Độc lập- Tự do- Hạnh phúc là mục tiêu cơ bản của Nhà nước ta, là mục đích đi đến, nhưng ở những thời điểm, giai đoạn với những hoàn cảnh lịch sử nhất định, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã biểu thị mục tiêu cơ bản đó thành các mục tiêu chiến lược cụ thể sát hợp với yêu cầu nhiệm vụ ở từng giai đoạn lịch sử nhất định của cách mạng nước ta.
Kinh tế phát triển xã hội văn minh.Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH (TP Vĩnh Long) |
(VLO) Độc lập- Tự do- Hạnh phúc là mục tiêu cơ bản của Nhà nước ta, là mục đích đi đến, nhưng ở những thời điểm, giai đoạn với những hoàn cảnh lịch sử nhất định, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã biểu thị mục tiêu cơ bản đó thành các mục tiêu chiến lược cụ thể sát hợp với yêu cầu nhiệm vụ ở từng giai đoạn lịch sử nhất định của cách mạng nước ta.
Ngay sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp gây hấn ở Sài Gòn mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược lần hai và bắt đầu với mưu toan chia cắt Nam Bộ.
Hòa bình, thống nhất của đất nước, độc lập của dân tộc bị đe dọa. Trên cơ sở mục tiêu cơ bản là Độc lập- Tự do- Hạnh phúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã nêu lên mục tiêu chính trị có ý nghĩa chiến lược cho cách mạng nước ta là xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, phú cường.
Nội dung hòa bình, thống nhất đất nước với độc lập dân tộc trở thành nhiệm vụ trọng yếu của cách mạng Việt Nam vào lúc này.
Cuộc tranh đấu của nhân dân ta để bảo vệ hòa bình, độc lập dân tộc trước sự xâm lăng của thực dân Pháp từ đó cũng đồng thời với việc bảo vệ sự thống nhất, toàn vẹn lãnh của Tổ quốc.
Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh ngoại giao vô cùng cam go trong những tháng năm đầu của Nhà nước ta nhằm giữ vững hòa bình, loại trừ sự chia cắt đất nước của quân đồng minh và mưu toan của thực dân Pháp định tách Nam Kỳ khỏi nước ta.
Cuộc kháng chiến bắt buộc của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược bùng nổ vào ngày 19/12 khi độc lập, thống nhất Tổ quốc không được tôn trọng.
Mục tiêu đó đáp ứng nguyện vọng của toàn dân ta và tạo ra tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, đồng thời là chất liệu đoàn kết dân tộc Việt Nam tiến hành cuộc trường kỳ kháng chiến toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh.
Vận dụng vào thực tiễn Nội dung “Độc lập- Tự do- Hạnh phúc” theo tư tưởng Hồ Chí Minh chính là nền tảng cho việc xây dựng, kiểm soát đường lối, chính sách... đảm bảo định hướng chủ nghĩa xã hội. Từ đó, cần quan tâm một nội dung quan trọng cần phải thực hiện, như sau: Thứ nhất, với Đảng: trong xây dựng và tổ chức thực hiện đường lối chính sách cho đúng mục tiêu theo định hướng giải phóng con người của chủ nghĩa xã hội; trong xây dựng Đảng, tổ chức chính trị, lực lượng vũ trang nhân dân, thiết kế xã hội mới. Xây dựng con người và phương pháp cách mạng của Đảng. Thứ hai, với người lãnh đạo các cấp: xác định những nhiệm vụ cơ bản phải làm trong thực hiện nhiệm vụ của mình, cụ thể như việc trao đổi, thống nhất chủ trương; xây tổ chức Đảng và cách tổ chức chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng vũ trang và đoàn kết quốc tế ở địa bàn của mình như thế nào? Từ đó, kiểm điểm việc thực hiện cũng trên cơ sở các nhiệm vụ trên. Thứ ba, với cán bộ, đảng viên, các cá nhân: cần xây dựng cụ thể các mục tiêu để phấn đấu, việc phải thực hiện để đạt mục tiêu của mình đã đề ra và cố gắng thực hiện bằng được. |
Trên tinh thần và sức mạnh đoàn kết đó, nhân dân ta đã vượt qua mọi cam go và đã tạo nên kỳ tích Điện Biên Phủ. Hiệp định Genève đã công nhận và cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, không can thiệp vào công việc nội bộ 3 nước.
Là một thành viên tham dự Hội nghị Genève nhưng đế quốc Mỹ phá hoại Hiệp định Genève và dùng mọi thủ đoạn thay thế thực dân Pháp để tiến hành chiến tranh xâm lược ở miền Nam.
Lật đổ Bảo Đại và xây dựng chính quyền bù nhìn Ngô Đình Diệm mưu toan chia cắt lâu dài đất nước ta, phá hoại sự thống nhất đất nước mà Hiệp định Genève thừa nhận. Một lần nữa, hòa bình, thống nhất, độc lập của dân tộc lại bị xâm phạm.
Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã nêu lên nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh để đoàn kết toàn dân trong cuộc tranh đấu bảo vệ hòa bình, hoàn thành sự nghiệp giải phóng đất nước để thống nhất Tổ quốc.
Từ mục tiêu cơ bản Độc lập- Tự do- Hạnh phúc đến khẩu hiệu chiến lược đó, với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã đoàn kết toàn dân, đoàn kết các lực lượng đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới vào cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, tạo ra sức mạnh vô địch đưa tới thắng lợi giải phóng miền Nam năm 1975 và tiến tới hòa bình thống nhất của Tổ quốc năm 1976(1).
“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên được tạc vào thế kỷ XX như một chân lý vĩ đại chính là biểu đạt tiêu chí của Nhà nước ta.
Giá trị định hướng của tiêu chí mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên còn thể hiện trong định hướng của xây dựng xã hội mới.
Từ tiêu chí Độc lập- Tự do- Hạnh phúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Chúng ta tiến lên xây dựng một nước xã hội chủ nghĩa tức là một nước có một cuộc đời ấm no, bình đẳng, tự do và độc lập, tức là nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”(2).
Nội dung đó được khẳng định rất rõ trong Di chúc của Người: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”(3).
Năm 1976, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được đổi tên thành nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và giữ nguyên tiêu chí Độc lập- Tự do- Hạnh phúc đã khẳng định tính bất biến và giá trị định hướng của nó.
Tất cả những vấn đề trên cho thấy, tiêu chí Độc lập- Tự do- Hạnh phúc chính là mục tiêu cơ bản, chiến lược và là định hướng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích lâu dài của dân tộc và con người ở nước ta phù hợp với sự phát triển và sự vận động của các điều kiện lịch sử của trong nước và quốc tế.
Các mục tiêu chiến lược hình thành trên cơ sở mục tiêu cơ bản được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta xác định chính xác ở từng hoàn cảnh lịch sử đã phát huy tác dụng to lớn trong thống nhất tư tưởng, đoàn kết và phát huy tối đa tinh thần dân tộc, phát huy mọi năng lực tiềm ẩn của con người Việt Nam, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại để đưa tới thắng lợi trong cuộc đấu tranh vì lợi ích chính đáng là quyền tự nhiên của dân tộc và con người ở nước ta.
Kiên trì tiêu chí Độc lập- Tự do- Hạnh phúc để tạo ra nội và ngoại lực với sự đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước.Ngày nay, tiêu chí này vẫn tiếp tục thể hiện khát vọng của dân tộc ta với những mục tiêu cơ bản là giải phóng dân tộc gắn với giải phóng con người.
Kiên trì với mục tiêu này cũng chính là kiên trì con đường của cách mạng nước ta là độc lập dân tộc phải gắn liền với xây dựng xã hội mới- xã hội xã hội chủ nghĩa- để đem lại Tự do- Hạnh phúc thật sự cho con người Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.
Là kết quả trực tiếp của Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, mang trong mình nhiều tầng giá trị, Độc lập- Tự do- Hạnh phúc thể hiện nội dung cốt lõi nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tiêu chí đó đã dẫn dắt nhân dân ta đến thắng lợi trong cuộc đấu tranh giành và bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc mà còn tiếp tục dẫn dắt dân tộc ta đến thành công trong sự nghiệp đổi mới trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa- để hoàn thiện giá trị của Tự do- Hạnh phúc cho toàn thể nhân dân Việt Nam.
Giương cao tiêu chí “Độc lập- Tự do- Hạnh phúc” là nêu cao giá trị tinh thần, văn minh, chân lý Việt Nam, là thực hiện những giá trị nền tảng của tư tưởng Hồ Chí Minh, là xác định hướng đi đúng đắn theo chỉ dẫn của Người trong sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội của Tổ quốc trong hiện tại và tương lai. Vì Hạnh phúc phải đấu tranh cho Tự do.
Để có Tự do phải chiến đấu giành lấy Độc lập. Lịch sử của các dân tộc, của nhân loại chính là hành trình tranh đấu cho chuỗi giá trị đó. Ngày nay, trước bối cảnh thế giới có những biến đổi to lớn trên tất cả các phương diện nhưng tiêu chí đó vẫn là mục tiêu mà nhân loại hướng đến.
Trên ý nghĩa đó, “Độc lập- Tự do- Hạnh phúc” là tầm nhìn thời đại, kết tinh những nội dung cơ bản nhất về giải phóng dân tộc và con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
QUANG CHIẾN
(1) Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất, ngày 25/4/1976, bầu Quốc hội Việt Nam khóa VI (1976- 1981)
(2) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H. 2011, tập 12, tr. 241.
(3) Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb CTQG, H. 2011, tập 15 tr.614
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin