Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, tại phiên thảo luận tổ dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, các đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long cơ bản thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế đối với dự thảo nghị quyết.
(VLO) Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, tại phiên thảo luận tổ dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, các đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long cơ bản thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế đối với dự thảo nghị quyết. Đồng thời có những ý kiến đóng góp cụ thể, thiết thực.
Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội- Nguyễn Thị Minh Trang đóng góp dự thảo nghị quyết. |
+ Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Minh Trang: Quan tâm bố trí vốn đầu tư cho du lịch
Đây được xem là chính sách bổ sung, nằm ngoài chính sách đã được Quốc hội quyết định cho giai đoạn 5 năm 2021- 2025 và năm 2022 và khi gói tài khóa, tiền tệ này được ban hành sẽ góp phần quan trọng vào phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội một cách bền vững.
Tuy nhiên, tôi cũng đề nghị Chính phủ xem xét, tính toán và bổ sung số liệu cụ thể về tổng quy mô của các chính sách hỗ trợ khác bên cạnh chính sách tài khóa, để thấy rõ hơn về quy mô hỗ trợ, tăng tính thuyết phục, thể hiện cam kết ban đầu về tính khả thi và hiệu quả của việc triển khai chương trình.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ quan tâm tăng nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực thực hành các quy tắc tổ chức lao động an toàn trong tình hình dịch COVID-19 để duy trì sản xuất an toàn, điều này đảm bảo sức khỏe, việc làm và thu nhập cho người lao động và gia đình, giảm bớt gánh nặng về an sinh xã hội.
Tiếp tục ưu tiên dành nguồn lực hỗ trợ các nhóm đối tượng trợ giúp xã hội, đặc biệt là hơn 2.000 trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19 và các nhóm lao động phi chính thức…
Bên cạnh, để triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu hạ tầng du lịch, góp phần vào thành công chung của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ nên ưu tiên bố trí các nguồn vốn kết hợp từ các nguồn chương trình mục tiêu, vốn đầu tư công hỗ trợ cho các địa phương nhằm đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các khu du lịch quốc gia và giải quyết các điểm nghẽn giao thông giữa khu du lịch quốc gia với các khu du lịch, điểm du lịch trên địa bàn các tỉnh, thành phố.
Theo tôi, du lịch các tỉnh ĐBSCL nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng có các sản phẩm du lịch đặc trưng sông nước, sinh thái miệt vườn, gắn với các làng nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ. Cụ thể như di sản đương đại của làng nghề gạch gốm ở huyện Mang Thít có niên đại trăm năm, đang bước vào giai đoạn bảo vệ, bảo tồn kiến trúc, cảnh quan sinh thái, dự báo có thể đem lại những đóng góp quan trọng vào mục tiêu khôi phục và phát triển kinh tế- xã hội, nếu được ưu tiên dành nguồn lực thỏa đáng từ chính sách tài khóa, tiền tệ giai đoạn này.
Ngoài ra, Chính phủ và các bộ, ngành tăng cường phối hợp với MTTQ và các tổ chức thành viên trong công tác thông tin, truyền thông nhằm tạo sự đồng thuận của xã hội, bảo đảm sự ổn định của thị trường và ổn định kinh tế vĩ mô.
+ Đại biểu Nguyễn Thanh Phong: Phải đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế
Tình hình dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng đến sự phát triển của đất nước, việc quyết định, triển khai các chính sách hỗ trợ đặc biệt, kịp thời, đột phá và có sức lan tỏa sẽ giúp sớm phục hồi nền kinh tế, tạo nền tảng cho sự phát triển trong những năm tới.
Tuy nhiên khi thực hiện gói chính sách tài chính và tiền tệ thì cũng phải đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế như mở cửa nền kinh tế nhưng chú trọng mở cửa hoạt động du lịch gắn với đảm bảo an toàn; hỗ trợ việc làm, hỗ trợ kinh doanh, khơi thông nguồn lực chất lượng cao cho doanh nghiệp.
Đồng thời là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ưu tiên cho lĩnh vực y tế gắn với chương trình và chiến lược tổng thể phòng chống dịch COVID-19.
Cần phối hợp linh hoạt, chặt chẽ, hài hòa chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác (như thương mại, dịch vụ, đầu tư) để tối ưu hóa nguồn lực.
Trong điều kiện khó khăn như hiện nay để phục hồi nền kinh tế phải tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương và duy trì các động lực tăng trưởng trung và dài hạn.
Theo tôi Chính sách tài khóa, tiền tệ cần huy động, quản lý và phân bổ, sử dụng các nguồn lực hợp lý, minh bạch, công khai, chống tiêu cực, lợi ích nhóm.
+ Đại biểu Trịnh Minh Bình: Cần làm rõ đối với nguồn vốn đầu tư công còn thiếu
Tôi thống nhất với việc mỗi năm tăng khoảng 1- 1,2% GDP trong 2 năm thực hiện chương trình để tạo nguồn lực tài chính và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.
Tôi cũng thống nhất với việc chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ phòng chống dịch, hỗ trợ an sinh xã hội, việc làm, doanh nghiệp, hộ kinh doanh.
Bên cạnh, nên có chính sách hỗ trợ lãi suất khoảng 2% thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại để tăng quy mô dư nợ tín dụng cho nền kinh tế là cần thiết.
Cần bổ sung chính sách cho vay giảm nghèo, nhất là hoàn thiện các chính sách trợ giúp xã hội, các điều kiện thiết yếu, đảm bảo công bằng trong tiếp cận nguồn lực và các dịch vụ xã hội của các nhóm yếu thế.
Việc hỗ trợ cần sử dụng hiệu quả nguồn lực. Do đó, việc phân bổ nguồn lực cho lĩnh vực y tế và phòng chống dịch có ý nghĩa quan trọng giúp cho các hoạt động kinh tế, xã hội sớm trở lại bình thường mới.
Đối với đầu tư kết cấu hạ tầng, tôi đóng góp đề nghị Chính phủ cần làm rõ đối với nguồn vốn đầu tư công còn thiếu để đáp ứng cho các dự án trong danh mục đề xuất; đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công.
HẢI YẾN (Thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin