Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Bộ LĐTB&XH đã có kế hoạch hành động.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Bộ LĐTB&XH đã có kế hoạch hành động. Trong đó, Bộ xác định 5 trọng tâm chỉ đạo, điều hành và 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Phục hồi và vận hành thị trường lao động hiệu quả là một trong những giải pháp trọng tâm thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Bộ LĐTB&XH |
Theo người đứng đầu ngành LĐTB&XH, Bộ LĐTB&XH quán triệt và thực hiện nghiêm các quan điểm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ theo tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 và thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.
Cùng với đó, Bộ cũng quyết liệt hành động; phát huy sự đoàn kết, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với thực thi pháp luật, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
5 trọng tâm chỉ đạo, điều hành
Để nâng cao khả năng phòng ngừa, chống chịu và khắc phục rủi ro của người dân, thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ, Bộ LĐTB&XH xác định 5 trọng tâm chỉ đạo, điều hành.
Thứ nhất là tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách mạnh mẽ thể chế, thủ tục hành chính trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, bảo đảm tính đồng bộ, hiện đại, khả thi và hội nhập quốc tế; tạo khung khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất và thông thoáng.
Thứ hai, khôi phục, ổn định và phát triển thị trường lao động; hỗ trợ giải quyết việc làm, thu hút lao động quay trở lại làm việc; khôi phục nhanh và đảm bảo nguồn cung lao động cho phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội bền vững; cơ cấu lại lực lượng lao động phù hợp với Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế.
Thứ ba, nâng cao nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả và hội nhập; tập trung đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động ở những địa bàn, khu vực kinh tế trọng điểm, tập trung đông các khu công nghiệp, khu chế xuất để phục vụ cho phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm thích ứng với điều kiện sản xuất mới.
Thứ tư, thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, các chính sách giảm nghèo. Tập trung hỗ trợ các nhóm nghèo nhất, vùng nghèo nhất, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số nhằm đáp ứng tốt hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ của ngành; tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tiếp cận nhanh nhất, thụ hưởng đầy đủ chính sách và thực hiện đúng quy định của pháp luật về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
Chăm lo cho những người yếu thế
Triển khai Nghị quyết 01 của Chính phủ, Bộ LĐTB&XH xác định 15 nhóm giải pháp cụ thể. Một trong những giải pháp nổi bật là xây dựng phương án và chuẩn bị các nguồn lực dự phòng hỗ trợ để bảo vệ cuộc sống của người lao động trong trường hợp xảy ra rủi ro, tránh để họ khủng hoảng tâm lý, không đủ điều kiện sống trong thời gian dịch bệnh, tạo ra các làn sóng di chuyển tự phát.
Đặc biệt, Bộ LĐTB&XH xác định tổ chức chăm lo, trợ giúp các đối tượng chính sách (người có công với cách mạng, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng yếu thế khác) được đón Tết Nguyên Đán năm 2022 đầy đủ, với tinh thần không để người dân nào không có Tết, không để ai bị bỏ lại phía sau, hỗ trợ người dân vượt lên những khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Cùng với đó, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo và triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách giảm nghèo; tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, ưu tiên hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung đầu tư và kết nối địa bàn nghèo, vùng lõi nghèo; đáp ứng nhu cầu của người dân về sử dụng các dịch vụ xã hội cơ bản phù hợp (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin và việc làm).
Đặc biệt, năm 2022, Bộ LĐTB&XH xác định thực hiện hiệu quả các chính sách trợ giúp thường xuyên và đột xuất đối với các đối tượng yếu thế. Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ và các chương trình, đề án, chính sách trợ giúp thường xuyên và đột xuất đối với các đối tượng yếu thế. Đẩy mạnh thực hiện chi trả trợ cấp thông qua tổ chức dịch vụ bưu chính công ích.
Thực hiện hỗ trợ khẩn cấp về lương thực, nhà ở và nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh; trợ giúp kịp thời các đối tượng bảo trợ xã hội trong dịp Lễ, Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm 2022.
Thực hiện đầy đủ, hiệu quả, công khai, minh bạch các chính sách và chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng.
Thực hiện chi trả trợ cấp người có công thông qua tổ chức dịch vụ bưu chính công ích. Triển khai quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tiếp tục thực hiện Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; xác nhận, công nhận người có công với cách mạng và tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Tổ chức các hoạt động tri ân, thăm hỏi, tặng quà người có công với cách mạng và thân nhân nhân dịp Tết Nguyên đán và Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022).
Phục hồi và vận hành hiệu quả thị trường lao động
Vận hành hiệu quả thị trường lao động phù hợp với tiến trình phục hồi và phát triển nền kinh tế là một trong những giải pháp căn cơ được Bộ LĐTB&XH xác định để triển khai có hiệu quả Nghị quyết 01 của Chính phủ.
Theo đó, Bộ sẽ tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030, Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động nhằm ổn định và phát triển thị trường lao động, hỗ trợ giải quyết việc làm, thu hút lao động quay trở lại làm việc; khôi phục nhanh, duy trì và đảm bảo nguồn cung lao động cho phục hồi sản xuất của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội bền vững; cơ cấu lại lực lượng lao động phù hợp với Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế.
Đặc biệt, chú trọng phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, trọng tâm là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tăng khả năng kết nối cung-cầu lao động; tăng cường giao dịch việc làm trực tuyến; thúc đẩy chuyển dịch lao động sang làm việc tại khu vực chính thức thông qua hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho lao động, chú trọng khu vực nông thôn, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Thực hiện các giải pháp, chính sách giải quyết việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động vay vốn giải quyết việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm.
Thời gian qua, công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài bị ngừng trệ do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sắp tới cơ quan quản lý lao động ngoài nước sẽ chuẩn bị nguồn đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài khi các nước mở cửa trở lại.
Chú trọng quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lao động đã hết hợp đồng về nước.
Để phục hồi thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Bộ LĐTB&XH cũng xác định cần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề thích ứng với điều kiện sản xuất mới.
Cụ thể: triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bộ cũng đã nghiên cứu để triển khai thành lập trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao và trung tâm đào tạo và thực hành vùng để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế và đẩy mạnh việc liên kết với doanh nghiệp để triển khai tổ chức đào tạo nghề.
Theo Thu Cúc/Báo điện tử Chính phủ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin