Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã làm thay đổi vận mệnh dân tộc Việt Nam, từ thân phận nô lệ thành một quốc gia độc lập, tự do, góp phần khẳng định giá trị của độc lập, tự chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội, phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của loài người.
Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã làm thay đổi vận mệnh dân tộc Việt Nam, từ thân phận nô lệ thành một quốc gia độc lập, tự do, góp phần khẳng định giá trị của độc lập, tự chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội, phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của loài người. Những cống hiến vĩ đại của Người về xây dựng thiết chế nhà nước tự chủ, về thể chế kinh tế tự cường và thúc đẩy hội nhập phát triển vì một Việt Nam giàu đẹp, làm cho di sản của Người ngày càng lan tỏa mạnh mẽ và trở thành những giá trị bền vững soi sáng công cuộc đổi mới hiện nay.
Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã có những cống hiến vĩ đại về xây dựng thiết chế nhà nước tự chủ, về thể chế kinh tế tự cường và thúc đẩy hội nhập phát triển vì một Việt Nam giàu đẹp. |
Thiết chế nhà nước tự chủ - phương thức vận hành quản lý hiệu lực, hiệu quả
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải qua quá trình khảo nghiệm, suy tư trong thời gian dài để tìm ra mô hình nhà nước dân chủ cộng hòa - được xây dựng theo thiết chế dân chủ và trên cơ sở khối đại đoàn kết toàn dân. Điều này thể hiện sự đột phá trong tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo của Người, khác với nhà nước công nông ở Liên Xô. Việc Người xác lập nhà nước của dân, do dân và vì dân là khẳng định mục tiêu hướng đến của nhà nước, nhưng cũng thể hiện rõ tính chất, đặc trưng của nhà nước bảo đảm quyền "là chủ" và "làm chủ" của nhân dân.
Người nhấn mạnh tinh thần phục vụ nhân dân của nhà nước và để có một nhà nước tự chủ thì bao giờ cũng phải đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết thảy. Nhà nước có tính dân tộc sâu sắc sẽ giữ vững bản chất giai cấp của nhà nước và gắn kết chặt chẽ với lợi ích của toàn dân, phát huy được "tài dân, sức dân" để làm lợi cho dân. Qua đó, nhà nước có cơ sở xã hội chắc chắn là nhân dân, dân đặt niềm tin, được dân ủng hộ, dân giúp sức làm cho nhà nước có sức mạnh tổng hợp. Hiện nay, điều này tiếp tục đặt ra là "sao cho được lòng dân" như phương châm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói để không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ công, công khai, minh bạch trong tất cả các thủ tục hành chính; điều hành, quản lý mang tính phục vụ và kiến tạo, cải cách hành chính; tiếp nhận, giải quyết những thắc mắc, khiếu kiện của dân; mở rộng đối thoại giữa Nhà nước và doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh.
Mặc dù Người chưa sử dụng khái niệm "Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" nhưng Người đã sớm đề cao vai trò của Hiến pháp và pháp luật trong quản lý xã hội. Người chủ trương xây dựng một hệ thống tổ chức bộ máy vận hành, quản lý xã hội trên cơ sở quy định của Hiến pháp và một thiết chế nhà nước xuất phát từ con người và vì con người, thể hiện sâu đậm tính nhân văn và hàm chứa những giá trị đạo đức con người Việt Nam.
Người từng chỉ dạy: "Nghĩ cho cùng vấn đề tư pháp cũng như mọi vấn đề khác trong lúc này là vấn đề ở đời và làm người". Điều này đã tạo nên dấu ấn đặc biệt ở "khoan dung Hồ Chí Minh" và "pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh".
Tuy nhiên, hiện nay hệ thống pháp luật ngày càng tăng về số lượng nhưng vẫn chưa theo kịp cuộc sống. Trong khi các luật, quy định đã ban hành còn thiếu đồng bộ, khó thực hiện, mức độ tiêu cực còn nhiều ở khâu hành pháp. Vì thế, lúc này cần hoàn thiện, bổ sung hệ thống pháp luật như: Luật Kiểm kê tài sản, Luật Hải quan, Bộ luật Hình sự,… bảo đảm tính khả thi, dễ hiểu, thể hiện tính khái quát, hàm chứa nội dung thực tế, quy định cụ thể để giảm thiểu nhiều văn bản hướng dẫn hoặc tình trạng "nay đổi, mai sửa". Việc phổ biến pháp luật phải được tiến hành thường xuyên, thực thi nghiêm minh theo tinh thần "thượng tôn pháp luật", như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói "công bố đạo luật… chưa phải đã là mọi việc đều xong, mà còn phải tuyên truyền giáo dục lâu dài mới thực hiện được tốt".
Xây dựng nhà nước tự chủ là công cụ để phục vụ dân chứ không phải là gánh nặng cho dân. Người nói: Các cơ quan chính quyền vô luận thế nào cũng phải biên chế hợp lý. Điều này cho thấy tính quyết đoán trong công tác tổ chức và tầm nhìn của Người bắt nhịp phương châm xây dựng hệ thống chính trị tinh giản, hiệu lực, hiệu quả hiện nay. Do đó, việc phân công, phân cấp, phân quyền và xây dựng mô hình chính quyền địa phương phù hợp với yêu cầu thực tiễn, bảo đảm sự điều hành, quản lý nhà nước thống nhất nhưng vẫn phát huy quyền tự chủ, tính chủ động của từng địa phương. Xây dựng cơ chế nhằm nâng cao quyền hạn của người đứng đầu đi đôi với hoàn thiện, thực thi cơ chế kiểm soát quyền lực, phòng, chống lạm quyền và lợi ích nhóm. Đẩy mạnh công tác tinh giản biên chế, xác định vị trí việc làm để nâng cao chất lượng cán bộ thực thi chức trách.
Người có những chỉ đạo rất rõ ràng về nhà nước trong sạch, vững mạnh, có đội ngũ cán bộ "đủ đức, đủ tài". Người nêu những căn bệnh trong bộ máy dễ nảy sinh, coi như thứ "giặc nội xâm" là đặc quyền, đặc lợi; tham ô, lãng phí, quan liêu; tư túi, chia rẽ, kiêu ngạo… Nếu không "thanh liêm", "thanh khiết" và "vô dụng" thì không thể có nhà nước tự chủ. Người luôn đề cao trách nhiệm chính trị gắn liền với trách nhiệm đạo đức, "vừa là đạo đức, vừa là văn minh" của mỗi cán bộ, đảng viên trong các cơ quan công quyền.
Do vậy, nhà nước hiện nay cần tiếp tục xây dựng "Chính phủ liêm chính", xây dựng cơ chế, chế tài thu hút người tài, thải loại cán bộ không làm tròn nhiệm vụ; đấu tranh với căn bệnh "dùng người nhà chứ không dùng người tài", "con ông cháu cha" và tệ "chạy chọt" trong tuyển dụng cũng như cần đào tạo, cất nhắc những cán bộ trẻ có phẩm chất và năng lực tốt.
Thể chế kinh tế tự cường - yếu tố trung tâm tạo nên Việt Nam giàu đẹp
Từ một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra nhiệm vụ quan trọng nhất là phải "cải tạo nền kinh tế cũ và xây dựng nền kinh tế mới, mà xây dựng là nhiệm vụ chủ chốt và lâu dài". Tất cả mọi hoạt động kinh tế là nhằm "không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân". Qua đó sẽ tạo động lực quan trọng cho việc phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực trong nhân dân. Những quan điểm của Người chỉ đạo các hoạt động kinh tế cơ bản là thước đo có ý nghĩa giá trị trong mỗi chính sách và biện pháp kinh tế nước ta thời kỳ đổi mới.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phương thức của việc phát triển kinh tế tự cường là tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm. Công nghiệp hóa là xu hướng tất yếu để phát triển kinh tế bền vững, góp phần thúc đẩy sản xuất xã hội phát triển, giải phóng sức lao động, huy động nguồn vốn lớn và công nghệ hiện đại, tạo ra năng suất cao. Người cho rằng: "Đó là con đường phải đi của chúng ta: Con đường công nghiệp hóa nước nhà".
Công nghiệp hóa đặt ra những yêu cầu mới về việc tổ chức quản lý kinh tế cần chú trọng khâu then chốt "phải đẩy mạnh quản lý xí nghiệp và cán bộ, công nhân phải thạo kỹ thuật; các cơ quan lãnh đạo thì phải đi sâu đi sát, phục vụ sản xuất". Phải sử dụng hợp lý và hiệu quả các nguồn lực để gia tăng sức mạnh toàn diện của đất nước; trong sản xuất cần tiết kiệm là yêu cầu bắt buộc để hoạch định và thực thi chiến lược phát triển kinh tế.
Người khuyên tiết kiệm của cải, tiền bạc, thời gian, sức lực (sức dân) và tiết kiệm cả trong tiêu dùng của cải. "Tiết kiệm nghĩa là: 1 giờ làm xong công việc của 2, 3 giờ. 1 người làm bằng 2, 3 người. 1 đồng dùng bằng giá trị 2, 3 đồng". Người không coi tiết kiệm đồng nghĩa với bủn xỉn, manh mún, hà tiện, coi đồng tiền to như cái nống (cái nong). Theo Người, tiết kiệm không phải là bủn xỉn, khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu; khi có việc đáng làm, việc lợi ích cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Người nói: "Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô". Vì vậy, những chỉ dạy của Người phải chung sức, đồng lòng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là bài học quý báu trong mọi hoàn cảnh.
Trong quản lý kinh tế, Người chú trọng vai trò của nhà nước với tư cách là công cụ điều tiết toàn bộ nền kinh tế và với tư cách là một chủ thể của một thành phần kinh tế. Chính phủ xây dựng cơ chế, chính sách, xác lập và duy trì hệ thống các nguyên tắc quản lý kinh tế và tạo ra các đòn bẩy kích thích sự phát triển kinh tế tập trung trong những lĩnh vực chủ yếu; đảm bảo sự quản lý tập trung của nhà nước và vừa đảm bảo quyền tự chủ của cơ quan, đơn vị kinh tế chủ quản, với nguyên tắc thống nhất trong quản lý kinh tế: phù hợp - công bằng - có lợi - tiết kiệm - hiệu quả.
Người chủ trương: "Quản lý một nước cũng như quản lý một doanh nghiệp: phải có lãi. Cái gì ra, cái gì vào, việc gì phải làm ngay, việc gì chờ, hoãn hay bỏ, món nào đáng tiêu, người nào đáng dùng, tất cả mọi thứ đều phải tính toán cẩn thận". Trong nguyên tắc hạch toán kinh tế thì phải lấy hiệu quả kinh tế làm thước đo, do vậy, người quản lý kinh tế phải biết sử dụng các đòn bẩy kinh tế để đạt hiệu quả cao.
Bài học hiện hữu mà Người nêu lên các vấn đề giá, lương, tiền, thuế, khoán, thưởng và phạt với tư cách là những đòn bẩy trong các lĩnh vực kinh tế khác nhau sẽ kích thích lao động, sản xuất nhiều - nhanh - tốt - rẻ, tạo ra sản phẩm ích nước, lợi nhà. Và thể chế kinh tế cần được tiếp tục hoàn thiện theo nguyên tắc: Nhà nước mạnh - thị trường hiệu quả - xã hội năng động, sáng tạo.
Trong tổ chức và cán bộ quản lý phát triển kinh tế đòi hỏi "phải tìm cách tổ chức sắp đặt cho hợp lý, để 1 người có thể làm việc như 2 người, 1 ngày có thể làm việc của 2 ngày, 1 đồng chí có thể dùng bằng 2 đồng chí". Người đòi hỏi cán bộ quản lý kinh tế cần giữ vững nguyên tắc dần dần, từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, tự nguyện, cùng có lợi, tránh chủ quan, gò ép, phô trương hình thức. Người khuyên "chớ ham làm mau, ham rầm rộ", mà bám sát vào đặc điểm, tình hình cũng như kinh nghiệm trong quản lý kinh tế.
Đặc điểm lớn nhất của cán bộ quản lý kinh tế có liên quan đến nhiều vật tư, tiền của, rất dễ bị cám dỗ, tha hóa, biến chất, nếu không khéo sẽ gây thất thoát, hậu quả xấu cho cơ sở kinh tế. Vì vậy, Người đòi hỏi cán bộ quản lý kinh tế phải có những phẩm chất, tư cách và tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu đặt ra. Người đặt vấn đề cán bộ quản lý kinh tế cần định hướng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ kết hợp với mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế nhằm phát huy nội lực, tiềm năng, thế mạnh của đất nước và tranh thủ thời cơ, điều kiện thuận lợi của quốc tế để phát triển kinh tế nước nhà. Phát triển kinh tế phải gắn liền với thực hiện nhiệm vụ chính trị, với tiến bộ xã hội và đạo đức con người, qua đó củng cố hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa.
Vì vậy, những vấn đề Người đặc biệt quan tâm có ý nghĩa hiện nay là việc nâng cao tinh thần xã hội chủ nghĩa và tinh thần tập thể, chống chủ nghĩa cá nhân, tạo động lực cần thiết cho sự phát triển.
Xét về cơ cấu kinh tế thông thường trên 3 góc độ là cơ cấu theo ngành, cơ cấu theo thành phần, cơ cấu theo vùng lãnh thổ, trong đó, cơ cấu ngành là quan trọng nhất. Theo Người, vì nước ta là một nước nông nghiệp nên trong cơ cấu ngành kinh tế phải coi trọng nông nghiệp mà trước hết là sản xuất lương thực. Người chỉ ra 3 ngành kinh tế có mối liên hệ hữu cơ với nhau là nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp. Chính phủ xây dựng cơ chế, chính sách, xác lập và duy trì hệ thống các nguyên tắc quản lý kinh tế và tạo ra các đòn bẩy kích thích sự phát triển kinh tế, trong đó tập trung vào 5 thành phần kinh tế.
Do đó, việc "đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh, bền vững" và nâng cao chất lượng, hiệu quả tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư là yêu cầu mà Đảng ta đặt ra trong bối cảnh hiện nay.
Trong quá trình lãnh đạo, Người đánh giá cao vai trò của kinh tế tư nhân và coi đó là lực lượng cần thiết cho cuộc xây dựng kinh tế nước nhà, cho nên, Chính phủ cần giúp họ phát triển. Kế thừa và vận dụng quan điểm đó, Đảng ta ban hành nhiều nghị quyết khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân. Nghị quyết số 10, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII khẳng định: "Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế". Đại hội XIII của Đảng tiếp tục định hướng: Tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, lớn mạnh về quy mô, nâng cao về chất lượng" và xóa bỏ mọi rào cản, định kiến cho kinh tế tư nhân phát triển.
Thúc đẩy hội nhập và phát triển - hiện thực hóa khát vọng đất nước hóa rồng
Trong các bài nói, bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường sử dụng khái niệm đoàn kết và hợp tác quốc tế, thực chất đó là hội nhập quốc tế, bởi vì hội nhập quốc tế là hình thức phát triển cao của hợp tác quốc tế, là quá trình chủ động chấp nhận, áp dụng và tham gia xây dựng các luật lệ và chuẩn mực quốc tế nhằm phục vụ tối đa lợi ích dân tộc.
Người sử dụng thuật ngữ "phát triển" tới hơn 1.500 lần trong di sản của mình, cho thấy "lý tưởng sâu xa của Người là một hệ thống tư tưởng để hướng tới độc lập và phát triển và trong triết lý này, phát triển là một quá trình liên tục nhằm hoàn thiện hạnh phúc con người.
Người đã sớm đặt vấn đề mở rộng quan hệ quốc tế theo hướng đa phương và đa dạng nhằm phát huy hết tiềm năng nội lực quốc gia và tạo điều cho quá trình hội nhập quốc tế phát triển. Những nỗ lực trong cuộc đời của Người cho đất nước độc lập, tự do, hạnh phúc thật sự là thông điệp có giá trị về sự phát triển của dân tộc - nhân loại - thời đại.
Chính vì thấy rõ tầm vóc thời đại nên Giáo sư Furuta Moto (Nhật Bản) đánh giá rằng: "Tư tưởng và hành động của Hồ Chí Minh thể hiện tính văn minh nhân loại nhưng lại rất Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh mang tính chất thời đại chứ không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với riêng Việt Nam".
Người đã mở ra cho nhân loại một đường lối hội nhập tự chủ, bình đẳng và hợp tác, không gây thù oán với một ai. Tư tưởng hội nhập của Người càng có ý nghĩa và trở thành bài học quốc tế hiện nay khi chủ nghĩa quốc tế còn tồn tại, chủ nghĩa bành trướng bá quyền vẫn hiện hữu; một thế giới có nước lớn, nước nhỏ, nước giàu, nước nghèo, nước phát triển và nước kém phát triển, giao lưu và hợp tác, với những tồn tại, mâu thuẫn luôn tiềm ẩn gây ra nguy cơ xung đột, tranh chấp, chiến tranh. Như đánh giá của Thủ tướng Indira Gandhi (Ấn Độ) đã coi Người "là một nhà lãnh đạo mềm dẻo mà vĩ đại và kiên định".
Đóng góp to lớn của Người về hội nhập quốc tế là tạo nền tảng lý luận cho đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Thế giới biết đến Người là đường lối "ngoại giao tâm công" (ngoại giao chinh phục lòng người). Người nêu rõ chính sách đối ngoại của Việt Nam là "thiết tha mong muốn duy trì tình hữu nghị và thành thật hợp tác trên cơ sở bình đẳng và tương trợ để xây dựng hòa bình thế giới lâu dài" và "sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với chính phủ nước nào tôn trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hòa bình và xây đắp dân chủ thế giới".
Trong "một thế giới phẳng" ngày nay cho thấy một quốc gia, dù lớn mạnh đến đâu, cũng không thể đứng ngoài thế giới mà phải có sự hợp tác để phát triển. Hội nhập phải bảo đảm nguyên tắc "bình đẳng" và "cùng có lợi", thật sự, chân thành, xóa bỏ mọi sự hợp tác "giả tạo", "tô vẽ" để lừa bịp lẫn nhau. Đây là tư tưởng và là nguyên tắc hội nhập quốc tế hoàn toàn đúng đắn với thực tại lịch sử; giữ vững bản sắc ngoại giao truyền thống Việt Nam. Và đây cũng là thông điệp cho một thế giới tin tưởng, bình đẳng, hợp tác lẫn nhau trên cơ sở "cùng có lợi"...
Giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh về hội nhập là hợp tác chủ động, toàn diện, tôn trọng lẫn nhau trên nguyên tắc có đi có lại, "giúp bạn tức là tự giúp mình". Người đã nêu rõ chủ trương, đường lối và chính sách hội nhập của Việt Nam theo các nguyên tắc quốc tế đã được Hiến chương Liên Hợp Quốc ghi nhận, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới sau chiến tranh; phù hợp với nguyện vọng của nhân dân các nước.
Người khẳng định: "Việt Nam hết sức thân thiện và thành thực hợp tác trên lập trường bình đẳng, tương trợ với các nước nhược tiểu dân tộc trên toàn cầu,... hợp tác chặt chẽ trên nguyên tắc bình đẳng để ủng hộ lẫn nhau trong xây dựng và giữ vững nền độc lập". Qua đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra một chân lý rằng hội nhập không chỉ ở những quốc gia có cùng chế độ chính trị, mà còn có thể và cần phải được thực hiện giữa các quốc gia có chế độ chính trị không giống nhau, nhằm mang lại lợi ích cho các bên, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, giữ vững hòa bình, ổn định trên thế giới.
Vì vậy, đến năm 2020, Việt Nam có 30 đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện, có quan hệ ngoại giao với 189/193 nước, có quan hệ kinh tế với 160 nước và 70 vùng lãnh thổ. Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát triển quan hệ ở nhiều mức độ khác nhau với 247 chính đảng ở 111 quốc gia, trong đó 96 đảng cộng sản, 63 đảng cầm quyền, 28 đảng tham gia liên minh cầm quyền, tham chính. Đó chính là những giá trị bền vững và trở thành giá trị văn hóa của nhân loại hiện nay và trong tương lai.
Di sản Hồ Chí Minh thể hiện quan điểm phát triển cường thịnh là hài hòa, toàn diện các mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội phải được coi trọng như nhau và phải phát huy tối đa mọi nguồn lực trong các lĩnh vực nhằm phát triển đất nước. Do đó, phải xây dựng đường lối, chính sách để hội tụ và phát huy tốt nhất yếu tố bên trong (nội lực), đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tăng cường "ngoại lực" để tạo nên sức mạnh tổng hợp phục vụ sự nghiệp cách mạng.
Chính vì vậy, học giả Nimi Wariboko (Mỹ) đánh giá về cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng: "Các tiến bộ xã hội đem lại từ chủ nghĩa hoạt động chính trị của các lãnh tụ như Hồ Chí Minh xứng đáng được công nhận vì tầm nhìn cho tương lai". Đưa nước ta trở nên hùng cường và thịnh vượng, nhân dân được hưởng ấm no và hạnh phúc là mục tiêu phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân ta; phấn đấu đến năm 2045 sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đây cũng là khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là định hướng, mục tiêu lớn, là ước nguyện của nhân dân, của dân tộc Việt Nam về một tương lai "hóa rồng" và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
TS. Lê Trung Kiên
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Theo Báo điện tử Chính Phủ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin