Đề nghị không trích 0,5% doanh thu từ quảng cáo trong chương trình phim chiếu trên truyền hình

02:05, 26/05/2022

Đó là ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh- đơn vị tỉnh Vĩnh Long tại phiên thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Đó là ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh- đơn vị tỉnh Vĩnh Long tại phiên thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết, điện ảnh là một lĩnh vực nghệ thuật, thường được gọi là “nghệ thuật thứ Bảy”, là hoạt động sự nghiệp, hoạt động sáng tạo, có tính đặc thù cao. Dự thảo luật lần này tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường điện ảnh và công nghiệp điện ảnh phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế; phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam.

Đóng góp thêm cho dự án luật, đối với quy định về cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Điều 13, tôi thống nhất với phương án quy định yêu cầu kịch bản phim bằng tiếng Việt. Việc thu hút các tổ chức nước ngoài đến Việt Nam quay phim hoặc hợp tác sản xuất phim là rất cần thiết. Điều này sẽ tạo điều kiện cho giới chuyên môn được tiếp cận nhiều hơn với môi trường làm phim chuyên nghiệp để học tập kinh nghiệm, nhất là sự tiến bộ và những thay đổi không ngừng của điện ảnh; qua đó quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam, chuyên tải được những giá trị nhân văn cao đẹp, góp phần vào việc bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc.

Tuy nhiên, kịch bản tóm tắt phim chưa thể hiện hết nội dung phim; việc thẩm định kịch bản phim với nội dung đầy đủ mới bảo đảm các yêu cầu về chính trị, quốc phòng, an ninh; đây cũng là kinh nghiệm của một số quốc gia trong thẩm định kịch bản phim. Ngoài ra, để thu hút các tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim Việt Nam thì các chính sách về ưu đãi, thủ tục minh bạch, thuận lợi và nhanh chóng cũng là những yếu tố rất cần được quan tâm để Việt Nam cũng như điện ảnh Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn của nhiều đoàn làm phim quốc tế nhưng vẫn đảm bảo được những vấn đề liên quan đến an ninh, chính trị.

Đối với quy định về việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, tại Điều 43 dự án luật, cơ quan chủ trì soạn thảo quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh và giao Chính phủ quy định chi tiết tại khoản 2, Điều 43. Cụ thể tại khoản 3 Điều 10, dự thảo Nghị định có quy định: “Trích 0,5% doanh thu từ hoạt động quảng cáo trong chương trình phim chiếu trên truyền hình”. Đề nghị chính phủ không quy định khoản trích này đối với các đài truyền hình trên cả nước vì những lý do sau:

Thứ nhất, hiện nay Luật Ngân sách nhà nước và Nghị định số 163 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước cũng không có quy định việc bắt buộc các tổ chức, cá nhân đóng góp để hình thành Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách (theo dự thảo Luật Điện ảnh thì Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Nhà nước thành lập). Chính vì vậy, việc quy định trích 0,5% doanh thu từ hoạt động quảng cáo trong chương trình phim chiếu trên truyền hình là chưa hợp lý.

Thứ hai, trong quá trình sản xuất và phát sóng phim của các Đài Phát thanh và Truyền hình là rất tốn kém, chi phí mỗi tập phim Việt Nam khoảng 300 triệu đồng trong khi nguồn thu từ quảng cáo trong nhiều chương trình phim truyện hiện nay đôi khi không đủ bù đắp chi phí sản xuất cũng như tiền mua bản quyền. Việc trích thêm một khoản phí từ nguồn thu quảng cáo trong chương trình phim truyện sẽ gây khó khăn về kinh phí sản xuất, do chi phí sản xuất lớn và không được hỗ trợ từ nhà nước, trong khi phải đảm bảo việc sản xuất và phát sóng liên tục để tạo thành một khung giờ quen thuộc với khán giả.

Thứ ba, với sự bùng nổ của các loại hình giải trí, sự tương tác của các nền tảng xuyên biên giới như hiện nay thì người xem có nhiều điều kiện tiếp cận với công nghệ điện ảnh hiện đại trên thế giới. Chính vì thế, khi triển khai nội dung trên sẽ gia tăng gánh nặng về mặt chi phí, sẽ là áp lực lớn, khó có thể phát huy và khuyến khích các Đài truyền hình tiếp tục sản xuất và nâng cao chất lượng phim Việt, để đảm bảo đạt ít nhất 30% tổng thời lượng phát sóng phim Việt trên truyền hình theo Điều 17 Nghị định số 54 năm 2010 của Chính phủ.

Về quan điểm cá nhân, tôi đề nghị cần có cơ chế để vừa góp phần phát triển nền điện ảnh Việt Nam, vừa tạo điều kiện cho các Đài phát thanh và Truền hình trên cả nước có thêm động lực và nguồn lực sản xuất phim truyện Việt Nam phục vụ khán giả truyền hình.

TÂM NHƯ (ghi)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh