa, phát huy những thành tựu, kết quả, kinh nghiệm tốt trong phương thức lãnh đạo của Đảng đã được thực tiễn chứng minh là đúng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Lâm, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương, công tác kiểm tra, giám sát đòi hỏi phải làm thường xuyên, các cấp ủy từ Trung ương tới cơ sở phải coi đây là nhiệm vụ thường xuyên.
Chính vì vậy phải tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ đảng viên về ý thức trách nhiệm, không được làm trái, phương hại đến lợi ích của Đảng. Ai cố tình vi phạm hoặc không chấp hành những quy định này dứt khoát phải bị xử lý một cách thỏa đáng.
“Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát thì những biểu hiện tiêu cực sẽ không có chỗ để manh nha, phát triển, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ các cấp từ đó cũng được ngăn chặn kịp thời.
Cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ có chức vụ quyền hạn, cán bộ cấp cao sẽ tự ý thức, tự răn đe bản thân không dám, không thể làm những việc sai trái, ảnh hưởng đến lợi ích của Đảng, của nhân dân, của đất nước”, ông Lâm nêu quan điểm./.
Theo Thanh Hà/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin