Ngày 26/5, trong phiên thảo luận Luật Thanh tra (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long thống nhất sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra năm 2010 nhằm thể chế quan điểm của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về công tác thanh tra, trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức và hoạt động thanh tra, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Ngày 26/5, trong phiên thảo luận Luật Thanh tra (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long thống nhất sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra năm 2010 nhằm thể chế quan điểm của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về công tác thanh tra, trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức và hoạt động thanh tra, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
* Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang- Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long: Quy định rõ hơn về phạm vi, đối tượng, nội dung thanh tra tránh chồng chéo, trùng lặp
Sau khi nghiên cứu những điều khoản đề xuất sửa đổi thể hiện trong dự án luật cho thấy có nhiều nội dung được quy định cụ thể, sát thực tế hơn, như quy định mục đích hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thanh tra.
Đóng góp thêm cho dự án luật, đề nghị cần quy định rõ hơn về phạm vi, đối tượng, nội dung thanh tra của thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành để tránh chồng chéo, trùng lặp. Đồng thời, trong Luật Thanh tra (sửa đổi) cũng cần có mục phân định rõ thanh tra và kiểm tra để khẳng định được sự khác biệt, phân biệt ranh giới, quy trình, thủ tục. Cần rà soát lại quy định về đối tượng thanh tra quy định tại khoản 9, Điều 2 vì trên thực tế hoạt động thanh tra thường liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhưng trong quyết định chỉ nêu cơ quan chủ quản.
Tôi tán thành với quan điểm giữ nguyên tổ chức bộ máy hoạt động Thanh tra cấp huyện vì đây là cơ quan giữ vai trò rất quan trọng, nhất là sau khi thực hiện việc sáp nhập đơn vị hành chính theo Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, qua báo cáo tổng kết thi hành Luật Thanh tra 2010, hiệu quả hoạt động của cơ quan thanh tra cấp huyện thời gian qua còn hạn chế, chủ yếu thực hiện chức năng tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo cho Chủ tịch UBND cấp huyện; không phát huy được vai trò trong phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật, phòng ngừa và phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước của Chủ tịch UBND cấp huyện.
Do đó, để hiện thực hoá pháp luật về thanh tra sau sửa đổi, Chính phủ, Thanh tra Chính phủ cần có các giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập trong các quy định về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra cũng như các quy định về hoạt động thanh tra; thực hiện phân cấp, phân quyền, tự chủ của các cơ quan quản lý trong việc tổ chức cơ quan thanh tra; đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động cơ quan Thanh tra cấp huyện phù hợp với việc tinh gọn bộ máy. Cần có sự chỉ đạo, điều hành thống nhất, thông suốt trong toàn ngành, không để lặp lại tình trạng tổ chức bộ máy dàn trải, phân tán và thiếu tính hệ thống, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra các cấp nói chung và thanh tra cấp huyện nói riêng, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tại Điều 52 dự thảo luận, tôi tán thành việc bổ sung nhiều nguyên tắc quan trọng nhằm khắc phục tình trạng xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán, góp phần kéo giảm thực trạng thời gian qua hoạt động thanh tra, kiểm tra của các ngành dày đặc, gây bức xúc cho đối tượng thanh tra, kiểm tra. Song, kiến nghị bổ sung thêm nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra giữa Thanh tra tỉnh, Thanh tra Sở và Thanh tra cấp huyện.
* Đại biểu Nguyễn Thanh Phong- đơn vị tỉnh Vĩnh Long: Cần quy định khung về quy trình thanh tra chuyên ngành
Xuất phát từ nhu cầu khắc phục những hạn chế, bất cập trong tổ chức và hoạt động của ngành Thanh tra hiện nay, việc sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra hiện hành là cần thiết.
Qua nghiên cứu, tôi thấy Luật Thanh tra 2010 còn bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn vướng mắc làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra: Tình trạng chồng chéo, trùng lặp, dẫn đến lạm dụng và khó phân biệt giữa thanh tra và kiểm tra; các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục thanh tra thiếu chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn, thiếu tính pháp quyền; các cuộc thanh tra quá thời hạn cũng khá phổ biến,
Song song đó, cơ sở pháp lý thực hiện việc giám sát hoạt động đoàn thanh tra, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra còn thiếu; quy định lỏng lẻo, đơn giản và chưa đi vào cuộc sống. Việc theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra tồn tại nhiều hạn chế, bất cập; hiệu quả thu hồi tiền, tài sản của nhà nước bị chiếm đoạt, sử dụng sai mục đích còn thấp do thiếu các quy định xác định trách nhiệm của các cơ quan trong việc thực hiện kết luận thanh tra.
Đóng góp thêm cho dự án luật, đề nghị phải có giải pháp ổn định, đồng bộ với pháp luật về công vụ, xử phạt vi phạm hành chính, về tổ chức các cơ quan hành chính nhà nước. Bên cạnh đó, cần phân định về phạm vi thanh tra giữa các cơ quan thanh tra để nâng cao hiệu quả thực hiện Kết luận thanh tra.
Tôi đồng tình việc tiếp tục duy trì Thanh tra huyện như hiện nay vì tổ chức thanh tra hành chính ở cấp huyện đã được hình thành và hoạt động lâu dài với chức năng tham mưu, giúp UBND cấp huyện về công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tiếp công dân… Bên cạnh đó, nếu bỏ thanh tra cấp huyện thì chức năng, nhiệm vụ của thanh tra huyện sẽ chuyển giao cho thanh tra tỉnh. Đây sẽ là gánh nặng lớn của thanh tra tỉnh khi chức năng, nhiệm vụ của ngành thanh tra ngày tăng lên.
Ngoài ra, cần quy định khung về quy trình thanh tra chuyên ngành trong Luật Thanh tra. Việc phân biệt hoạt động thanh tra hành chính và hoạt động thanh tra chuyên ngành mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng, xác định thẩm quyền thanh tra giữa các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính và các cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực. Bên cạnh đó, còn xác định được hình thức, phương thức, thời hạn và quy trình tương ứng, phù hợp với đặc thù đối tượng thanh tra của mỗi loại thanh tra; tránh được sự trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra.
TÂM NHƯ (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin