Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương đã thông qua Đề án thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương đã thông qua Đề án thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tính đến thời điểm này, 59/63 tỉnh, thành trong cả nước đã công bố thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của địa phương mình. Nhiều Ban chỉ đạo đã bắt đầu đi vào hoạt động bằng việc tiến hành họp phiên thứ nhất, kiện toàn và phân công nhiệm vụ của từng thành viên cũng như xây dựng và ban hành quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo.
Điều này cho thấy, sức nóng từ quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng ở trung ương đã lan tỏa xuống các địa phương, thể hiện tinh thần “trên dưới đồng lòng”, “nhất hô bá ứng” như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Báo Thanh Hóa. |
Gần đây nhất, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh Thanh Hóa đã họp phiên thứ nhất. Chủ trì phiên họp, ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh hoạt động của Ban Chỉ đạo có ý nghĩa rất quan trọng, cần phải tổ chức công việc chặt chẽ, làm việc nghiêm túc, khoa học, trách nhiệm, xây dựng tập thể đoàn kết, phối hợp công tác với nhau nhịp nhàng.
Ông Đỗ Trọng Hưng yêu cầu từng thành viên trong Ban Chỉ đạo phải gương mẫu, liêm, dũng, chính, trực, tức là phải trong sạch, dũng cảm, ngay thẳng, công tâm, trung thực; phải là những tấm gương về giữ gìn đạo đức lối sống, không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào, không ngại bất cứ lực cản nào.
“Chúng ta phải cam kết với nhau, mỗi thành viên Ban chỉ đạo phải là một tấm gương về liêm khiết, trung thực, công tâm, khách quan, phải là “điểm tựa”, là niềm tin của nhân dân”, ông Hưng nêu rõ.
Có thể khẳng định, không riêng gì Thanh Hóa, những địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng sẽ có chung một quyết tâm như vậy. Và người dân cũng rất mong chờ những quyết tâm ấy sẽ được hiện thực hóa bằng những hành động cụ thể.
Tuy nhiên, dư luận vẫn không khỏi băn khoăn là liệu người đứng đầu Ban chỉ đạo chống tham nhũng ở các địa phương sẽ “ngấm” được bao nhiêu phần trăm quyết tâm chống tham nhũng từ Trưởng Ban chỉ đạo chống tham nhũng của Trung ương – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
Những câu chuyện buồn về tham nhũng, tiêu cực ở địa phương
Ông Bùi Đình Bôn, nguyên Thư ký Khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương đặt vấn đề, liệu rằng bao nhiêu địa phương, người đứng đầu giữ được tinh thần làm việc như Ban chỉ đạo ở cấp Trung ương.
“Đương nhiên, chúng tôi đều mơ ước Ban chỉ đạo cấp địa phương cũng hoạt động nghiêm túc, hiệu quả như Trung ương hoặc gần bằng Trung ương cũng được”- ông Bôn bày tỏ.
Ông Bùi Đình Bôn, nguyên Thư ký Khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương |
Từ thực tế quá trình làm việc ở các địa phương, ông Bùi Đình Bôn được nghe cán bộ, người dân chia sẻ nhiều câu chuyện buồn về tiêu cực, tham nhũng. Tham nhũng đã xuống tới cấp xã, huyện, không chỉ từng cá nhân mà có tổ chức.
Cho nên, ông Bùi Đình Bôn đồng tình với quan điểm cho rằng việc thành lập các Ban chỉ đạo ở cấp tỉnh là để “tạo sự liền mạch, đồng bộ, thống nhất trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo hệ thống từ Trung ương đến địa phương”; sự ra đời của các Ban chỉ đạo ở cấp tỉnh để “chia lửa” với Trung ương trong việc chủ động tấn công, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, suy thoái trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
uy nhiên, bộ máy đó hoạt động ra sao, hiệu quả phòng chống tham nhũng thế nào mới là điều khiến ông trăn trở, lo lắng, dư luận quan tâm.
Lý giải cho cảm xúc của mình, ông Bôn dẫn chứng bằng những câu chuyện thực tế ở các địa phương như: có sự nhập nhèm trong sử dụng tài sản công làm thất thoát ngân sách Nhà nước, việc “lại quả” các quan chức ở cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh khi thực hiện các công trình dân sinh như đường, trường, trạm, chợ, trung tâm thương mại… Hay việc “làm ngơ” của một số lực lượng chức năng khi để xảy ra tình trạng mất trật tự an ninh trên địa bàn…
“Làm sao để dư luận có cái nhìn tích cực hơn về cán bộ. Liệu rằng các thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh có đủ liêm khiết, trong sạch để mạnh tay với tham nhũng như cách các thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp trung ương đang làm hay không ?
Anh không nhúng chàm, sạch sẽ mới có thể thẳng tay được. Còn khi đã nhúng chàm ít nhiều sẽ bị cản trở, thậm chí anh có quyết làm thì rồi anh sẽ bị người khác làm cho thối chí”, ông Bùi Đình Bôn bày tỏ.
Người đứng đầu Ban chỉ đạo cấp tỉnh không làm được sẽ bị xử lý
Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học (Ảnh: Kim Anh) |
Theo chia sẻ của Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học, thời gian qua, các địa phương đã có sự chuyển biến rất tích cực trong cuộc chiến chống tham nhũng, đã chủ động phát hiện, xử lý một cách mạnh mẽ, quyết liệt. Nhiều nơi đã bắt nhịp được yêu cầu chỉ đạo của Trung ương, ban hành chỉ thị về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, hoặc ban hành kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo.
Đặc biệt, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cũng nhấn mạnh câu chuyện Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy chịu trách nhiệm trước đảng bộ, chính quyền, trước nhân dân về công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.
“Nếu người đứng đầu không xứng đáng, không làm được thì sẽ có cơ quan có thẩm quyền xử lý”- ông Nguyễn Thái Học nhấn mạnh.
Theo Quy định số 67 - QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ban hành ngày 2/6/2022, Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương. Ban chỉ đạo làm việc theo chương trình hàng năm, họp thường kỳ 3 tháng/lần, họp đột xuất khi cần. Thường trực Ban chỉ đạo cấp tỉnh họp thường kỳ hàng tháng, họp đột xuất khi cần.
Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy sẽ làm Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Thành viên Ban Chỉ đạo gồm đại diện các cơ quan như Ban Nội chính, Ban Tổ chức; Ban Tuyên giáo, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy, Công an, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Thanh tra tỉnh, Tòa án, VKSND, sở Sở Tư pháp...
Tại hội nghị tổng kết 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực cuối tháng 6 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra kinh nghiệm để Ban chỉ đạo cấp Trung ương hoạt động hiệu quả là do sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan thành viên trong Ban Chỉ đạo.
Theo đó, kỷ luật đảng đi trước, tạo tiền đề, mở đường cho kỷ luật hành chính và cho công tác thanh tra, điều tra, xử lý hình sự theo pháp luật. Các ngành Thanh tra, Kiểm toán làm rõ các sai phạm; xử lý và kiến nghị xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan, thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực kết luận hội nghị tổng kết 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương (Ảnh: Kim Anh) |
Kiên trì điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, không khoan nhượng, không nương nhẹ, không làm oan, sai; không bỏ lọt tội phạm, tạo bước đột phá trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng;
Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng trong công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là sự phối hợp giữa các cơ quan kiểm tra, giám sát, nội chính của Đảng với cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra; giữa cơ quan thanh tra, kiểm toán với cơ quan điều tra; giữa các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương, địa phương và các bộ, ngành chức năng...
Những kinh nghiệm trong hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực chính là bài học quý cho các địa phương, đồng thời tấm gương người đứng đầu Ban chỉ đạo ở cấp Trung ương cũng là hình ảnh sinh động, cụ thể để các địa phương soi vào./.
Theo Thanh Hà/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin