Việt Nam không chọn bên...

06:03, 19/03/2022

Ngày 24/2/2022, Tổng thống Nga Putin ra lệnh mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" trên lãnh thổ nước láng giềng Ukraine và cho đến nay cuộc chiến đã gây ra nhiều thương vong cho hai bên cũng như thiệt hại nhiều cơ sở vật chất, hạ tầng của Ukraine.

(VLO) Ngày 24/2/2022, Tổng thống Nga Putin ra lệnh mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” trên lãnh thổ nước láng giềng Ukraine và cho đến nay cuộc chiến đã gây ra nhiều thương vong cho hai bên cũng như thiệt hại nhiều cơ sở vật chất, hạ tầng của Ukraine.

Cuộc chiến đã buộc hàng triệu người dân phải chạy sang các nước lánh nạn, trong đó có hàng ngàn người Việt Nam.

Vì sao có chuyện động binh đao giữa hai quốc gia từng là anh em một nhà? Ở đây xin không bàn đến nước Nga đúng- sai trong việc này và quan điểm của người viết là không ủng hộ chiến tranh mà muốn qua cuộc xung đột này cùng chiêm nghiệm lại chính sách đối ngoại của một nước, nhất là một nước nhỏ về lãnh thổ và ít dân số như Ukraine.

Nga giải thích lý do mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, “Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại miền Đông Ukraine là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay”. Ngày 5/3/2022, ông Putin cũng nói thêm rằng việc đưa quân tới Ukraine là “một quyết định rất khó khăn”.

Theo RT, Tổng thống Putin giải thích rằng tình hình ở Ukraine đã vượt khỏi tầm kiểm soát sau cái mà ông gọi là “cuộc đảo chính vi hiến” năm 2014 - mà theo ông là đã được phương Tây hậu thuẫn mạnh mẽ. “Phương Tây không giấu giếm điều này và công khai nói rằng họ đã chi 5 tỷ USD cho sự kiện đó”- Tổng thống Putin cho biết.

Thông tấn Nga TASS ngày 22/6/2021 dẫn bài viết của Tổng thống Nga Putin trên báo Die Zeit nổi tiếng của Đức cáo buộc cuộc chính biến lật đổ Chính quyền Tổng thống Yanukovych năm 2014 ở Ukraine là hành vi “đảo chính” do Mỹ dàn dựng và được trợ giúp bởi các đồng minh Châu Âu của Mỹ.

“Tại sao Mỹ tổ chức cuộc đảo chính, và các nước Châu Âu hết lòng ủng hộ nó, gây chia rẽ trong nội bộ Ukraine và việc Crimea phải ra đi?”, Tổng thống Putin đặt dấu hỏi, nhắc tới việc người dân ở Crimea quyết định tách khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2014.

Tổng thống Putin khẳng định việc NATO mở rộng quy mô hiện diện đã buộc các nước phải lựa chọn phe giữa Nga hoặc phương Tây. Cái gọi là “tối hậu thư” đó, theo ông chính là tác nhân gây ra thảm kịch ở Ukraine.

Qua đó chúng ta thấy rằng từ lâu phương Tây và Mỹ đã lôi kéo Ukraine về phương Tây như họ từng làm với các nước Đông Âu cũ và các nước thuộc Liên Xô cũ tách ra, họ đã thành công trừ Ukraine.

Bản thân Ukraine thì từ khi chính quyền lập nên từ đảo chính (2014) thì họ rất muốn gia nhập Châu Âu, gia nhập khối quân sự NATO nhưng bị Nga cản trở và xảy ra cuộc nội chiến từ 2 vùng phía Đông giáp với Nga từ năm 2014 đến nay làm chết trên 14.000 người.

Suy ngẫm từ chính sách đối ngoại của Việt Nam

Sau 30/4/1975, mặc dù giành được độc lập, đất nước được thống nhất nhưng Việt Nam lại gặp vô vàn khó khăn về kinh tế, chính trị.

Giai đoạn 10 năm 1975-1985, chúng ta bị bao vây, cấm vận, biên giới hai đầu đất nước tiếp tục có chiến tranh, lãnh thổ bị đe dọa; bên trong thì sản xuất nông nghiệp bị dịch bệnh nghiêm trọng làm mất mùa liên tiếp, sản xuất lương thực không đủ ăn cho cả nước.

Làm thế nào đưa đất nước thoát khỏi tình trạng hiện tại nhất là thoát khỏi sự bao vây cấm vận là điều trăn trở của các cấp lãnh đạo từ Trung ương tới địa phương.

Năm 1986, Đại hội toàn quốc lần thứ 6 của Đảng ta thông qua đường lối đổi mới toàn diện. Năm 1991, Đại hội Đảng lần thứ 7 tiếp tục hoàn thiện đường lối đổi mới, thông qua Cương lĩnh chính trị về xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trong Cương lĩnh chính trị 1991, về đối ngoại Đảng chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa về ngoại giao; tuyên bố “Việt Nam muốn và sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước, không phân biệt thể chế chính trị”.

Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại mới, chúng ta sớm bình thường hóa với các nước ASEAN, năm 1991 bình thường hóa với Trung Quốc, năm 1995 thiết lập ngoại giao với Mỹ và gia nhập khối ASEAN, ban hành luật Đầu tư nước ngoài…

Khoảng cuối thập niên 1990, Việt Nam đã thiết lập ngoại giao với hầu hết các nước trên thế giới cũng như mở rộng cửa đón đầu tư nước ngoài.

Với đường lối đối ngoại như trên, 30 năm qua chúng ta giải quyết tốt các xung đột, các bất đồng về biên giới, lãnh thổ với Lào, Campuchia, vùng biển với các nước tranh chấp và đặc biệt với Trung Quốc- một quốc gia láng giềng lớn ở phương Bắc, đảm bảo môi trường hòa bình để phát triển.

Hơn 30 năm qua, Đảng ta kiên định đường lối đổi mới trong đó về đối ngoại đường lối của Đảng về quốc phòng- an ninh kiên trì nguyên tắc 3 không: không liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự tấn công nước khác, và gần đây bổ sung nguyên tắc không thứ tư là không nổ súng trước. Kiên định lập trường giải quyết tranh chấp với các nước khác bằng con đường ngoại giao hòa bình, theo luật pháp quốc tế.

Từ việc tổng kết thực tiễn công tác đối ngoại, ngoại giao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát về trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam” - mang đậm bản sắc dân tộc, “dĩ bất biến ứng vạn biến”, “giữ trái tim nóng, cái đầu lạnh”, kiên quyết, kiên trì để xử lý các thách thức đối ngoại một cách mềm mại mà hiệu quả, tranh thủ các điểm tương đồng về lợi ích để thúc đẩy hợp tác và phát triển, bảo vệ tối đa lợi ích của dân tộc.

Việc xây dựng, phát triển và phát huy vai trò của trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam” là điều kiện, cơ sở để hoạt động đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hoàn thành được nhiệm vụ cơ bản đặt ra là: “Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu như vậy là xuất phát từ quan điểm chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại, trong đó  tư tưởng Hồ Chí Minh luôn là mẫu mực định hướng nền ngoại giao Việt Nam hiện đại.

Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, là hòa bình và chống chiến tranh xâm lược, là hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng có chung biên giới với Việt Nam, là xây dựng quan hệ hữu hảo với các nước lớn, là xác định ngoại giao phải là một mặt trận, một binh chủng hợp thành của cách mạng Việt Nam.

Lúc đương thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn cho rằng cách mạng Việt Nam có mối liên hệ mật thiết với các trào lưu và lực lượng tiến bộ của thế giới, việc tăng cường các mối liên hệ và hợp tác quốc tế là một trong những điều giúp ta kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công.

Tuy vậy, Người cũng chỉ rõ, muốn người ta giúp cho, thì trước hết mình phải tự giúp lấy mình đã; và tự lực cánh sinh là một truyền thống quý báu của cách mạng nước ta. Sức mạnh của Việt Nam là ở sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc, là ở việc phát huy mọi nguồn lực của đất nước, đồng thời, tranh thủ sự ủng hộ và hợp tác quốc tế.

Đó cũng chính là cơ sở để phát huy sức mạnh dân tộc gắn với sức mạnh thời đại. “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”- Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

“Việt Nam không chọn bên mà chọn lẽ phải”

Tiếp tục thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại, ngoại giao trong bối cảnh thế giới biến động không ngừng, ngày 15/12/2021, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu tại hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ:

- Một là, kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

- Hai là, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.

- Ba là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ Việt Nam kiên định với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng cần khẳng định đường lối này để bạn bè, đối tác quốc tế ngày càng tin cậy và yêu mến Việt Nam, hiểu rõ hơn đường lối và con đường đi lên CNXH của Việt Nam.

Chúng ta “không chọn bên mà chọn lẽ phải, xu hướng thời đại là hòa bình, hợp tác và phát triển”- Thủ tướng nhấn mạnh.

HOÀNG KHẢI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh