Sáng ngày 6/1/2022, Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm chủ trì buổi thảo luận. |
(VLO) Sáng ngày 6/1/2022, Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long- Bùi Văn Nghiêm chủ trì buổi thảo luận.
Các đại biểu thống nhất cao với nội dung của Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật.
Đại biểu cho rằng việc sửa đổi dự án luật này kịp thời, hiệu quả, rất cần thiết để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, qua nghiên cứu bước đầu, hầu hết các dự thảo luật được sửa đổi lần này theo hướng phân cấp thẩm quyền cho địa phương, mở rộng quyền chủ động cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Bên cạnh, các đại biểu cũng đóng góp một số nội dung cụ thể để dự án luật thực thi hiệu quả.
Đối với nội dung sửa đổi Luật Điện lực, đại biểu thống nhất sửa đổi quy định thu hút đầu tư vào ngành điện theo hướng "Nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trừ các dự án lưới điện do Nhà nước đầu tư theo quy hoạch phát triển điện lực trong từng thời kỳ", việc này sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân vào đầu tư mạng lưới truyền tải, tháo điểm nghẽn giữa năng suất nguồn điện và mạng lưới hiện nay.
Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long thảo luận đóng góp dự án luật. |
Đồng thời đề xuất cơ quan chủ quản nghiên cứu bổ sung thêm các chính sách quy định về phát triển năng lượng tái tạo, bổ sung các quy định giúp khắc phục được tình trạng thiếu liên thông, đồng bộ giữa đấu nối nguồn điện với lưới truyền tải điện quốc gia, lưới điện kết nối vùng, miền.
Cần quy định rõ “quyền đấu nối” của các doanh nghiệp tại các điều liên quan đến quyền, nghĩa vụ của các bên như thế nào để tránh tình trạng độc quyền của tư nhân đối với lưới điện do mình đầu tư; cần quy định quyền thỏa thuận giữa hai bên là chủ đầu tư các nhà máy điện và chủ đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải nhằm bảo đảm quyền của chủ đầu tư lưới điện truyền tải trong việc tự chủ quyết định hoạt động đầu tư kinh doanh.
Đối với Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Chính phủ cần xem xét, cân nhắc để đưa ra các quy định cụ thể trong thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền, nhất là về thời gian, điều kiện, chương trình, danh mục dự án được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn nằm trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành của địa phương, cũng như điều chỉnh thời gian kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước để các bộ, ngành, địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch vốn cho các dự án đã có khối lượng đảm bảo đủ điều kiện giải ngân theo quy định.
Phải giảm quy trình, thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để đảm bảo tiến độ thực hiện giải ngân các chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; sửa đổi quy định để giải quyết được vướng mắc trong bố trí vốn công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Phải bảo đảm quản lý chặt chẽ đất đai, phòng ngừa việc trục lợi chính sách; bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.
Đối với Luật Thi hành án dân sự, đại biểu cho rằng việc bổ sung thêm cơ chế để các cơ quan thi hành án dân sự có thể xử lý đồng thời tài sản ở các địa phương khác nhau, là bước tiến quan trọng góp phần giải quyết những tồn tại, bức xúc về sự chồng chéo của các quy định pháp luật, khắc phục tình trạng chậm thi hành án, định giá tài sản.
Đội ngũ cán bộ thi hành án dân sự còn thiếu, đề nghị quan tâm củng cố, bổ sung thêm thành viên trong ngành thi hành án dân sự cấp cơ sở để đảm bảo thực thi nhiệm vụ được kịp thời, hiệu quả.
Xem video |
Tin, ảnh: HẢI YẾN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin