Phạm Hùng- người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long

05:06, 09/06/2022

Vùng đất Vĩnh Long anh hùng với chiều dài 290 năm lịch sử- nơi sinh ra nhiều người con ưu tú cho quê hương, đất nước. Trong đó, có đồng chí Phạm Hùng- nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, là một trong những nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng và Nhà nước ta.

 

“Chúng ta còn sống còn làm việc và học tập, còn sống còn lao động và chiến đấu”. Phạm Hùng
“Chúng ta còn sống còn làm việc và học tập, còn sống còn lao động và chiến đấu”. PHẠM HÙNG

(VLO) Vùng đất Vĩnh Long anh hùng với chiều dài 290 năm lịch sử- nơi sinh ra nhiều người con ưu tú cho quê hương, đất nước. Trong đó, có đồng chí Phạm Hùng- nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, là một trong những nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng và Nhà nước ta.

Đồng chí Phạm Hùng tên khai sinh là Phạm Văn Thiện, sinh ngày 11/6/1912, trong một gia đình nông dân ở ấp Long Thiềng, làng Long Hồ, tổng Bình Long, huyện Vĩnh Bình, tỉnh Vĩnh Long (nay là ấp Long Thuận A, xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long).

Lớn lên trong cảnh đất nước bị xâm lược, Nhân dân bị đàn áp, bóc lột, kế thừa truyền thống yêu nước của quê hương, đồng chí Phạm Hùng sớm tham gia cách mạng ngay từ năm 1927, khi còn đang theo học tại Trường Trung học Mỹ Tho.

Năm 1928, khi mới 16 tuổi, đồng chí đã tích cực tham gia vào các phong trào thanh niên học sinh trong tổ chức “Nam Kỳ học sinh liên hiệp hội” và “Thanh niên cộng sản đoàn”.

Với những hoạt động cách mạng sôi nổi, năm 1930, đồng chí Phạm Hùng vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, được bầu làm Bí thư Chi bộ nhà trường (một trong những chi bộ đầu tiên của tỉnh Mỹ Tho) và trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng sôi nổi nơi đây.

Vì lý do này, đồng chí bị đuổi học và bị xóa tên trong danh sách học sinh của trường. Năm 1931, đồng chí Phạm Hùng được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng của tỉnh. Đến tháng 6/1931, đồng chí rơi vào tay thực dân Pháp.

Trong những năm tháng bị giam cầm nơi nhà tù đế quốc, đồng chí Phạm Hùng đã thể hiện khí phách anh hùng của một người cộng sản kiên cường, bất khuất.

Ba lần đứng trước tòa án đại hình, hai lần đối mặt với bản án tử hình nhưng đồng chí Phạm Hùng đã không hề nao núng, vẫn luôn giữ vững tinh thần lạc quan cách mạng, tư thế hiên ngang chống lại những lời buộc tội vô căn cứ của kẻ thù.

Trước cuộc đấu tranh mãnh liệt của Nhân dân ta và các lực lượng tiến bộ Pháp, đòi ân xá tù chính trị diễn ra rầm rộ, đồng chí được giảm án từ tử hình xuống khổ sai chung thân và bị đày ra Côn Đảo. Nơi địa ngục trần gian, đồng chí Phạm Hùng tỏ rõ tinh thần gang thép của một đảng viên cộng sản.

Những lần kẻ thù điên cuồng trấn áp tù nhân, đồng chí luôn là người đứng mũi chịu sào, lấy thân mình đỡ đòn roi cho các đồng chí, đồng đội, trong đó có các đồng chí Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn.

Với vai trò là Bí thư Đảo ủy, đồng chí đã lãnh đạo và tổ chức nhiều cuộc đấu tranh quyết liệt để giành lấy sự sống cho tù nhân, đòi giảm nhẹ chế độ khổ sai, đòi cải thiện chế độ nhà tù.

Ngay tại nơi tăm tối nhất của chốn lao tù, hình ảnh hiên ngang, bất khuất của anh Hai Phạm Hùng trước kẻ thù, dũng cảm bảo vệ đồng chí, đồng đội mãi là biểu tượng đẹp cho tinh thần, ý chí và nghị lực phi thường của một thế hệ thanh niên yêu nước sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng cách mạng.

Đồng chí Phạm Hùng còn là nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng và Nhà nước. Hơn 75 năm tuổi đời và 60 năm tham gia hoạt động cách mạng, đồng chí Phạm Hùng được Đảng và Nhân dân tin tưởng giao nhiều trọng trách trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong thời kỳ tái thiết, xây dựng đất nước.

Trên bất cứ cương vị, lĩnh vực công tác nào, dù ở thời kỳ cách mạng nào, đồng chí luôn đứng nơi đầu sóng ngọn gió, không quản gian nan, nguy hiểm, trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó.

Ngay khi cách mạng tháng Tám thành công, sau khi vừa thoát khỏi gông cùm, xiềng xích, đồng chí Phạm Hùng tham gia ngay vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở miền Nam và được bầu vào Xứ ủy lâm thời Nam Bộ.

Trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí đã cùng với Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng vào điều kiện cụ thể của Nam Bộ, đề ra chủ trương, đường lối phù hợp với thực tiễn.

Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ không ngừng được đẩy mạnh, vùng giải phóng ngày càng được mở rộng, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cả nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Sau khi Hiệp định Genève về Việt Nam được ký kết, đồng chí Phạm Hùng đã tích cực tham gia tổ chức biên soạn, hoàn thiện dự thảo Đề án về hòa bình thống nhất nước nhà và cách mạng miền Nam làm cơ sở cho sự ra đời của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 và sau đó, đồng chí tham gia hoạch định và chỉ đạo thực hiện đường lối cách mạng Việt Nam, được Đại hội đại biểu lần thứ III của Đảng thông qua.

Năm 1967, đồng chí được phân công vào chiến trường miền Nam khi mà cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang bước vào giai đoạn cam go, ác liệt.

Trên cương vị là chính ủy các lực lượng vũ trang quân Giải phóng, người lãnh đạo cao nhất trên chiến trường miền Nam, với tinh thần cách mạng kiên cường, đồng chí đã cùng Trung ương Cục miền Nam lãnh đạo quân và dân Nam Bộ thành đồng vượt qua muôn ngàn thử thách, cùng với Nhân dân cả nước “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, làm nên chiến công hiển hách nhất trong lịch sử dân tộc.

Sau khi đất nước thống nhất, đồng chí được Đảng và Nhà nước giao giữ nhiều cương vị: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ; đến tháng 6/1987, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam- Thủ tướng đầu tiên của nước ta thời kỳ đổi mới.

Trong những năm đầu thực hiện đường lối đổi mới, tình hình kinh tế- xã hội gặp nhiều khó khăn, khủng hoảng, lạm phát nghiêm trọng, các thế lực thù địch thực hiện cấm vận bao vây, phá hoại nhiều mặt.

Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí Phạm Hùng luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, sự nghiêm túc mẫu mực, luôn chăm lo giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đem hết nhiệt huyết và trí tuệ phục vụ cho Đảng, phục vụ Nhân dân.

Đồng chí đã để lại những dấu ấn sâu đậm của một người cán bộ giàu bản lĩnh, một nhà lãnh đạo tài năng trong các quyết định và triển khai các quyết sách của Đảng và Nhà nước.

Đồng chí Phạm Hùng cùng các lãnh đạo tỉnh Cửu Long xem trưng bày một số hình ảnh sản xuất, xây dựng và phát triển của tỉnh sau ngày giải phóng (năm 1982). Ảnh: TL
Đồng chí Phạm Hùng cùng các lãnh đạo tỉnh Cửu Long xem trưng bày một số hình ảnh sản xuất, xây dựng và phát triển của tỉnh sau ngày giải phóng (năm 1982). Ảnh: TL

Không chỉ là một người chiến sĩ cộng sản kiên trung, một nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, đồng chí Phạm Hùng còn là một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, đời tư trong sáng, lối sống thanh cao, giản dị, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân, xứng đáng là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong đời sống cá nhân, ông vẫn luôn thể hiện tinh thần liêm chính, công tư phân minh. Mặt khác ông còn là tấm gương sáng về lối sống thanh bạch, giản dị, tiết kiệm.

Trong gia đình, đồng chí là người chồng chung thủy, người cha gương mẫu hết lòng yêu thương con cháu nhưng cũng không kém phần nghiêm khắc, luôn muốn các con tự thân cố gắng, không ỷ lại vào địa vị, uy tín của mình.

Là một người con của quê hương Vĩnh Long anh hùng, dù ở đâu và trên cương vị công tác nào, đồng chí Phạm Hùng vẫn luôn dành cho quê hương những tình cảm hết sức chân thành và bình dị.

Là một cán bộ cấp cao của Đảng, dù bận nhiều việc, đồng chí Phạm Hùng vẫn tranh thủ ghé thăm quê nhà trong những lần về Nam công tác, vừa để kiểm tra tình hình, vừa góp ý, động viên cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh hoàn thành nhiệm vụ.

Năm 1983, Đại hội Đảng bộ tỉnh Cửu Long lần thứ III, vinh dự được Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng về dự.

Trong phát biểu, đóng góp cho Đại hội, ông nhấn mạnh: “Đảng bộ tỉnh Cửu Long là một thể thống nhất, là một bộ phận của Đảng Cộng sản Việt Nam, phấn đấu thực hiện mục tiêu, lý tưởng của Đảng.

Vì vậy không nên để chủ nghĩa cá nhân cục bộ, địa phương xen vào gây tổn thương cho sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ Đảng”. Những lời chỉ dẫn của đồng chí tuy không mới, nhưng là vấn đề mấu chốt nhất trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng, là điều kiện tiên quyết để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ cách mạng.

Ngoài ra, đồng chí còn góp ý trên nhiều lĩnh vực quan trọng khác như: vấn đề xây dựng cơ cấu kinh tế của tỉnh, vấn đề kết hợp đẩy mạnh sản xuất với làm chủ phân phối, lưu thông, việc kết hợp xây dựng kinh tế với củng cố quốc phòng và an ninh…

Những góp ý của đồng chí rất chân thành và sâu sát với tình hình địa phương, gợi ý cho tỉnh về cách giải quyết những vướng mắc cơ bản trong việc thực thi những chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước khi triển khai thực hiện ở địa phương.

Ngưỡng vọng nhà cách mạng lỗi lạc. Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH
Ngưỡng vọng nhà cách mạng lỗi lạc. Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng- Người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long- mảnh đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng. Trải qua hàng trăm năm khai hoang, mở đất, con người nơi đây đã hình thành nên những phẩm chất tốt đẹp: cần cù, chịu thương, chịu khó, tương thân tương ái và tinh thần hào hiệp, trượng nghĩa.

Chính những tinh hoa văn hóa truyền thống của quê hương, tinh thần yêu nước, cách mạng, những phẩm chất quý báu của vùng đất và con người Vĩnh Long đã hun đúc nên một người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà cách mạng có uy tín lớn của Đảng mang tên Phạm Hùng.

Đồng thời, chính tấm gương đạo đức sáng ngời, sự nghiệp cách mạng cao cả của đồng chí đã góp phần bồi đắp, tô điểm thêm truyền thống tốt đẹp của quê hương Vĩnh Long anh hùng. 

Đồng chí Phạm Hùng- mãi là niềm tự hào của Đảng bộ và Nhân dân Vĩnh Long, là tấm gương sáng góp phần bồi dưỡng truyền thống cách mạng, tư tưởng và đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng noi theo, ra sức xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

NGUYỄN SAN 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh