Vĩnh Long- những ngày Tháng Tám lịch sử

11:08, 18/08/2022

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam, chấm dứt thời kỳ đô hộ của thực dân Pháp, phát xít Nhật, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tinh thần Cách mạng Tháng Tám là bất diệt! 
 

TP Vĩnh Long hôm nay. Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH
TP Vĩnh Long hôm nay. Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam, chấm dứt thời kỳ đô hộ của thực dân Pháp, phát xít Nhật, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tinh thần Cách mạng Tháng Tám là bất diệt! 
 
Khắp nơi trong tỉnh Vĩnh Long đồng loạt khởi nghĩa
 
Nằm trên trục lộ giao thông huyết mạch của ĐBSCL, nên vào những ngày tháng 8/1945 ở Vĩnh Long luôn sôi động; nhiều tin tức, thời sự nóng hổi dội về: hết lực lượng đồng minh đánh bại phát xít Đức- Ý, đến Liên Xô tuyên chiến với Nhật; ngày 13/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào quyết định tổng khởi nghĩa toàn quốc; rồi đến phát xít Nhật đầu hàng đồng minh vô điều kiện...
 
Thời cơ đến làm nức lòng người dân Vĩnh Long, ngày 14/8/1945 bùng lên một cuộc biểu tình lớn của hơn ngàn người thuộc các tầng lớp nông dân, thợ thuyền, tiểu thương, tiểu chủ, học sinh, công chức... do lực lượng thanh niên ở quận Châu Thành và tỉnh lỵ Vĩnh Long tổ chức. Trước khí thế sục sôi cách mạng, chính quyền binh lính địch án binh bất động. Tin cuộc biểu tình ở Vĩnh Long lan nhanh khắp tỉnh và trong vùng.
 
Ngày 16/8/1945, diễn ra sự kiện Đại hội quốc dân ở Tân Trào thông qua lệnh tổng khởi nghĩa, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch kêu gọi “Giờ phút quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy nổi dậy, đem sức ta mà giải phóng cho ta”.
 
Ngày 19/8/1945, Thủ đô Hà Nội tổng khởi nghĩa thắng lợi. Ngày 20/8/1945, Xứ ủy Nam Kỳ quyết định đưa Việt Minh ra hoạt động công khai, thành lập ban lãnh đạo khởi nghĩa và chủ trương vận động Nhân dân toàn xứ giành chính quyền trên toàn miền.
 
Ngày 22/8/1945, Chi bộ đặc biệt ở tỉnh lỵ Vĩnh Long do đồng chí Nguyễn Văn Thiệt làm Bí thư tổ chức họp khẩn cấp tại Trường Tiểu học Trung Thành, làng Thiềng Đức (nay là Phường 5, TP Vĩnh Long) triển khai kế hoạch khởi nghĩa. Tại cuộc họp đã phân công cụ thể việc chỉ đạo tại tỉnh lỵ và phổ biến cho các quận trong tỉnh.
 
Ngày 23/8/1945, Mặt trận Việt Minh tỉnh Vĩnh Long kêu gọi toàn dân vùng lên tổng khởi nghĩa. Quần chúng nổi dậy khắp nơi, chính quyền và quân đội địch hoang mang cực độ. Ở một số địa phương như: Vĩnh Xuân, Trà Côn, Tích Thiện, Thuận Thới, Hựu Thành bộ máy chính quyền địch đã bị giải tán. Ngày 24/8/1945, Chỉ thị về tổng khởi nghĩa chính thức của Xứ ủy Nam Kỳ về đến Vĩnh Long. Ngay sau đó được truyền nhanh xuống các địa phương trong toàn tỉnh. Chiều cùng ngày, Chi bộ đặc biệt do đồng chí Nguyễn Văn  Thiệt làm Bí thư tổ chức họp khẩn đề ra kế hoạch khởi nghĩa, chọn lực lượng Thanh niên Tiền phong làm nòng cốt của cuộc  khởi nghĩa.
 
Đúng 7 giờ ngày 25/8/1945, cuộc khởi nghĩa đã nổ ra tại tỉnh lỵ Vĩnh Long. Một cuộc biểu tình rầm rộ với hàng ngàn quần chúng xuống đường, có lực lượng Thanh niên Tiền phong đi đầu, mang theo cờ vàng sao đỏ (là cờ của lực lượng Thanh niên Tiền phong), cờ búa liềm, giương cao biểu ngữ và hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Việt Minh muôn năm” diễu hành qua các đường phố chính, rồi kéo vào Nhà việc Long Châu- nơi đóng trụ sở chính quyền quận Châu Thành (nay là UBND TP Vĩnh Long) để nghe lời hiệu triệu của Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Vĩnh Long, công bố các chính sách lớn của Việt Minh.
 
Chính quyền địch bị tê liệt trước khí thế của quần chúng. Tỉnh trưởng Vĩnh Long là Lương Khắc Nhạc buộc phải hạ vũ khí đầu hàng và giao chính quyền lại cho Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Vĩnh Long vào lúc 10 giờ ngày 25/8/1945. Cùng ngày, Quận ủy Tam Bình đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa; toàn bộ lực lượng Thanh niên cứu quốc và hàng ngàn quần chúng cách mạng đều được vũ trang bằng súng lửa, kiếm, dao găm... đổ về bao vây dinh quận, hô vang các khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Đả đảo Pháp- Nhật”… Tên Quận trưởng Tài cùng thuộc hạ không dám chống cự và trước áp lực của cuộc khởi nghĩa đã buộc phải bàn giao chính quyền cho Ủy ban Khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa ở quận lỵ Tam Bình kết thúc thắng lợi lúc 12 giờ trưa ngày 25/8/1945. 
 
Tiếp theo, tại quận Vũng Liêm, khởi nghĩa đồng loạt nổ ra ở quận lỵ và các xã từ rạng sáng 26/8/1945. Lực lượng khởi nghĩa trang bị súng lửa, tầm vông, giáo mác, gậy gộc… xông vào các trụ sở của địch, lục soát và đốt hầu hết hồ sơ, tài liệu ở dinh quận và các trụ sở làng. Đoàn người hô vang các khẩu hiệu: “Đả đảo đế quốc Pháp- Nhật”, “Tân chính phủ trả chính quyền cho Việt Minh”… Đến chiều, toàn bộ tổ chức chính quyền các cấp của địch ở quận Vũng Liêm đều bị tan rã. Ở quận Trà Ôn sau 2 ngày giằng co và kết thúc thắng lợi lúc 9 giờ sáng 27/8/1945, tên Tư Khen- Quận trưởng Trà Ôn đầu hàng và bàn giao chính quyền cho lực lượng khởi nghĩa cùng toàn bộ hồ sơ, tài liệu và 16 khẩu súng các loại. 
 
Ngày 27/8/1945 ở quận Chợ Lách, lực lượng khởi nghĩa được trang bị súng lửa, gươm, giáo, dao, gậy gộc… đã biểu tình hô các khẩu hiệu: “Mặt trận Việt Minh muôn năm”, “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm”,… Đến chiều khởi nghĩa kết thúc thắng lợi.
Tại tỉnh lỵ Vĩnh Long, Ủy ban Khởi nghĩa đến nhà dây thép (nay là Bưu điện Vĩnh Long tại Phường 1)- nơi đặt trụ sở quân Nhật để thương thuyết, buộc tên quan tư Nhật ở Vĩnh Long hạ vũ khí giao nộp cho quân cách mạng.
 
Như vậy, ngày 27/8/1945, chính quyền Nhật ở Vĩnh Long đã sụp đổ hoàn toàn từ tỉnh đến quận và hầu hết các làng xã.
 
Lần đầu tiên kể từ khi Pháp chiếm Vĩnh Long năm 1867- 1945, sau gần 78 năm đấu tranh kiên cường, bền bỉ, chính quyền cách mạng đã về tay Nhân dân.
 
  Đô thị Vĩnh Long ngày càng phát triển.Ảnh: PHẠM PHONG
Đô thị Vĩnh Long ngày càng phát triển.Ảnh: PHẠM PHONG
Vĩnh Long thành lập chính quyền cách mạng 
 
Ngày 28/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức cuộc mít tinh lớn gồm hàng chục ngàn người tập trung ở sân bóng đá Vĩnh Long (sau này là trụ sở UBND tỉnh Vĩnh Long (cũ- trên đường Hoàng Thái Hiếu). Tại cuộc mít tinh này, Ủy ban Khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền mới, chính quyền cách mạng của dân, gồm các ông:
 
- Ông Nguyễn Văn Phát: Chủ tịch
- Bác sĩ Trương Ngọc Quế: Phó Chủ tịch
- Ông Phan Văn Sử: Tổng Thơ ký
- Ông Hoàng Nhị Trừu: Ủy viên Tài chánh
- Ông Nguyễn Văn Thiệt: Ủy viên Quân sự
- Ông Nguyễn Hữu Thế: Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh làm Ủy viên 
- Ông Lê Văn Nhật: Giám đốc Quốc gia tự vệ cuộc làm  Ủy viên
- Ông Trần Văn Lợn: Đại diện Cộng hòa vệ binh làm Ủy viên
- Ông Cao Thanh Viễn: Thơ ký
 
Chính quyền cách mạng tỉnh Vĩnh Long đã kêu gọi toàn dân đoàn kết xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, xây dựng cuộc sống mới; đồng thời tham gia xây dựng lực lượng võ trang, dân quân du kích sẵn sàng chống giặc Pháp tái chiếm. Củng cố an ninh trật tự, trừng trị những tên phản động, tay sai cho địch, phá hoại cách mạng, có nhiều nợ máu với Nhân dân.
 
Đảng bộ, Mặt trận Việt Minh và Ủy ban cách mạng lãnh đạo Nhân dân đấu tranh trên 3 mặt trận: diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm, kết hợp thực hiện 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh. Tịch thu tài sản của bọn đế quốc, Việt gian chia cho dân nghèo, bãi bỏ mọi thứ thuế của đế quốc đặt ra để bóc lột Nhân dân, giảm tô, hoãn nợ cho dân. Thực hiện xóa mù chữ theo phương châm người biết chữ dạy người chưa biết chữ, tổ chức thành phong trào học văn hóa, bổ túc văn hóa thực hiện nhiều biện pháp khuyến khích trẻ em đi học. Thực hiện các chính sách ruộng đất đối với nông dân, khuyến khích Nhân dân tăng gia sản xuất. Phát triển kinh tế đất nước, ngày làm việc 8 giờ, Nhân dân có quyền học tập, được đào tạo nhân tài giúp nước… được toàn thể Nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh.
Mùa vàng.Ảnh: THANH THIỆN
Mùa vàng.Ảnh: THANH THIỆN
 
Như vậy, cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám ở Vĩnh Long là sự nổi dậy đồng loạt, mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiến hành đấu tranh chính trị có sự phối hợp của các hoạt động vũ trang. Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần lễ, kể từ khi nhận được chỉ thị của Trung ương, Nhân dân Vĩnh Long đã nhất tề đứng dậy giành toàn thắng. Hệ thống tổ chức bộ máy chính quyền dân chủ nhân dân được thành lập. Đảng bộ và Nhân dân Vĩnh Long, cùng với cả nước làm nên thắng lợi cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. 
 
NGUYỄN CHIẾN
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh