"Phấn đấu để 2022 là năm chiến thắng dịch bệnh; kinh tế phục hồi và phát triển; xã hội trật tự và kỷ cương; chủ quyền quốc gia được giữ vững...", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
"Phấn đấu để 2022 là năm chiến thắng dịch bệnh; kinh tế phục hồi và phát triển; xã hội trật tự và kỷ cương; chủ quyền quốc gia được giữ vững...", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Chiều 5/1/2022, phát biểu kết luận hội nghị Chính phủ với địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, năm 2021, trong bối cảnh có nhiều khó khăn thử thách, cả nước đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa giữ vững quốc phòng - an ninh.
"Nhìn chung, chúng ta đã cơ bản hoàn thành nhiều mục tiêu các cấp giao Chính phủ và chính quyền địa phương", Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhắc lại thời điểm biến chủng Delta xâm nhập sâu vào trong nước, Thủ tướng cho biết, cả nước khi đó chưa có đủ vaccine, thuốc chữa bệnh, chưa có nhiều kinh nghiệm ứng phó, năng lực y tế còn hạn chế nên bắt buộc phải áp dụng các biện pháp hành chính để bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân.
Dịch bệnh và các biện pháp hành chính đã ảnh hưởng tới đời sống người dân, các hoạt động kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đến nay, Việt Nam đã đúc kết được các công thức, phương châm phòng chống dịch (Ảnh: Nhật Bắc). |
"Đến nay, chúng ta đã đúc kết được các công thức, phương châm phòng chống dịch, cộng với độ bao phủ vaccine, Chính phủ đã điều chỉnh sang chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo Nghị quyết 128; tạo điều kiện khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội theo tinh thần kết luận của Trung ương", Thủ tướng nói.
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, tác động tiêu cực đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội, Thủ tướng cho biết, tăng trưởng GDP phục hồi trong quý 4 là mức đáng khích lệ. Kinh tế đất nước đang phục hồi tích cực. Tăng trưởng GDP quý IV/2021 ước tăng 5,22% so cùng kỳ.
Tính chung cả năm 2021, GDP tăng 2,58%, thấp hơn kế hoạch đề ra, song vẫn cao hơn năm 2020 trong bối cảnh dịch bệnh rất phức tạp.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài hồi phục, vốn FDI đăng ký ước đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm trước, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam.
Giải ngân vốn FDI cả năm 2021 đạt gần 20 tỷ USD, giảm nhẹ 1,2% so với năm trước, nhưng đặc biệt, tình hình đã cải thiện trong quý IV khi Việt Nam thay đổi chiến lược phòng chống dịch và đẩy nhanh tiến trình vaccine.
Theo Thủ tướng, xuất khẩu là điểm sáng, thặng dư thương mại ở mức khá, góp phần phục hồi kinh tế. Kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 668 tỷ USD tăng 22,6%; thuộc nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, trong đó xuất khẩu ước đạt 336,3 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước; nhập khẩu đạt 332,3 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm trước, duy trì xuất siêu.
Về phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống người dân được chú trọng. Nhà nước đã dành gần 71,5 nghìn tỷ đồng hỗ trợ 742 nghìn lượt người sử dụng lao động, 42,8 triệu người lao động; xuất cấp trên 158 nghìn tấn gạo hỗ trợ người dân gặp khó khăn.
"Những năm trước, mỗi năm, bình thường cả nước cố gắng việc đảm bảo an sinh xã hội nhiều nhất là cho 1 triệu người mà đã thấy khó khăn.
Năm nay, nhà nước tổ chức lo an sinh xã hội cho 42,8 triệu người trong thời gian kéo dài với khối lượng công việc rất gấp rút, đi đường dài nhưng tốc độ phải nhanh. Đây là nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị", Thủ tướng khái quát.
Thủ tướng cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với khó khăn, thách thức lớn, trong đó, dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tăng trở lại, kể cả tại các nước phát triển, độ bao phủ vaccine lớn; biến thể mới Omicron, ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch mở cửa và phục hồi kinh tế - xã hội. Thu ngân sách đạt kết quả tốt, nhưng thiếu bền vững, áp lực thâm hụt ngân sách gia tăng…
Không tổ chức hoạt động tập trung đông người dịp Tết
Thủ tướng nêu rõ dự báo, năm 2022 có những thuận lợi, cơ hội nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. "Phải xác định như vậy để có mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, xử lý hiệu quả các vấn đề phát sinh", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Đề cập đến một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu phải thần tốc tiêm phủ vaccine; nhanh chóng đáp ứng về thuốc chữa bệnh, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, tích trữ; đề cao ý thức người dân với các biện pháp tuyên truyền, giáo dục và các biện pháp về hành chính.
Các đại biểu dự Hội nghị triển khai Kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 (Ảnh: Nhật Bắc). |
"Không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, nhất là vào Tết Nguyên đán; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Quản lý việc tổ chức lễ hội, các hoạt động văn hóa, thể thao, vui xuân... phù hợp với tình hình dịch bệnh bảo đảm an toàn", Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu.
Thời gian tới, Thủ tướng lưu ý tập trung phục hồi, phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy; hỗ trợ doanh tăng tốc sản xuất, giữ đơn hàng. Bảo đảm không để thiếu hàng hóa, nhất là trong dịp Tết; tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi.
Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, Thủ tướng yêu cầu nắm chắc tình hình, xử lý kịp thời, linh hoạt mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ. Sẵn sàng ứng phó linh hoạt, hiệu quả với bất kỳ tình huống nào có thể xảy ra…
"Phấn đấu 2022 là năm chiến thắng dịch bệnh; kinh tế phục hồi và phát triển; xã hội trật tự và kỷ cương; chủ quyền quốc gia được giữ vững; chính trị được ổn định; nhân dân có cuộc sống bình an và hạnh phúc", Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Quang Phong/Báo điện tử Dân trí
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin