Sáng 29/7, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự cuộc làm việc của Ủy ban Pháp luật với các bộ, ngành liên quan về một số nội dung liên quan việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1210 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị và Nghị quyết 1211 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Sáng 29/7, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự cuộc làm việc của Ủy ban Pháp luật với các bộ, ngành liên quan về một số nội dung liên quan việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1210 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị và Nghị quyết 1211 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại buổi làm việc. (Ảnh: Duy Linh) |
Đánh giá cao Bộ Nội vụ và Bộ Xây dựng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, đầy đủ đối với dự thảo các nghị quyết trên tập trung gồm phân loại đơn vị hành chính và phân loại đô thị, Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc sửa đổi, bổ sung cần căn cứ trên cơ sở thực tiễn, cơ sở lý luận, cơ sở khoa học và kinh nghiệm quốc tế, nội dung các nghị quyết cần có tính thống nhất quốc gia và có tính đến yếu tố đặc thù.
Theo tờ trình, Chính phủ đề nghị sửa đổi 4/15 điều, bổ sung mới một điều và bãi bỏ một điều đối với Nghị quyết 1210, trong đó tập trung bổ sung quy định về phân loại đô thị theo yếu tố vùng miền, sửa quy định về phân loại đô thị áp dụng cho một số đô thị có yếu tố đặc thù.
Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung 10/32 điều, bổ sung 4 điều mới và bãi bỏ một điều của Nghị quyết 1211, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn của đơn vị hành chính trong trường hợp đặc thù.
Mục đích của việc sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn đơn vị hành chính, đặc biệt là đơn vị hành chính có yếu tố đặc thù miền núi, vùng cao, biên giới, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, ở khu vực bãi ngang, bãi bồi ven biển, có giá trị đặc biệt về di sản văn hóa và du lịch…
Từ đó, tạo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.
Hơn nữa, cơ quan soạn thảo cũng nêu việc phân loại đô thị nhằm xác lập cơ sở đánh giá chất lượng đô thị; sắp xếp và phát triển hệ thống đô thị cả nước; phản ánh đúng trình độ phát triển đô thị, đô thị hóa, làm căn cứ cho công tác quy hoạch, quản lý, hoạch định chính sách phát triến đô thị; thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng và điều kiện sống đô thị…
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các cơ quan hữu quan đã nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng và cụ thể hóa các quy định của pháp luật về tổ chức đơn vị hành chính và phát triển đô thị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết, văn bản liên quan.
Các đại biểu cho rằng, đây cũng là công tác kế thừa các quy định của Nghị quyết 1211, Nghị quyết 1210 đã được thực tiễn kiểm nghiệm là hợp lý, đúng đắn; chỉ sửa đổi những quy định không còn phù hợp, vướng mắc, bất cập; đồng thời bổ sung những vấn đề mới đã rõ qua quá trình tổng kết thực tiễn.
Các nội dung sửa đổi, bổ sung trong 2 nghị quyết cần được lý giải trên tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội là phải trên cơ sở lý luận khoa học, thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhất là về tiêu chuẩn, tiêu chí.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, đa số các kiến tán thành về sự cần thiết sửa đổi 2 nghị quyết, thống nhất quan điểm sửa đổi đối với những nội dung, vấn đề đã chín, đã rõ.
Nhấn mạnh cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết mới theo hướng sổ sung các kinh nghiệm quốc tế, cùng các điều khoản liên quan và các ý kiến tại cuộc làm việc hôm nay, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, quan điểm là chỉ sửa 1 bước, chưa sửa toàn diện cũng như bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ giữa 2 nghị quyết này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh: Việc sửa đổi, bổ sung để thể chế hóa một bước các chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và qua tổng kết hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thống nhất chỉ sửa đổi, bổ sung “những nội dung đã rõ, đã chín”.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ báo cáo, để hoàn chỉnh dự thảo riêng biệt 2 nghị quyết trong tháng 8/2022 để Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra, sau đó trình Ủy ban Thường vụ trong tháng 9/2022 xem xét, thông qua.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trong hồ sơ, Ủy ban Pháp luật phải làm rõ sự cần thiết phải sửa đổi; trong sự cần thiết phải dựa trên căn cứ khoa học, cơ sở chính trị, pháp lý, yếu tố lịch sử, có trích dẫn Điều 128 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đó là nguyên tắc đơn vị hành chính được tổ chức ổn định trên cơ sở các đơn vị hành chính hiện có.
Trên tinh thần đó, các nội dung sửa cần tập trung làm rõ quy định chung và quy định đặc thù. Quy định chung cơ bản là không sửa, còn về đặc thù có tiêu chí khác nhau (vùng, miền…), nói rõ thêm 5 nhóm tiêu chí, chủ yếu sửa về quy mô dân số, tỷ lệ dân số và diện tích tự nhiên để đáp ứng yêu cầu thực tiễn…
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong sửa đổi cần bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa 2 nghị quyết.
Theo VĂN CHÚC/Báo điện tử Nhân dân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin