Giáo sư Pankaj Kumar Jha cho rằng, chuyến thăm có thể là bước khởi đầu để thúc đẩy sự hội tụ lớn trong quan hệ hai nước thông qua các hoạt động liên hoan, phim, giao lưu văn hóa truyền thống.
Giáo sư Pankaj Kumar Jha cho rằng, chuyến thăm có thể là bước khởi đầu để thúc đẩy sự hội tụ lớn trong quan hệ hai nước thông qua các hoạt động liên hoan, phim, giao lưu văn hóa truyền thống.
Trải qua gần 50 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao, Ấn Độ và Việt Nam đang thực sự hiểu nhau hơn và tìm ra những cơ hội hợp tác xa hơn.
Đó là bởi hai nước ngày càng gần gũi về quan điểm, lợi ích và chiều sâu quan hệ. Đây là nhận định của Giáo sư Pankaj Kumar Jha, nhà nghiên cứu Việt Nam tại trường Quan hệ Quốc tế, Đại học Toàn cầu Jindal, Ấn Độ trước thềm chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Giáo sư Pankaj Kumar Jha, nhà nghiên cứu Việt Nam tại trường Quan hệ Quốc tế, Đại học Toàn cầu Jindal, Ấn Độ. |
PV: Thưa ông, Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ hữu nghị gần 50 năm và đã đạt được những thành tựu ấn tượng và thiết thực. Điều này càng nổi bật sau khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện cách đây 5 năm. Ông nghĩ gì về mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong những năm qua?
Giáo sư Pankaj Kumar Jha: Nếu đánh giá về quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, theo tôi đây là mối quan hệ hết sức tốt đẹp ngay cả trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh. Sau thời kì này, hai nước đã cố gắng hướng tới những lĩnh vực mà hai bên thực sự có thể hợp tác phát triển, đặc biệt là quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa và lịch sử.
Vì vậy, nếu nhìn vào mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và đánh giá về các tiến bộ đạt được, tôi cho rằng chúng ta thực sự đang hợp tác rất tốt, đặc biệt trong những lĩnh vực mà cả hai bên có thể đạt được những tiến bộ nhanh chóng và phát triển tốt hơn. Đó là vì nhân dân hai nước đều mong muốn mối quan hệ này ngày càng gần gũi và tốt đẹp hơn nữa.
PV: Ông nhận định thế nào về triển vọng của mối quan hệ này khi hai nước chuẩn bị kỷ niệm nửa thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm sau?
Giáo sư Pankaj Kumar Jha: Quan sát mối quan hệ này, ta thấy cả hai nước đều quan tâm đến quan điểm, ý kiến, lợi ích của nhau. Điều này được thể hiện qua các chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo hai bên.
Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi năm 2016, hai bên đã bàn tới các vấn đề như an ninh lương thực, nông nghiệp, hợp tác trong sử dụng hiệu quả năng lượng. 50 năm qua là quãng thời gian hai nước có thể thực sự hiểu nhau hơn và tìm ra những cơ hội hợp tác xa hơn.
Và theo quan sát của tôi, trong tương lai, hai nước sẽ có sự hợp tác lớn hơn, chặt chẽ hơn trong lĩnh vực quốc phòng, phát triển mối quan hệ chiến lược trong các lĩnh vực như bảo tồn nguồn nước, sử dụng hiệu quả năng lượng, đặc biệt là hệ thống bảo quản, nông nghiệp, chế biến bảo quản thực phẩm; thậm chí là cả việc duy trì sự bền vững của các chuỗi cung ứng.
Bởi nếu chúng ta nhìn vào những sáng kiến này, có thể thấy rõ Ấn Độ đang tìm kiếm những chuỗi cung ứng thay thế. Các chuỗi này có thể bắt đầu từ Việt Nam với các nhà máy chế tạo; vì thế cần sự phối hợp và hợp tác trong các lĩnh vực này.
Theo quan sát của tôi, hai nước có rất nhiều tiềm năng trong đổi mới sáng tạo và số hóa, thương mại điện tử, chính phủ điện tử.
Đó là bởi Ấn Độ và Việt Nam đều đang chuẩn bị cho cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Tôi nghĩ có rất nhiều chân trời mới, rất nhiều sự phát triển mới đang dần thành hình trong tương lai gần.
PV: Ấn Độ và Việt Nam cần tập trung những gì để đạt được các mục tiêu này?
Giáo sư Pankaj Kumar Jha: Tôi cho rằng thương mại và đầu tư là một trong những lĩnh vực rất quan trọng vì Ấn Độ hiện có hơn 200 dự án tại Việt Nam.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực đầu tư giữa hai nước còn rất nhiều tiềm năng có thể khai phá. Thứ hai là về thương mại và đầu tư và các khía cạnh liên quan, ta thấy có nhiều tiềm năng khi hai nước phấn đấu kim ngạch thương mại song phương đạt 15 tỷ USD.
Con số trao đổi trong năm 2020 là 12,3 tỷ USD. Vì vậy, tôi tin rằng hai nước có thể đạt được những bước phát triển hơn nữa.
Về việc phối hợp, tôi thấy sự cần thiết phải đánh giá lại Hiệp định thương mại tự do Ấn Độ - ASEAN, và các các khía cạnh liên quan đều cần phải xem xét kỹ lưỡng.
Đặt trong bối cảnh Ấn Độ không tham gia Hiệp định RCEP, nên chúng ta cần tìm kiếm thêm những không gian mới cho tăng trưởng, những cách thức bổ trợ, thay thế để duy trì tăng trưởng.
PV: Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang chứng kiến rất nhiều biến động về địa chính trị. Theo ông, Ấn Độ và Việt Nam có vai trò như thế nào trong khu vực và hai nước có thể hợp tác ra sao góp phần đem lại một khu vực vững mạnh và hòa bình?
Giáo sư Pankaj Kumar Jha: Trong 2 năm qua, tôi khám phá ra rằng nếu đặt Việt Nam vào một bối cảnh địa chính trị lớn hơn, Việt Nam sẽ có thể trở thành một đối tác rất quan trọng. Ấn Độ cũng đang từng bước đạt được tới vị trí như thế.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có quy mô trung bình và ngày càng nổi. Nếu nhìn vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Sáng kiến Quad mở rộng, Việt Nam giờ đã nằm trong danh sách các quốc gia có vai trò quan trọng trong bối cảnh hiện tại.
Cách thức làm thế nào để Ấn Độ và Việt Nam cùng phối hợp tiến lên được chứng minh rất rõ gần đây khi Ấn Độ tổ chức hội thảo quốc tế về an ninh hàng hải.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã nói về cách các cơ chế quốc tế và các thể chế khu vực cùng tập hợp lại để hợp tác. Có rất nhiều ví dụ về việc hai nước cùng hợp tác, hợp lực nhằm giải quyết các vấn đề.
PV: Những năm qua, hợp tác quốc phòng cũng là điểm đáng chú ý của mối quan hệ này. Vậy giá trị của lĩnh vực hợp tác này là gì, thưa ông?
Giáo sư Pankaj Kumar Jha: Nếu chúng ta nhìn vào hợp tác quốc phòng giữa hai nước và trong Kế hoạch hành động Ấn Độ-ASEAN, quốc phòng là một trong những lĩnh vực quan trọng. Việt Nam được coi là một trong những đối tác chiến lược quốc phòng quan trọng đối với Ấn Độ.
Có rất nhiều lĩnh vực mà hai bên có thể hợp tác, đặc biệt là việc Ấn Độ giúp Việt Nam đào tạo phi công lái máy bay chiến đấu Sukhoi, đào tạo kỹ thuật viên làm việc trên tàu ngầm Kilo, huấn luyện lực lượng gìn giữ hòa bình, những loại trang bị quốc phòng mới mà Việt Nam đang cố gắng có được như hệ thống radar và tên lửa tầm ngắn.
Tôi nghĩ rằng cả Việt Nam và Ấn Độ cũng có thể xem xét hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng và không gian, nghiên cứu cách ứng dụng và quốc phòng. Tôi nghĩ có rất nhiều cơ hội để kết nối. Trong tương lai gần, Ấn Độ cũng có thể bán cho Việt Nam tên lửa Brahmos.
PV: Chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từ ngày 15- 19/12 được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước. Ông nghĩ sao về điều này?
Giáo sư Pankaj Kumar Jha: Chúng tôi mong đợi chuyến thăm này vì Chủ tịch Quốc hội là người đưa nhiều ý tưởng mới nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các thành viên Quốc hội và cơ quan lập pháp hai nước. Hai bên đã có sự tương tác ở tầm quốc tế, trong các diễn đàn toàn cầu khác nhau.
Tôi coi chuyến thăm này là bước tiến quan trọng, khởi đầu cho Năm Kỷ niệm 50 năm Thiết lập Quan hệ Ngoại giao giữa Ấn Độ và Việt Nam.
Chuyến thăm có thể là bước khởi đầu để thúc đẩy sự hội tụ lớn trong quan hệ hai nước thông qua các hoạt động liên hoan, phim, giao lưu văn hóa truyền thống, nhằm tăng cường quan hệ văn hóa và giao lưu nhân dân giữa Ấn Độ và Việt Nam.
Và có thể trong tương lai gần, các chuyến bay thẳng giữa Ấn Độ và Việt Nam sẽ được khôi phục. Nhờ đó, ngày càng có nhiều người Ấn Độ đến thăm Việt Nam, đặc biệt là với mục đích du lịch và tổ chức đám cưới.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Theo Phan Tùng, Dũng Hoàng/VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin