Bộ GD- ĐT có định hướng gì để đảm bảo chất lượng giáo dục về lâu dài?

05:11, 11/11/2021

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 11/11/2021,  đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh- Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long chất vấn Bộ Trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn: Thời gian qua, trước tác động của dịch COVID-19 ngành giáo dục đã có những thích ứng rất linh hoạt, kịp thời, đảm bảo những nhiệm vụ trọng tâm và được xã hội đánh giá cao.

 

(VLO) Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 11/11/2021,  đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh- Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long chất vấn Bộ Trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn: Thời gian qua, trước tác động của dịch COVID-19 ngành giáo dục đã có những thích ứng rất linh hoạt, kịp thời, đảm bảo những nhiệm vụ trọng tâm và được xã hội đánh giá cao. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đã thể hiện tinh thần vượt khó bằng tâm nghề nghiệp rất đáng trân trọng, tuy nhiên, công tác quản lý, điều hành của các bộ, ngành, địa phương cũng bộc lộ nhiều vấn đề. Vậy qua đợt ứng phó dịch lần thứ 4 vừa rồi, Bộ trưởng nhận thấy trong công tác quản lý điều hành của Bộ GD-ĐT có vấn đề gì cần khắc phục và điều chỉnh trong thời gian tới?

Dự báo trong thời gian tới, dịch COVID-19 sẽ còn diễn biến phức tạp, dạy và học trực tuyến được xem là giải pháp ổn định lâu dài. Vậy, theo Bộ trưởng, Bộ có định hướng gì để đảm bảo chất lượng giáo dục và các vấn đề liên quan đến sức khỏe, tâm lý của học sinh, giáo viên về lâu dài?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Chống chọi với dịch bệnh, ứng phó với dịch bệnh có rất nhiều điều chúng ta nhìn ra. Chúng ta nhìn ra sức mạnh, niềm tin được củng cố rất nhiều từ sự nhiệt thành, tận tụy, hy sinh của đội ngũ hơn một triệu giáo viên, cán bộ quản lý.

Trong gian khó của dạy học trực tuyến, của ứng phó với dịch bệnh nhưng các thầy, các cô không kêu ca, trên các diễn đàn và các nhóm thì không nhiều các ý kiến phàn nàn, đó là điều rất tích cực, các thầy, các cô sáng tạo vô cùng.

Nổi lên một yếu tố rất quan trọng đó là tinh thần tốt, sự tận tâm và củng cố thêm cho chúng ta niềm tin vào đội ngũ lãnh đạo cũng như là giáo viên.

Về phía Bộ GD-ĐT, chúng tôi cũng đã hết sức cố gắng, tuy nhiên qua dịch bệnh chúng ta cũng nhìn thấy một số điều chắc chắn trong thời gian tới phải điều chỉnh để làm tốt hơn.

Thứ nhất, về phương diện thể chế, các chế độ, chính sách khi áp dụng vận hành trong những tình trạng ứng phó dịch bệnh, nhiều văn bản quản lý, nhiều chế độ, chính sách cũng còn bộc lộ những điểm khiếm khuyết.

Bình thường chúng ta cũng có thể thấy nhưng chưa thực sự trở thành vấn đề gay gắt thì trong ứng phó với dịch bệnh chúng ta nhìn thấy rõ hơn, việc chúng tôi đang làm và sẽ làm tiếp là rà soát các chế độ, chính sách.

Thứ hai, về phương diện quản lý nhà nước, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và kiểm tra, giám sát thì bộ đang làm tốt, nhưng khả năng để ứng phó với các tình trạng khẩn cấp với các trạng thái an ninh phi truyền thống thì về nghiệp vụ, hiểu biết, tinh thần không chỉ cơ quan bộ mà cả hệ thống của ngành cần phải làm nhiều việc hơn nữa.

Thứ ba, trong việc ban hành chính sách, cần phải chú ý nhiều hơn đến tính đa dạng, tính đặc thù của các vùng miền và các chính sách, các văn bản quy định hướng dẫn cần phải phù hợp với thực tế.

Vừa rồi trong vòng nửa cuối của tháng 8 và đầu tháng 9, trong các văn bản quản lý điều hành để phục vụ cho phòng chống dịch, bộ đã ban hành gần 20 văn bản, trong đó bao gồm chỉ thị, công điện, các văn bản hướng dẫn.

Qua chống chọi với dịch bệnh, chúng ta nhìn thấy sức mạnh của hạ tầng cho giáo dục đang được đến đâu, đây là một khâu rất yếu chúng ta cần phải tăng cường, khẩn trương và lâu dài.

Đương nhiên, dịch bệnh cũng cho thấy cả kỹ năng của đội ngũ quản lý, kỹ năng của nhà giáo và các kỹ năng của học sinh, đặc biệt là năng lực tự học của học sinh cũng cần phải tăng cường lên rất là nhiều.

Trong thời gian rất ngắn thì khó có thể nói được những gì mà dịch bệnh đã cho chúng tôi nhìn thấy và cần phải làm trong thời gian sắp tới.

Những việc trong thời gian sắp tới cần phải làm gì để tăng cường chất lượng về mặt lâu dài trong dạy và học. Đây là một việc rất lớn, trong chủ đề chất vấn ngày hôm nay có việc đảm bảo chất lượng cho dạy học trực tuyến. Có 3 nhóm đối tượng cần phải có các giải pháp khác nhau trong việc tăng cường chất lượng.

Hiện nay cả nước trong 713 quận- huyện- thị trực thuộc trung ương, tính cho đến sáng hôm nay có 350 quận- huyện- thị đang dạy học trực tuyến và học truyền hình, còn lại 316 đơn vị đang học trực tiếp. Như vậy, có 3 nhóm, trong đó nhóm vẫn đang học trực tiếp bình thường thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc và một số tỉnh trung du, miền Trung.

Nhóm này giải pháp tăng cường chất lượng theo như bình thường. Một nhóm đang chuẩn bị và đang đưa học sinh quay trở lại trường học thì cần một nhóm giải pháp khác. Ba là khả năng có những nhóm sẽ tiếp tục học trực tuyến thêm một thời gian nữa. Tới đây, bộ sẽ có giải pháp cho từng nhóm một cách phù hợp.

TÂM THI (ghi)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh