Đóng góp tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long đã đề xuất Chính phủ nhiều vấn đề:
(VLO) Đóng góp tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long đã đề xuất Chính phủ nhiều vấn đề:
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh. |
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh: Đẩy nhanh tỷ lệ tiêm vắc xin ngừa COVID- 19
Thống nhất cao nhiệm vụ của Chính phủ trong thời gian tới tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Thời gian tới, đề nghị Chính phủ tập trung ưu tiên, cân đối nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội một cách đầy đủ, kịp thời để thực hiện các chương trình tín dụng bảo đảm hoạt động ổn định, bền vững. Đề nghị mở rộng đối tượng được vay đến các dự án sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, khởi nghiệp, hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo.
Ngoài ra, cần nghiên cứu và đánh giá việc thực hiện NQ 128 Chính phủ, QĐ 4800 của Bộ y tế phù hợp với tiến độ tiêm vắc xin và khả năng tiếp nhận, điều trị của từng địa phương đặc biệt là các tỉnh ĐBSCL.
Các địa phương chỉ có thể thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả tùy thuộc vào độ bao phủ vắc xin, khả năng ứng phó, kiểm soát dịch bệnh, theo tinh thần phải đáp ứng yêu cầu an toàn lên hàng đầu.
Tập trung đẩy nhanh tỷ lệ tiêm vắc xin, sớm đạt mức 70% dân số được tiêm chủng đầy đủ cuối năm 2021 và chậm nhất đầu 2022 có như thế các địa phương mới có thể từng bước chuyển sang mô hình thích ứng, sống chung an toàn với dịch COVID-19.
Tiếp tục đầu tư, phát huy vai trò của mạng lưới y tế cơ sở trong phòng chống dịch bệnh; củng cố, hoàn thiện và phát triển mạng lưới y tế dự phòng, bảo đảm đủ năng lực dự báo, giám sát và phát hiện bệnh sớm, khống chế kịp thời.
Rà soát, cân đối và ưu tiên nguồn lực cho phòng chống dịch COVID-19, nhất là các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
Nghiên cứu thực hiện các chính sách an sinh xã hội một cách toàn diện và dài hạn hơn đối với những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Tăng cường hỗ trợ, trợ giúp xã hội, nhất là với nhóm các đối tượng dễ bị tổn thương như: trẻ em mồ côi do cha mẹ, người thân vừa mất do đại dịch, người khuyết tật, người cao tuổi, người có công với cách mạng, gia đình chính sách, người nghèo, phụ nữ, trẻ em, lao động di cư từ các thành phố lớn...
Thực hiện chính sách ưu tiên bố trí, hỗ trợ để trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19 (cả nước hiện ước có hơn 2.093 trẻ em) bảo đảm quyền được học tập, bảo vệ sức khỏe của trẻ em, quyền được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế của các đối tượng yếu thế.
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang. |
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang: Quan tâm nhóm yếu thế do ảnh hưởng dịch COVID-19
Tôi cơ bản thống nhất với đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát kinh tế - xã hội năm 2021 và việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15.
Có thể nói, dịch COVID-19 bùng phát trở lại đã làm gián đoạn sản xuất, đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng ở quy mô quốc gia, khu vực và toàn cầu, tác động tiêu cực đến kinh tế.
Tuy vậy, việc ban hành một số chính sách hỗ trợ kinh tế- xã hội kịp thời đã giúp Việt Nam ngăn chặn được suy giảm kinh tế đáp ứng nguyện vọng, nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cử tri cả nước.
Nghiên cứu báo cáo của Chính phủ, tôi còn băn khoăn và quan tâm đến một số vấn kinh tế- xã hội, xin chia sẻ và đề xuất giải pháp tới: hiện nay đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ vào khu vực các địa phương phía Nam dẫn đến tình trạng dịch chuyển lao động từ các tỉnh, thành phố lớn về quê, tạo nguy cơ “thiếu hụt lao động” với số lượng lớn.
Các địa phương cũng gặp thách thức lớn khi phải xử lý, giải quyết những vấn đề về lao động, việc làm, tư liệu sản xuất, an ninh trật tự... khi nhiều người lao động trở về sinh sống tại quê nhà trong điều kiện thu nhập khó khăn. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tăng cao nhất kể từ quý I/2020.
Từ thực tế trên, kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 và các chính sách phòng, chống dịch COVID-19; ưu tiên phân bổ ngân sách, bố trí nguồn lực cho thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực xã hội, nhất là chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, trợ giúp xã hội cho các nhóm yếu thế chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và bình đẳng giới.
Ngoài ra, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời.
Rà soát cắt giảm những dự án đầu tư công chưa thực sự cần thiết, quan tâm cân đối ngân sách ưu tiên phân bổ chi cho công tác phòng, chống dịch, những chính sách mới đã được ban hành và thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nhất là các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 và phải bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương.
AN NHIÊN (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin