"Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công"- thấm nhuần lời dạy của Bác, các địa phương trong huyện Long Hồ đã vận dụng linh hoạt công tác dân vận để khơi sức dân xây 20 cây cầu giao thông nông thôn từ nguồn vận động. Những chiếc cầu nối nhịp đôi bờ không chỉ giúp người dân thông thương thuận tiện, mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển và nâng chất tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới.
Bữa cơm trưa vui vẻ trong ngày thi công. |
“Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”- thấm nhuần lời dạy của Bác, các địa phương trong huyện Long Hồ đã vận dụng linh hoạt công tác dân vận để khơi sức dân xây 20 cây cầu giao thông nông thôn từ nguồn vận động. Những chiếc cầu nối nhịp đôi bờ không chỉ giúp người dân thông thương thuận tiện, mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển và nâng chất tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới.
Góp sức xây cầu
Cây cầu giao thông nông thôn bắc qua kinh Cái Tắc nối liền ấp Phước Ngươn và Long Thuận (xã Long Phước) được xây dựng khá lâu và đã xuống cấp, người dân đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Từ thực tế trên, chính quyền địa phương đã vận động nhân dân đóng góp công sức xây dựng lại cây cầu này. Điều đáng quý ở đây là lực lượng dân quân của huyện cùng với nhân dân trong xã đã cùng nhau đóng góp ngày công lao động để làm cầu.
Đây là công trình thiết thực và ý nghĩa mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Long Phước đón mừng kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2022) và hướng đến kỷ niệm 110 năm ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (11/6/1912- 11/6/2022). Qua đây, còn góp sức xây dựng quê hương Long Hồ ngày thêm giàu đẹp, văn minh.
Giữa cái nắng nóng oi ả, 50 chiến sĩ thuộc lực lượng dân quân huyện Long Hồ cùng với nhân dân trong xã Long Phước vẫn tích cực góp công xây cầu. Tất cả đều làm việc với tinh thần khẩn trương và đầy trách nhiệm. Anh Bùi Minh Tài- xã Long Phước chia sẻ: “Có được cây cầu này rất phấn khởi nên tôi cùng bà con nơi đây rất hăng say, tích cực tham gia đóng góp ngày công lao động để công trình sớm hoàn thành”.
Liên tục trong thời gian thi công cầu, mỗi ngày có không dưới 50 người, từ thanh niên trai tráng đến những người lớn tuổi vẫn hăng hái góp sức. Anh Huỳnh Hoài Hận- dân quân huyện Long Hồ cho biết: “Được đến đây để hỗ trợ anh em xây dựng cây cầu trên quê hương Bác Phạm Hùng, cho dù trời nắng cỡ nào anh em chúng tôi cũng cố gắng hết sức hoàn thành nhiệm vụ”. “Là một thanh niên, người con của quê hương Long Hồ, chúng tôi góp một phần công sức để xây quê hương ngày càng giàu đẹp, dù nắng noi, nhưng các anh em đều làm việc hết lòng để xây cây cầu cho đẹp”- anh Trần Hoàng Hôn- dân quân huyện Long Hồ tiếp lời.
Cây cầu giao thông nông thôn bắc qua kinh Cái Tắc dài 27m, rộng 3,3m, kinh phí xây dựng 330 triệu đồng, trong đó các nhà hảo tâm ở TP Hồ Chí Minh hỗ trợ 230 triệu đồng, phần còn lại do nhân dân trong xã đóng góp.
Có mặt tại công trình, chúng tôi nhận thấy được cái hay trong công tác dân vận và tình làng nghĩa xóm. Người có tiền thì đóng góp tiền, người không có tiền thì góp sức lao động. Những việc làm này thể hiện sự đoàn kết chung lòng giữa cấp ủy, chính quyền và quần chúng nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.
Xây 20 cây cầu từ nguồn vận động
Ông Trương Lê Minh Thông- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Long Phước cho biết: Thấy được nhu cầu đi lại của người dân, Đảng ủy, UBND xã quyết tâm ra sức vận động sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm để địa phương có được cây cầu mới, nhằm tạo điều kiện cho người dân đi lại và phát triển kinh tế- xã hội. Qua đây, còn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ nhân dân và lực lượng dân quân đóng góp ngày công.
Trong những ngày thi công, lực lượng thanh niên trai tráng làm việc nặng nhọc, còn các chị em phụ nữ thì xúm xích nấu cơm theo kiểu cây nhà lá vườn để “lo cái bụng” cho lực lượng thi công. Bà Nguyễn Thị Kim Loan cho biết: “Dân trong xóm ai có gì thì đem ủng hộ nấy, người này đem con gà, người kia đem con vịt, người khác đem con cá… để ủng hộ. Mỗi người góp một ít mà xã mình có cây cầu đi lại dễ dàng. Tôi rất mừng và cảm ơn tất cả”.
Thời gian qua, song song với việc hoàn thiện hệ thống đường giao thông nông thôn, huyện Long Hồ còn quan tâm xây dựng cầu bê tông kiên cố. Năm 2020 đến nay, toàn huyện đã xây 35 cây cầu mới, trong đó có đến 20 chiếc cầu được xây dựng từ nguồn vận động xã hội hóa với tổng giá trị gần 6,7 tỷ đồng. Qua đó, đã từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc giao thương, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội của huyện nhà.
Lực lượng dân quân góp sức xây cầu. |
Bà Phan Thị Mỹ Hạnh- Chủ tịch UBND huyện Long Hồ cho biết: Trong thời gian qua với sự quyết tâm của Đảng bộ chính quyền và nhân dân, sự tài trợ của nhà hảo tâm, rất nhiều cây cầu đã được xây dựng. Với tinh thần của bà con “có gì góp nấy” cùng nhau thực hiện, chia sẻ và gắn bó, tạo nên sự thân thiết và nhất là tinh thần đoàn kết của người dân qua việc đồng lòng cùng nhau. Đây là những việc làm ý nghĩa thiết thực, góp phần phát triển hệ thống giao thông nông thôn, giúp người dân thuận tiện trong việc đi lại, lưu thông hàng hóa. Qua đây giúp rút ngắn được khoảng cách giữa đô thị và nông thôn.
Nhờ học theo phong cách dân vận của Bác Hồ, nhất là trong thực hiện chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2021 về “ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân huyện Long Hồ đang tiếp tục góp công, góp sức vào công cuộc đổi mới quê hương.
Bài, ảnh: NGUYỄN XUÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin