Để được xếp vào hàng chuyên gia, người ta có danh dự và uy tín không thể mang ra để đánh đổi. Vì thế, khi lựa chọn, cần phải xác định những người xứng đáng là chuyên gia để tham vấn.
Một cuộc tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội của Quốc hội được tổ chức vào tháng 9/2021 (Ảnh: TTXVN) |
Để được xếp vào hàng chuyên gia, người ta có danh dự và uy tín không thể mang ra để đánh đổi. Vì thế, khi lựa chọn, cần phải xác định những người xứng đáng là chuyên gia để tham vấn.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mới đây đã ký ban hành Nghị quyết số 15/2022/UBTVQH15 quy định việc sử dụng chuyên gia của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó, chuyên gia có các nhiệm vụ, quyền hạn như: Nghiên cứu, cung cấp thông tin, hoàn chỉnh báo cáo, bài viết, bài nói, ý kiến bình luận, nhận xét, phát biểu, các ý kiến góp ý theo nhiệm vụ và lĩnh vực được giao; Tham vấn cho cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động xây dựng pháp luật; các vấn đề khác liên quan đến hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước…
Chuyên gia nhận thù lao 300.000 đồng/buổi
Tiến sĩ Đinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho biết, ông từng được lãnh đạo Quốc hội mời tham vấn với tư cách chuyên gia trong nhiều vấn đề liên quan pháp luật như việc bắt tạm giam một đại biểu Quốc hội, xử lý đại biểu Quốc hội mang quốc tịch nước ngoài, Luật đặc khu và gần đây là dự án 1 luật sửa nhiều luật ở kỳ họp bất thường.
Ông Đinh Xuân Thảo cho rằng, chủ trương Quốc hội sử dụng chuyên gia không mới, đã được quy định rõ trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, Luật quy định: đối với ban soạn thảo một dự án luật, tối thiểu phải có 9 thành viên, trong đó phải có ít nhất 1-2 chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực đó. Tuy nhiên, những quy định về sử dụng chuyên gia trước đây chưa được chặt chẽ.
“Vì vậy, Quốc hội khóa XV ban hành nghị quyết về vấn đề này sẽ là cơ sở cho việc sử dụng chuyên gia hiệu quả và chuyên nghiệp hơn, nhưng vấn đề quan trọng là chế độ, chính sách cho chuyên gia như thế nào cho hợp lý. Không thể thích thì mời đến, không ràng buộc gì, họp một buổi, chuyên gia ký 3 chữ, nhận thù lao 300.000 đồng. Mời đến phát biểu ở hội thảo nhưng thù lao không đủ đi taxi…”, Tiến sĩ Đinh Xuân Thảo nêu quan điểm.
Qua theo dõi, Tiến sĩ Đinh Xuân Thảo nhận thấy, thời gian qua đã có những tín hiệu tốt trong hoạt động tham vấn chuyên gia. Chủ tịch Quốc hội khóa XV đã có những chỉ đạo thể hiện sự coi trọng chuyên gia. Các đề án của Quốc hội, Thường vụ Quốc hội đã triển khai lấy ý kiến ban đầu từ chuyên gia đến khi tổ chức hội thảo, tọa đàm cũng đã sử dụng cơ chế chuyên gia khá tốt.
Đặc biệt có đầu mối tập hợp chuyên gia, tranh thủ chuyên gia là Viện Nghiên cứu lập pháp, nơi có quan hệ với các chuyên gia, nhà khoa học ở tất cả các lĩnh vực ở trong nước, thậm chí cả quốc tế khá tốt. Chế độ chính sách đối với nhà khoa học, chuyên gia cũng tốt hơn nhiều so với trước.
Cần cơ chế ràng buộc trách nhiệm chuyên gia
Theo Nghị quyết 15, chuyên gia được mời tham dự các phiên họp toàn thể của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Thường vụ Quốc hội mở rộng; phiên họp chuyên đề năm, các phiên họp khác của các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Thư ký Quốc hội nếu được triệu tập; được cung cấp thông tin, tài liệu liên quan; được tham dự và thể hiện quan điểm, chính kiến trong các cuộc họp, hội thảo, hội nghị, các phiên giải trình, các đoàn công tác, khảo sát, giám sát liên quan đến ngành, lĩnh vực phân công...
Tuy nhiên, Tiến sĩ Đinh Xuân Thảo cho rằng, để tránh tình trạng tổ chức hội thảo, mời chuyên gia, nhà khoa học đến dự chỉ để nghe lãnh đạo bộ ngành phát biểu, tranh luận, cần phải có cơ chế, quy định rõ ràng. Tham vấn hay tư vấn chuyên gia là phải để họ nói ra ý kiến, quan điểm của mình một cách khách quan. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng có thể trao đổi, tranh luận, để từ đó có thể đưa ra quyết định phù hợp, chính xác.
Về lo ngại việc sử dụng chuyên gia có thể dẫn tới tình trạng “lobby” nhóm lợi ích, Tiến sĩ Đinh Xuân Thảo cho biết, ở nhiều nước (chẳng hạn như ở Mỹ) có luật về lobby để ngăn chặn trường hợp tranh thủ, vận động chuyên gia để tác động cho nhóm lợi ích. Ở Việt Nam cũng vậy, cũng cần có quy định, cơ chế rõ ràng để ràng buộc trách nhiệm.
Để được xếp vào hàng chuyên gia, người ta có danh dự và uy tín không thể mang ra để đánh đổi. Vì thế, khi lựa chọn, cần phải xác định những người xứng đáng là chuyên gia để tham vấn. Có ý kiến chuyên gia đối lập với quan điểm của bên tham vấn, nhưng đó cũng là ý kiến để tham khảo, còn việc quyết định như thế nào thì người có trách nhiệm cần phải lắng nghe, cân nhắc./.
Theo Thanh Hà/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin