Chủ tịch nước dự phiên thảo luận mở cấp cao về Hợp tác giữa Liên hợp quốc và Liên minh Châu Phi

04:10, 28/10/2021

Việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự phiên thảo luận khẳng định vai trò, đóng góp trách nhiệm của Việt Nam trong tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực.

 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự phiên thảo luận mở cấp cao về Hợp tác giữa Liên hợp quốc và Liên minh Châu Phi.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự phiên thảo luận mở cấp cao về Hợp tác giữa Liên hợp quốc và Liên minh Châu Phi.

Việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự phiên thảo luận khẳng định vai trò, đóng góp trách nhiệm của Việt Nam trong tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực.

Nhận lời mời của Tổng thống Kenya - Uhuru Kenyatta, Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) tháng 10/2021, tối nay 28/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và phát biểu tại phiên Thảo luận mở Cấp cao trực tuyến về Hợp tác giữa Liên Hợp Quốc và Liên minh Châu Phi (AU) với chủ đề “Tăng cường đoàn kết vì hòa bình và an ninh trong một môi trường xung đột đang thay đổi”.

Cùng tham dự và phát biểu có Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres và các diễn giả quốc tế, các vị nguyên thủ, đại diện cấp cao của các nước thành viên HĐBA LHQ và một số tổ chức khu vực.

Phiên họp là sự kiện chính ở cấp cao nhất do Kenya thúc đẩy trong tháng Chủ tịch, dự kiến Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta chủ trì và có các báo cáo viên gồm Tổng Thư ký LHQ António Guterres, Chủ tịch Ủy ban Liên minh Châu Phi Moussa Faki Mahamat và Cao ủy Quỹ Hòa bình Liên minh Châu Phi Donald Kaberuka.

Mục đích của Phiên họp là nhằm phân tích về các xu hướng và nguyên nhân của xung đột hiện nay ở Châu Phi và trên toàn cầu; Đánh giá các cơ chế hợp tác về hòa bình và an ninh hiện có và bàn thảo các biện pháp tăng cường hiệu quả và thúc đẩy cam kết mới trong việc triển khai các cơ chế này; Đánh giá về các khía cạnh và quá trình triển khai mục tiêu “Giải pháp Châu Phi cho các thách thức Châu Phi”; Xác định các cách thức nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác của cộng đồng quốc tế, khu vực và quốc gia trong ứng phó đại dịch COVID-19, tình trạng khủng hoảng kinh tế, các tình huống khẩn cấp về thời tiết và khủng hoảng nhân đạo; Triển khai các cách thức sáng tạo để tăng cường quan hệ đối tác giữa LHQ, Liên minh Châu Phi và các tổ chức tiểu khu vực tại Châu Phi. 

Việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự phiên thảo luận khẳng định vai trò, đóng góp trách nhiệm của Việt Nam trong tăng cường hợp tác giữa Liên Hợp Quốc và các tổ chức khu vực, đồng thời tiếp nối kết quả thành công đã đạt được trong tháng Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (tháng 4/2021). Tại phiên thảo luận, Chủ tịch nước sẽ có đánh giá về những thành tựu, nỗ lực về phát triển và hội nhập quốc tế của Châu Phi thời gian qua, đồng thời chia sẻ nhiều khó khăn, thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống mà Châu Phi hiện đang phải đối mặt, nhất là các tác động tiêu cực của xung đột, bất ổn, đại dịch COVID-19…; ghi nhận vai trò tích cực của Liên minh Châu Phi trong duy trì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững tại Châu Phi, và đề xuất một số biện pháp lớn để tăng cường hiệu quả hợp tác giữa Liên Hợp Quốc và Liên minh Châu Phi cũng như giữa các tổ chức khu vực, trong đó có hợp tác ASEAN-Liên minh Châu Phi; đồng thời đề cao tình cảm đoàn kết, quan hệ hữu nghị, truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và các nước Châu Phi, khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác với các nước Châu Phi.

Thời gian qua, Việt Nam và các nước châu Phi luôn tích cực phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và các tổ chức quốc tế. Các nước châu Phi đều ủng hộ Việt Nam ứng cử vị trí quan trọng như Hội đồng Nhân quyền LHQ (2014-2016), Hội đồng Kinh tế - Xã hội ECOSOC (2016-2018), đặc biệt mới đây nhất là ủng hộ Việt Nam trở thành Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021...

Việt Nam luôn đồng hành cùng các nước châu Phi trong bảo vệ những giá trị cốt lõi vì hoà bình và phát triển, đề cao các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và tham gia giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến hoà bình, an ninh của châu Phi. Là thành viên tích cực và nhất là trong cương vị chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa ASEAN với Liên minh châu Phi, thúc đẩy và góp thêm tiếng nói ủng hộ cho một số nước châu Phi như Nam Phi, Morocco… gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC).

Việt Nam lần đầu tiên tiếp xúc ở cấp cao với Liên minh châu Phi vào năm 2018 và chính thức đề xuất thiết lập quan hệ với tổ chức lớn nhất châu lục này từ tháng 7/2020. Hiện nước ta đang tích cực vận động để Liên minh châu Phi và các nước thành viên chấp thuận đề nghị này nhằm tạo cơ chế hợp tác, phối hợp đồng bộ ở cấp độ khu vực với toàn bộ châu Phi, mở ra cơ hội hợp tác mới theo quy mô khối đầy triển vọng với khu vực rộng lớn 1,3 tỷ dân./.

Theo Vũ Dũng/VOV

 

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh