Đề nghị không đưa vào luật quy định thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh

Cập nhật, 19:04, Thứ Hai, 01/11/2021 (GMT+7)

 

Trong phiên thảo luận về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long- Nguyễn Thị Quyên Thanh đề nghị không đưa vào luật quy định thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.

Về cơ bản, dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã thể chế hóa một số chủ trương, đường lối của Đảng, trong đó có các nội dung về phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp điện ảnh, phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam; có cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa.

Đóng góp thêm cho dự án luật, tôi quan tâm việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Tại Điều 6 Luật Điện ảnh năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Tuy nhiên, qua 14 năm triển khai thực hiện, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh vẫn chưa được thành lập do chưa xác định được nguồn thu ổn định để bảo đảm hoạt động của quỹ. Tại Điều 43 dự án luật này, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh và giao Chính phủ quy định chi tiết tại khoản 2, điều 43. Cụ thể tại khoản 3 Điều 10, dự thảo Nghị định có quy định: “Trích % doanh thu từ 4 nguồn, trong đó có trích 0.5% doanh thu từ hoạt động quảng cáo trong chương trình phim chiếu trên truyền hình”. Đề nghị chính phủ cân nhắc khoản trích này đối với các đài truyền hình trên cả nước vì những lý do sau:

Lý do thứ nhất, hiện nay Luật Ngân sách nhà nước và Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước cũng không có quy định việc bắt buộc các tổ chức, cá nhân đóng góp để hình thành Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách (theo dự thảo Luật Điện ảnh thì Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Nhà nước thành lập). Chính vì vậy, chưa đủ căn cứ pháp lý để ban hành nghị định quy định về nguồn hình thành Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.

Lý do thứ hai, trong quá trình sản xuất và phát sóng phim, các Đài Phát thanh và truyền hình (Đài PT-TH) đã phải nộp hai loại thuế là: thứ nhất là thuế giá trị gia tăng trong quá trình sản xuất phim (khi ký hợp đồng đặt hàng sản xuất phim, ký hợp đồng trực tiếp với đạo diễn, diễn viên…), thứ hai là thuế thu nhập doanh nghiệp sau khi phim được phát sóng trên truyền hình và phát sinh doanh thu. Việc trích thêm một khoản phí từ nguồn thu quảng cáo trong chương trình phim truyện sẽ gây khó khăn về kinh phí sản xuất, do chi phí sản xuất lớn và không được hỗ trợ từ nhà nước, đồng thời phải đảm bảo việc sản xuất và phát sóng liên tục để tạo thành một khung giờ quen thuộc với khán giả.

Lý do thứ ba, nguồn thu quảng cáo trong nhiều chương trình phim truyện hiện nay đôi khi không đủ bù đắp chi phí sản xuất cũng như tiền mua bản quyền. Cùng với đó là với sự bùng nổ của các loại hình giải trí, sự tương tác của các nền tảng xuyên biên giới như hiện nay, người xem có nhiều điều kiện tiếp cận với công nghệ điện ảnh hiện đại trên thế giới. Chính vì thế, khi triển khai nội dung trên sẽ gia tăng gánh nặng về mặt chi phí, sẽ là áp lực lớn, khó có thể phát huy và khuyến khích các Đài truyền hình tiếp tục sản xuất và nâng cao chất lượng phim Việt để đảm bảo đạt ít nhất 30% tổng thời lượng phát sóng phim Việt trên truyền hình theo Điều 17 của Nghị định số 54 năm 2010 của Chính phủ.

Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc không đưa vào luật quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh như trong dự thảo luật. Chính sách hỗ trợ phát triển điện ảnh nên tập trung nâng cao chất lượng tại chỗ, tức là hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt đối với các đơn vị đã thực hiện tốt trong thời gian qua. Vì việc sản xuất phim đòi hỏi kinh nghiệm và sự am hiểu nhu cầu của khán giả mới có thể cho ra đời những tác phẩm có giá trị. Cần có chính sách tạo điều kiện cho các Đài PT-TH trên cả nước có thêm động lực và nguồn lực sản xuất phim truyện Việt Nam phục vụ khán giả truyền hình. Thực tiễn cho thấy, rất ít Đài truyền hình thực hiện sản xuất phim.

Ngoài ra, đối với quy định về sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước (Điều 15), thống nhất phương án 2 “giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu” vì đây là các hình thức cơ bản để lựa chọn đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước được pháp luật quy định. Đồng thời, thống nhất với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng về việc đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể trường hợp áp dụng hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu. Đối với việc đấu thầu, cần có quy định chi tiết để bảo đảm tính khả thi vì đây là lĩnh vực đặc thù.

Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu những quy định tạo hành lang pháp lý để xây dựng các định mức kinh tế - kỹ thuật sản xuất phim. Trên cơ sở đó xây dựng giá đặt hàng sản xuất phim và là căn cứ để bố trí ngân sách hàng năm và các nguồn đầu tư cho điện ảnh.

Đối với chương II về sản xuất phim và chương IV về phổ biến phim, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu có cơ chế, chính sách phát triển điện ảnh. Song song đó, các chính sách về phát triển điện ảnh cần hướng tới việc mở rộng xã hội hóa và nâng cao tính chuyên nghiệp của hoạt động điện ảnh bởi một sản phẩm điện ảnh có chất lượng cao về nội dung và giá trị nghệ thuật phục vụ xã hội sẽ có tác động trực tiếp và tích cực đến các quan hệ chính trị, kinh tế, và bản sắc văn hoá dân tộc. Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, tạo điều kiện cho giới chuyên môn được tiếp cận nhiều hơn với môi trường làm phim chuyên nghiệp để học tập kinh nghiệm nhất là sự tiến bộ và những thay đổi không ngừng của điện ảnh. Đồng thời qua đó quảng bá, khơi nguồn các đề tài về đất nước và con người Việt Nam để thu hút các nhà làm phim nước ngoài. Cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ, khen thưởng, tạo động lực cho việc sản xuất các sản phẩm điện ảnh có chiều sâu, chứa đựng và chuyên tải được những giá trị nhân văn cao đẹp, góp phần vào việc bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc; giáo dục lý tưởng, đạo đức lối sống cho thế hệ trẻ.  

AN NHIÊN (ghi)