Sau Khởi nghĩa Nam Kỳ tháng 11/1940, do tỉnh Vĩnh Long có phong trào cách mạng mạnh nên thực dân Pháp tập trung đàn áp, truy lùng, bắt bớ thẳng tay làm cho nhiều cơ sở Đảng bị tan rã, nhiều đảng viên bị bắt, bị lưu đày ra Côn Đảo hoặc phải tạm lánh sang địa phương khác để bảo toàn lực lượng; nhiều quần chúng trung kiên tham gia khởi nghĩa cũng bị bắt bớ, tù đày.
Trụ sở UBND TP Vĩnh Long, năm 1945 là Nhà việc Long Châu, nơi diễn ra Khởi nghĩa Tháng Tám giành chính quyền thành công. |
Sau Khởi nghĩa Nam Kỳ tháng 11/1940, do tỉnh Vĩnh Long có phong trào cách mạng mạnh nên thực dân Pháp tập trung đàn áp, truy lùng, bắt bớ thẳng tay làm cho nhiều cơ sở Đảng bị tan rã, nhiều đảng viên bị bắt, bị lưu đày ra Côn Đảo hoặc phải tạm lánh sang địa phương khác để bảo toàn lực lượng; nhiều quần chúng trung kiên tham gia khởi nghĩa cũng bị bắt bớ, tù đày. Vì vậy, việc xây dựng lại tổ chức Đảng và củng cố cơ sở cách mạng cho kháng chiến lâu dài là một yêu cầu bức thiết.
Xây dựng lại tổ chức cơ sở Đảng sau Khởi nghĩa Nam Kỳ
Từ cuối tháng 11/1940, thực dân Pháp và chính quyền tay sai thẳng tay đàn áp Khởi nghĩa Nam Kỳ. Tại tỉnh Vĩnh Long, nhiều cơ sở Đảng, cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng bị bắt giam, bị tù đày không qua xét xử. Từ tháng 12/1940 đến tháng 1/1942 tại quận Vũng Liêm có 467 người bị bắt vì tham gia cộng sản, trong đó có 164 người bị đày ra Côn Đảo. Ở xã Mỹ Lộc, quận Tam Bình chúng bắt dân giăng tay thành hàng ngang đi càn qua các đồng lúa trước họng súng của chúng để tìm những người tham gia khởi nghĩa lẫn trốn. Kết quả chúng bắt được 66 người, trong đó có 16 đảng viên.
Nghe lời thực dân Pháp, chính quyền tay sai có “sáng kiến” lập ra cái gọi là “ngũ gia liên bảo”( tức 5 nhà thành một tổ) nhằm kiểm soát chặt chẽ mọi sinh hoạt, mọi hoạt động hàng ngày của người dân. Một bầu không khí vây ráp, rình rập, chỉ điểm bắt bớ, tù đày bao trùm đời sống xã hội tỉnh Vĩnh Long. Phần lớn các đồng chí đảng viên và quần chúng trung kiên không bị bắt phải bỏ nhà, bỏ làng xã chạy sang các tỉnh khác như Bạc Liêu, Cà Mau, Long Xuyên lánh nạn, làm nhiều cơ sở Đảng bị xóa trắng.
Trước tình hình đó, tháng 9/1941, Liên Tỉnh ủy Hậu Giang (gồm 10 tỉnh) họp và bầu bổ sung đồng chí Tạ Bửu là Ủy viên Liên Tỉnh ủy và phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long. Sau hội nghị, đồng chí Tạ Bửu bí mật trở về Tam Bình trực tiếp lãnh đạo củng cố, xây dựng lại các tổ chức cơ sở Đảng trên địa bàn tỉnh. Cuối năm 1942, Liên Tỉnh ủy bầu đồng chí Tạ Bửu làm Phó Bí thư Liên Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, kiêm phụ trách 2 tỉnh Cần Thơ, Trà Vinh.
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và đồng chí Tạ Bửu, nhiều đảng viên mới được kết nạp, nhiều tổ chức cơ sở Đảng, nhiều cơ sở quần chúng trung kiên được khôi phục lại và tích cực hoạt động, trong đó mạnh nhất là các vùng như Ba Chùa, Hòa Bình, Vĩnh Xuân (Trà Ôn), Tam Bình, Châu Thành (nay là Long Hồ) và Vũng Liêm.
Tỉnh ủy lãnh đạo giành chính quyền từ Nhật
Ngày 9/3/1945, khi tình hình chiến tranh Thái Bình Dương chuyển hướng bất lợi, Nhật thay đổi chính sách và bất ngờ đảo chính Pháp, bắt giam các tướng lãnh và tước khí giới của quân đội Pháp ở Sài Gòn, Hà Nội, Huế...
Tại Vĩnh Long, quân Nhật bất ngờ tấn công tỉnh lỵ vào rạng sáng ngày 10/3/1945. Quân Pháp hèn nhát đầu hàng Nhật vô điều kiện, rơi mặt nạ bảo hộ xứ An Nam. Sau khi lật đổ chính quyền thực dân Pháp ở Vĩnh Long, phát xít Nhật giữ nguyên bộ máy chính quyền do Pháp lập, đề cử Quận trưởng quận Châu Thành Lương Khắc Nhạc làm Tỉnh trưởng; cử Lê Thành Tư làm Trưởng ty cảnh sát.
Giống như nhiều nơi khác, sau khi chiếm Vĩnh Long, phát xít Nhật ra sức tuyên truyền “thuyết Đại Đông Á”, hô hào sứ mệnh của Nhật Bản nhằm xây dựng một “khu vực thịnh vượng chung Đại Đông Á” do nước Nhật dẫn dắt. Tuy vậy, trong thực tế thì quân Nhật thẳng tay đàn áp lực lượng kháng chiến, vơ vét lương thực thực phẩm, bóc lột Nhân dân ta thậm tệ để phục vụ chiến tranh, dẫn đến cảnh người dân không đủ cơm ăn, bệnh không thuốc uống, thiếu vải phải lấy cả bao bố tời làm quần áo mặc…
Dưới chiêu bài giúp Đông Dương trong đó có Việt Nam giành độc lập, phát xít Nhật gấp rút lập ra “Chính phủ quốc gia Việt Nam”, đưa nhà sử học Trần Trọng Kim làm Thủ tướng với thành phần chính phủ do Đại sứ Nhật ở Huế là Masayuki Yokoyama chỉ định. Tư liệu lịch sử cho thấy các sự kiện (như: hành động quân sự, lựa chọn nhân vật chính trị, thành lập chính quyền...) diễn ra theo kịch bản đã được tổ chức tình báo của Hải quân Nhật Bản ở Đông Dương chuẩn bị kỹ lưỡng.
Đầu tháng 5/1945 Tỉnh ủy lâm thời Vĩnh Long được thành lập và ra mắt tại Tam Bình, do đồng chí Huỳnh Hữu Phước làm Bí thư, đồng chí Lưu Văn Tài làm Phó Bí thư. Trước đó, tháng 4/1945 hai đồng chí Nguyễn Văn Thiệt, Nguyễn Hữu Thế tổ chức vượt nhà tù Bà Rá ra bắt liên lạc với Xứ ủy. Sau đó hai đồng chí về Vĩnh Long liên hệ với cơ sở cũ và các đảng viên vượt ngục về thành lập “Chi bộ đặc biệt” do đồng chí Nguyễn Văn Thiệt (nguyên Bí thư Tỉnh ủy) làm bí thư. “Chi bộ đặc biệt” tiến hành xây dựng lại cơ sở cách mạng, tổ chức lực lượng nòng cốt tiếp tục đấu tranh.
Tháng 6/1945, “Chi bộ đặc biệt” đã lãnh đạo tổ chức Thanh niên Tiền phong tại Vĩnh Long do bác sĩ Trương Ngọc Quế đứng đầu. Phong trào Thanh niên Tiền phong sau đó phát triển mạnh tại các huyện Trà Ôn, Vũng Liêm, Tam Bình, Cầu Kè và tỉnh lỵ. Đến tháng 8/1945, phong trào Thanh niên Tiền phong thu hút khoảng 70.000 người tham gia trang bị vũ khí thô sơ như gậy, gộc, giáo mác, kiếm,… Nhiều buổi mít tinh, diễn thuyết về truyền thống quật cường của dân tộc, lồng vào đó là chương trình hành động, chính sách của Mặt trận Việt Minh.
Trong ngày 15/8, tại tỉnh lỵ Vĩnh Long và quận Châu Thành diễn ra cuộc xuống đường biểu tình dưới danh nghĩa ủng hộ Đồng minh của hàng ngàn hội viên Thanh niên Tiền phong.
Ngày 19/8, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội.
Ngày 22/8, Thường vụ Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Vĩnh Long họp tại quận Tam Bình bàn chủ trương và kế hoạch khởi nghĩa, thành lập Ủy ban khởi nghĩa. Hội nghị quyết định chọn quân Tam Bình làm trọng điểm cho cuộc khởi nghĩa. Ngày 23/8, Mặt trận Việt Minh tỉnh Vĩnh Long ra lời kêu gọi toàn dân đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh, đồng bào các làng Vĩnh Xuân, Trà Côn, Tích Thiện, Thuận Thới, Hựu Thành thuộc quận Trà Ôn nổi dậy buộc chính quyền phải giải tán trong ngày 23/8.
Trưa ngày 24/8/1945, chỉ thị tổng khởi nghĩa của Xứ ủy về tới Vĩnh Long thì ngay chiều cùng ngày, đồng chí Nguyễn Văn Thiệt đã tổ chức họp khẩn cấp “Chi bộ đặc biệt” thông qua kế hoạch khởi nghĩa tại tỉnh lỵ Vĩnh Long.
7 giờ sáng ngày 25/8/1945, cuộc khởi nghĩa diễn ra tại tỉnh lỵ Vĩnh Long đúng theo kế hoạch. Hàng ngàn quần chúng và hội viên Thanh niên Tiền phong có vũ trang, mang cờ đỏ sao vàng, cờ đỏ búa liềm và cờ Thanh niên Tiền phong với các khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm”, “Việt Nam muôn năm!” diễu hành trên đường phố rồi từ các hướng kéo về tập trung tại Nhà việc Long Châu- trụ sở quận Châu Thành nghe lời hiệu triệu của Ủy ban khởi nghĩa. Ủy ban khởi nghĩa đã công bố các chính sách của Mặt trận Việt Minh. Tỉnh trưởng Vĩnh Long Lương Khắc Nhạc buộc phải đầu hàng và giao chính quyền vào lúc 10 giờ ngày 25/8/1945.
Tại quận Tam Bình, tên Quận trưởng Tài cùng thuộc hạ không dám chống cự và trước áp lực của cuộc khởi nghĩa đã buộc phải bàn giao chính quyền cho Ủy ban Khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa ở quận lỵ Tam Bình kết thúc thắng lợi lúc 12 giờ trưa ngày 25/8. Sau đó, lực lượng khởi nghĩa tỏa về giúp các làng trong quận và chi viện cho quận Trà Ôn.
Ở quận Vũng Liêm, khởi nghĩa đồng loạt nổ ra ở quận lỵ và các xã từ rạng sáng 26/8. Lực lượng khởi nghĩa trang bị súng lửa, tầm vông, giáo mác, gậy gộc xông vào các trụ sở của địch, lục soát và đốt hầu hết hồ sơ, tài liệu ở dinh quận và các trụ sở làng.
Sang ngày 27/8, cuộc khởi nghĩa ở 2 quận Trà Ôn, Chợ Lách cũng giành thắng lợi. Cùng ngày 27/8, tên quan tư Nhật chịu đầu hàng và giao toàn bộ vũ khí cho đại diện quân khởi nghĩa. Như vậy, chính quyền của Nhật tại tỉnh Vĩnh Long mất hoàn toàn vào tay Nhân dân trong ngày 27/8/1945.
Sáng hôm sau 28/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh tổ chức cuộc mít tinh lớn tại sân bóng đá Vĩnh Long (khu vực Văn phòng UBND tỉnh, Phường 1) với sự tham dự của hàng chục ngàn người. Tại đây Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Vĩnh Long tuyên bố xóa bỏ hoàn toàn chính quyền cũ, lập chính quyền mới là chính quyền cách mạng của Nhân dân do ông Nguyễn Văn Phát làm Chủ tịch, bác sĩ Trương Ngọc Quế làm Phó chủ tịch, ông Phan Văn Sử làm Tổng thư ký.
Khởi nghĩa tháng 8/1945 ở Vĩnh Long thắng lợi là kết quả của việc xây dựng, khôi phục tổ chức cơ sở Đảng, tổ chức lực lượng cách mạng, việc chấp hành mệnh lệnh khởi nghĩa cũng như huy động đông đảo Nhân dân tỉnh lỵ Vĩnh Long và toàn tỉnh nhất tề nổi dậy giành chính quyền; đó là nghệ thuật lãnh đạo, là sự chỉ đạo kiên quyết, chớp thời cơ của Đảng bộ tỉnh mà trực tiếp là Tỉnh ủy Vĩnh Long.
Bài, ảnh: HOÀNG KHẢI
(Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long 1930- 2010 và các nguồn khác)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin